Khi nào thừa nhận giấy phép hành nghề khám chữa bệnh do nước ngoài cấp từ năm 2024?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
25/10/2023 17:14 PM

Tôi muốn biết có thừa nhận giấy phép hành nghề khám chữa bệnh do nước ngoài cấp không? Điều kiện để được thừa nhận là gì? – Hồng Phúc (Trà Vinh)

Khi nào thừa nhận giấy phép hành nghề khám chữa bệnh do nước ngoài cấp từ năm 2024?

Khi nào thừa nhận giấy phép hành nghề khám chữa bệnh do nước ngoài cấp từ năm 2024? (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Khi nào thừa nhận giấy phép hành nghề khám chữa bệnh do nước ngoài cấp từ năm 2024?

Theo khoản 1 Điều 29 Luật Khám bệnh chữa bệnh năm 2023, giấy phép hành nghề khám chữa bệnh do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp được xem xét thừa nhận khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

- Được thừa nhận theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là bên ký kết; giấy phép hành nghề được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài mà cơ quan, tổ chức đó được Bộ Y tế đánh giá để thừa nhận theo quy định tại khoản 3 Điều 29 Luật Khám bệnh chữa bệnh năm 2023;

- Còn hiệu lực tại thời điểm đề nghị thừa nhận;

- Có thông tin về chức danh chuyên môn và chức danh đó phải tương đương với một trong các chức danh chuyên môn quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g và h khoản 1 Điều 26 Luật Khám bệnh chữa bệnh năm 2023.

Cụ thể các chức danh chuyên môn đó là:

- Bác sỹ;

- Y sỹ;

- Điều dưỡng;

- Hộ sinh;

- Kỹ thuật y;

- Dinh dưỡng lâm sàng;

- Cấp cứu viên ngoại viện;

- Tâm lý lâm sàng;

Thủ tục thừa nhận giấy phép hành nghề khám chữa bệnh do nước ngoài cấp

Cụ thể tại khoản 2 Điều 29 Luật Khám bệnh chữa bệnh năm 2023 quy định về thủ tục thừa nhận giấy phép hành nghề khám chữa bệnh do cơ quan ở nước ngoài cấp như sau:

- Người có giấy phép hành nghề gửi hồ sơ đề nghị thừa nhận giấy phép hành nghề đến Bộ Y tế, bao gồm đơn đề nghị thừa nhận giấy phép hành nghề và bản sao hợp lệ giấy phép hành nghề đã được cấp;

- Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị, Bộ Y tế phải có văn bản trả lời về việc thừa nhận hoặc không thừa nhận giấy phép hành nghề;

- Trường hợp cần xác minh đối với việc đào tạo ở nước ngoài của người hành nghề thì thời hạn thừa nhận là 30 ngày kể từ ngày có kết quả xác minh.

Nghĩa vụ của người hành nghề khám chữa bệnh mới nhất năm 2024

Những người hành nghề khám chữa bệnh phải có trách nhiệm thực hiện những nghĩa vụ được quy định tại Điều 44 đến Điều 47 Luật Khám bệnh chữa bệnh năm 2023, cụ thể như sau:

(1) Nghĩa vụ đối với người bệnh

- Kịp thời sơ cứu, cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh, trừ trường hợp quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 40 Luật Khám bệnh chữa bệnh năm 2023.

- Tôn trọng các quyền của người bệnh, có thái độ ân cần, hòa nhã với người bệnh.

- Tư vấn, cung cấp thông tin theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Luật Khám bệnh chữa bệnh năm 2023.

- Đổi xử bình đẳng với người bệnh, không để lợi ích cá nhân hay sự phân biệt đối xử ảnh hưởng đến quyết định chuyên môn của mình.

- Chỉ được yêu cầu người bệnh chi trả các chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật.

(2) Nghĩa vụ đối với nghề nghiệp

- Tuân thủ quy định về chuyên môn kỹ thuật.

- Chịu trách nhiệm về việc khám bệnh, chữa bệnh của mình.

- Thường xuyên học tập, cập nhật kiến thức y khoa liên tục.

- Tận tâm trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh.

- Giữ bí mật tình trạng bệnh của người bệnh, những thông tin mà người bệnh đã cung cấp và hồ sơ bệnh án, trừ trường hợp người bệnh đồng ý chia sẻ thông tin và trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 69 Luật Khám bệnh chữa bệnh năm 2023.

- Thông báo với người có thẩm quyền về người hành nghề có hành vi lừa dối người bệnh hoặc vi phạm quy định Luật Khám bệnh chữa bệnh năm 2023.

(3) Nghĩa vụ đối với đồng nghiệp

- Hợp tác với đồng nghiệp trong khám bệnh, chữa bệnh.

- Tôn trọng danh dự và uy tín của đồng nghiệp.

(4) Nghĩa vụ đối với xã hội

- Tham gia cấp cứu, bảo vệ sức khỏe và giáo dục sức khỏe tại cộng đồng.

- Tham gia giám sát về năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp của người hành nghề khác.

- Chấp hành quyết định luân phiên có thời hạn của cơ quan quản lý trực tiếp; quyết định huy động, điều động của cơ quan, người có thẩm quyền về việc tham gia hoạt động khám bệnh, chữa bệnh khi có thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc tình trạng khẩn cấp, trừ các trường hợp sau đây:

+ Người hành nghề đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 24 tháng tuổi, trừ trường hợp người đó tự nguyện;

+ Người hành nghề thuộc nhóm nguy cơ cao đối với các bệnh dịch và trường hợp khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,183

Bài viết về

lĩnh vực Y tế

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]