Quy định đầu thầu 1 giai đoạn 1 túi hồ sơ từ ngày 01/01/2024

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Mai Thanh Lợi
25/11/2023 11:00 AM

Xin hỏi việc đầu thầu 1 giai đoạn 1 túi hồ sơ được quy định như thế nào từ ngày 01/01/2024? - Bích Ly (Hà Nội)

Phương thức đầu thầu 1 giai đoạn 1 túi hồ sơ trong lựa chọn nhà thầu, lựa chọn nhà đầu tư được quy định cụ thể Luật Đấu thầu 2023 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024) như sau:

Quy định đầu thầu 1 giai đoạn 1 túi hồ sơ trong lựa chọn nhà thầu

Căn cứ Điều 30 Luật Đấu thầu 2023 quy định phương thức 1 giai đoạn 1 túi hồ sơ trong lựa chọn nhà thầu được áp dụng trong các trường hợp sau đây:

(1) Đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế đối với gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp (trừ trường hợp đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế đối với gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp đòi hỏi kỹ thuật cao theo quy định của pháp luật về khoa học, công nghệ);

(2) Chào hàng cạnh tranh đối với gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, gói thầu hỗn hợp cung cấp hàng hóa và xây lắp;

(3) Chỉ định thầu đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp;

(4) Mua sắm trực tiếp đối với gói thầu mua sắm hàng hóa.

Nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất gồm đề xuất về kỹ thuật và đề xuất về tài chính theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.

Việc mở thầu được tiến hành một lần đối với toàn bộ hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất.

Quy định đầu thầu 1 giai đoạn 1 túi hồ sơ từ ngày 01/01/2024

Quy định đầu thầu 1 giai đoạn 1 túi hồ sơ từ ngày 01/01/2024 (Hình từ internet)

Quy định đầu thầu 1 giai đoạn 1 túi hồ sơ trong lựa chọn nhà đầu tư

Căn cứ Khoản 1 Điều 35 Luật Đấu thầu 2023 quy định phương thức 1 giai đoạn 1 túi hồ sơ được trong lựa chọn nhà đầu tư như sau:

- Phương thức 1 giai đoạn 1 túi hồ sơ được áp dụng trong trường hợp đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế lựa chọn nhà đầu tư;

- Nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu gồm đề xuất về kỹ thuật và đề xuất về tài chính theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu;

Quy định bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu

Căn cứ Điều 6 Luật Đấu thầu 2023 quy định về bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu như sau:

(1) Nhà thầu nộp hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với các bên sau đây:

- Nhà thầu tư vấn lập hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, quản lý dự án, giám sát; nhà thầu tư vấn lập, thẩm tra, thẩm định hồ sơ thiết kế, dự toán; nhà thầu tư vấn lập, thẩm định nhiệm vụ khảo sát, thiết kế;

- Nhà thầu tư vấn đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển;

- Nhà thầu tư vấn thẩm định kết quả mời quan tâm, kết quả sơ tuyển;

- Chủ đầu tư, bên mời thầu, trừ trường hợp nhà thầu là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ quan quản lý nhà nước có chức năng, nhiệm vụ được giao phù hợp với tính chất gói thầu của cơ quan quản lý nhà nước đó hoặc là công ty thành viên, công ty con của tập đoàn, tổng công ty nhà nước có ngành, nghề sản xuất, kinh doanh chính phù hợp với tính chất gói thầu của tập đoàn, tổng công ty nhà nước đó.

(2) Nhà thầu tham dự thầu phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 6 Luật Đấu thầu 2023 và với các bên sau đây:

- Các nhà thầu tư vấn quản lý dự án, tư vấn giám sát; nhà thầu tư vấn lập, thẩm tra, thẩm định hồ sơ thiết kế, dự toán; nhà thầu tư vấn lập, thẩm định nhiệm vụ khảo sát, thiết kế; nhà thầu tư vấn lập, thẩm định hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; nhà thầu tư vấn đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất; nhà thầu tư vấn thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu đó;

- Các nhà thầu khác cùng tham dự thầu trong một gói thầu đối với đấu thầu hạn chế.

(3) Nhà thầu tư vấn giám sát thực hiện hợp đồng, nhà thầu thực hiện hợp đồng, nhà thầu tư vấn kiểm định gói thầu đó phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với nhau.

(4) Nhà thầu nêu tại điểm (1), (2) và (3) được đánh giá độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

- Không cùng thuộc một cơ quan hoặc tổ chức trực tiếp quản lý đối với đơn vị sự nghiệp công lập;

- Nhà thầu với chủ đầu tư, bên mời thầu không có cổ phần hoặc phần vốn góp trên 30% của nhau;

- Nhà thầu không có cổ phần hoặc phần vốn góp trên 20% của nhau khi cùng tham dự thầu trong một gói thầu đối với đấu thầu hạn chế;

- Nhà thầu tham dự thầu với nhà thầu tư vấn cho gói thầu đó không có cổ phần hoặc phần vốn góp của nhau; không cùng có cổ phần hoặc phần vốn góp trên 20% của một tổ chức, cá nhân khác với từng bên.

(5) Nhà đầu tư tham dự thầu phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với các bên sau đây:

- Cơ quan có thẩm quyền, bên mời thầu;

- Nhà thầu tư vấn lập, thẩm định hồ sơ mời thầu; nhà thầu tư vấn đánh giá hồ sơ dự thầu; nhà thầu tư vấn thẩm định kết quả lựa chọn nhà đầu tư cho đến ngày ký kết hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 15,573

Bài viết về

lĩnh vực Đấu thầu

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]