THƯ VIỆN PHÁP LUẬT cập nhật 07 chính sách mới có hiệu lực từ ngày 01/12/2023:
1. Giao dịch từ 400 triệu đồng trở lên phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước
Ngày 27/4/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 11/2023/QĐ-TTg quy định mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực ngày 01/12/2023.
Theo đó, từ ngày 01/12/2023, các giao dịch có giá trị từ 400 triệu đồng trở lên thì phải thực hiện báo cáo với Ngân hàng Nhà nước.
(Hiện hành quy định mức giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo với Ngân hàng Nhà nước là 300 triệu đồng).
07 chính sách mới có hiệu lực từ ngày 01/12/2023 (Hình từ internet)
2. Mức thu lệ phí cấp giấy phép lái xe online từ ngày 01/12/2023
Ngày 16/10/2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 63/2023/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về phí, lệ phí nhằm khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến có hiệu lực kể từ ngày 01/12/2023.
Theo đó, sửa đổi quy định tại Điều 3 Thông tư 37/2023/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sát hạch lái xe; lệ phí cấp bằng, chứng chỉ được hoạt động trên các loại phương tiện và lệ phí đăng ký, cấp biển xe máy chuyên dùng lại như sau:
- Mức thu phí sát hạch lái xe; lệ phí cấp bằng, chứng chỉ được hoạt động trên các loại phương tiện và lệ phí đăng ký, cấp biển xe máy chuyên dùng quy định tại Biểu mức thu phí, lệ phí ban hành kèm theo Thông tư 37/2023/TT-BTC.
- Trường hợp tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đề nghị cấp mới, cấp lại, cấp đổi giấy phép lái xe (quốc gia và quốc tế) theo hình thức trực tuyến:
+ Kể từ ngày 01/12/2023 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2025, áp dụng mức thu lệ phí là 115.000 đồng/lần cấp.
+ Kể từ ngày 01/01/2026 trở đi, áp dụng mức thu lệ phí quy định tại Biểu mức thu phí, lệ phí ban hành kèm theo Thông tư 37/2023/TT-BTC.
Như vậy, mức thu lệ phí cấp mới, cấp lại, cấp đổi giấy phép lái xe (quốc gia và quốc tế) khi nộp hồ sơ online từ ngày 01/12/2023 là 115.000 đồng/lần cấp.
3. Nội dung quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng
Ngày 16/10/2023, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư 13/2023/TT-BTNMT quy định kỹ thuật về quan trắc và cung cấp thông tin, dữ liệu quan trắc khí tượng thủy văn đối với trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng có hiệu lực kể từ ngày 01/12/2023.
Theo đó, quy định nội dung quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng gồm:
(1) Nội dung quan trắc khí tượng thủy văn tối thiểu đối với từng loại công trình phải quan trắc khí tượng thủy văn cụ thể như sau:
- Sân bay dân dụng quan trắc theo quy định của Bộ Giao thông vận tải;
- Đập, hồ chứa loại quan trọng đặc biệt, loại lớn, loại vừa quan trắc theo quy định của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa; đập, hồ chứa thuộc phạm vi điều chỉnh của quy trình vận hành liên hồ chứa quan trắc theo quy định của quy trình vận hành liên hồ chứa;
- Bến cảng quan trắc hướng và tốc độ gió, mực nước biển, sóng, tầm nhìn xa phía biển, tần suất 04 lần/ngày vào 01 giờ, 07 giờ, 13 giờ và 19 giờ;
- Cầu có khẩu độ thông thuyền từ 500 mét trở lên quan trắc hướng và tốc độ gió, tần suất 04 lần/ngày vào 01 giờ, 07 giờ, 13 giờ và 19 giờ;
- Tháp thu phát sóng phát thanh, truyền hình có kết hợp khai thác tham quan, kinh doanh phục vụ khách trên tháp quan trắc hướng và tốc độ gió, tần suất 03 lần/ngày vào 07 giờ, 13 giờ và 19 giờ;
- Cáp treo phục vụ hoạt động tham quan, du lịch quan trắc hướng và tốc độ gió, tần suất từng giờ trong thời gian vận hành;
- Vườn quốc gia quan trắc lượng mưa, nhiệt độ, độ ẩm không khí, hướng và tốc độ gió, tần suất 04 lần/ngày vào 01 giờ, 07 giờ, 13 giờ và 19 giờ;
- Tuyến đường cao tốc quan trắc theo tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống giám sát điều hành giao thông trên đường cao tốc;
- Cảng thủy nội địa tổng hợp loại I trở lên quan trắc tầm nhìn xa, mực nước, hướng và tốc độ gió, tần suất 04 lần/ngày vào 01 giờ, 07 giờ, 13 giờ và 19 giờ;
- Công trình mang tính chất đ c thù gồm các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, nhà giàn thuộc các cụm Dịch vụ Kinh tế - Kỹ thuật (DK1) và sân bay quân sự phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh quan trắc theo quy định của Bộ Quốc phòng.
(2) Khi có bản tin dự báo, cảnh báo các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm của Hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia và dự báo khả năng ảnh hưởng trực tiếp tới tỉnh, thành phố nơi đặt công trình, tùy theo mục đích yêu cầu sử dụng công trình, người có thẩm quyền hoặc tổ chức, cá nhân xây dựng, quản lý công trình quyết định:
- Tăng tần suất quan trắc 01 giờ/lần đối với các công trình quy định tại các điểm c, d, đ, g và i khoản 1 Điều 4 Thông tư 13/2023/TT-BTNMT;
- Tăng tần suất quan trắc 30 phút/lần trong thời gian vận hành đối với công trình quy định tại điểm e khoản 1 Điều 4 Thông tư 13/2023/TT-BTNMT.
(3) Chủ công trình phải quan trắc khí tượng thủy văn thực hiện nội dung quan trắc theo điểm (1) và (2). Đối với tổ chức, cá nhân thành lập trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng quan trắc theo nhu cầu riêng không thuộc công trình phải quan trắc khí tượng thủy văn tự quyết định nội dung quan trắc cho phù hợp.
4. Quy định kỹ thuật giám sát ngập lụt bằng công nghệ viễn thám
Ngày 12/10/2023, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư 12/2023/TT-BTNMT quy định kỹ thuật giám sát ngập lụt bằng công nghệ viễn thám có hiệu lực từ ngày 01/12/2023.
Theo đó, các nội dung công việc kỹ thuật giám sát ngập lụt bằng công nghệ viễn thám bao gồm:
- Công tác chuẩn bị.
- Xử lý ảnh viễn thám.
- Trích xuất dữ liệu nền giám sát ngập lụt từ cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia.
- Chiết xuất thông tin ngập lụt.
- Biên tập lớp thông tin ngập lụt.
- Thành lập bản đồ giám sát ngập lụt.
- Kiểm tra, đánh giá độ tin cậy của bản đồ giám sát ngập lụt.
- Xây dựng báo cáo giám sát ngập lụt.
- Giao nộp sản phẩm.
5. Điều kiện xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường ngang
Ngày 29/9/2023, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư 29/2023/TT-BGTVT quy định về đường ngang và cấp giấy phép xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường sắt có hiệu lực kể từ ngày 01/12/2023.
Theo đó, quy định điều kiện xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường ngang như sau:
- Tổ chức đề nghị xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường ngang phải bảo đảm nguồn kinh phí để cải tạo, nâng cấp đường ngang theo quy định của pháp luật.
- Cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư dự án xây dựng đường ngang xác định rõ nguồn vốn quản lý, bảo trì và tổ chức phòng vệ đường ngang.
- Đối với đường ngang sử dụng có thời hạn, ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này, khi xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường ngang phải bảo đảm:
+ Mục đích sử dụng đường ngang phù hợp với phương án tổ chức giao thông tạm thời được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
+ Thời hạn khai thác, sử dụng đường ngang không quá 24 tháng;
+ Chủ quản lý, sử dụng đường ngang cam kết làm thủ tục bãi bỏ đường ngang và tự tháo dỡ đường ngang, hoàn trả kết cấu hạ tầng đường sắt khi hết thời hạn khai thác, sử dụng.
- Đối với đường ngang công cộng trên đường sắt quốc gia có thời gian sử dụng lâu dài được đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước, sau khi hoàn thành đường ngang, chủ đầu tư bàn giao lại công trình cho Bộ Giao thông vận tải để tổ chức quản lý, bảo trì và khai thác theo quy định. Đối với đường ngang được xây dựng bằng nguồn vốn khác, tổ chức đề nghị xây dựng đường ngang phải bảo đảm kinh phí để quản lý, bảo trì và tổ chức phòng vệ đường ngang.
6. Bãi bỏ Thông tư 23/2014/TT-BGDĐT về đào tạo chất lượng cao trình độ đại học
Ngày 15/6/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 11/2023/TT-BGDĐT bãi bỏ Thông tư 23/2014/TT-BGDĐT quy định về đào tạo chất lượng cao trình độ đại học
Đối với các khóa đã tuyển sinh Chương trình đào tạo chất lượng cao theo Thông tư 23/2014/TT-BGDĐT quy định về đào tạo chất lượng cao trình độ đại học trước ngày 01/12/2023 được tiếp tục thực hiện cho đến hết khóa học.
Thông tư 11/2023/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2023.
7. Sửa Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình từ 01/12/2023
Ngày 16/10/2023, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 09/2023/TT-BXD sửa đổi 1:2023 QCVN 06:2022/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình.
Thông tư 09/2023/TT-BXD có hiệu lực kể từ ngày 01/12/2023.
Hồ sơ thiết kế xây dựng đã hoàn thành thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy bởi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, trước ngày 01/12/2023, tiếp tục được thực hiện theo hồ sơ thiết kế đã thẩm duyệt.
Hồ sơ thiết kế xây dựng đã có văn bản góp ý trả lời về thiết kế phòng cháy chữa cháy tại bước thiết kế cơ sở của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy, trước ngày 01/12/2023, tiếp tục được thực hiện thẩm duyệt thiết kế theo văn bản góp ý trả lời.
Hồ sơ thiết kế xây dựng chưa được góp ý và thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy bởi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền kể từ ngày 01/12/2023, thì phải tuân thủ các quy định của QCVN 06:2022/BXD và Sửa đổi 1:2023 QCVN 06:2022/BXD.