Trích 50% nguồn tăng thu ngân sách địa phương cho cải cách tiền lương năm 2024

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
01/12/2023 11:45 AM

Tôi muốn biết có phải phần nguồn tăng thu ngân sách địa phương sẽ được trích ra 50% để thực hiện việc cải cách tiền lương năm 2024 đúng không? – Kim Ngân (Tây Ninh)

Trích 50% nguồn tăng thu ngân sách địa phương cho cải cách tiền lương năm 2024

Trích 50% nguồn tăng thu ngân sách địa phương cho cải cách tiền lương năm 2024 (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Khi nào thực hiện cải cách tiền lương năm 2024?

Ngày 10/11/2023, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 104/2023/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.

Theo đó, từ ngày 01/7/2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (Nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương bảo đảm từ nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và một phần bố trí trong dự toán chi cân đối ngân sách nhà nước);

Đồng thời tại thời điểm đó cũng sẽ tiến hành điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.

Như vậy, cải cách tiền lương năm 2024 sẽ bắt từ ngày 01/7/2024.

Trích 50% nguồn tăng thu ngân sách địa phương cho cải cách tiền lương năm 2024

Cũng tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết 105/2023/QH15 ngày 10/11/2023 về phân bổ ngân sách trung ương năm 2024.

Đáng chú ý, tổng số thu ngân sách địa phương là 848.305 tỷ đồng (tám trăm bốn mươi tám nghìn, ba trăm lẻ năm tỷ đồng).

Trong đó, thu chuyển nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương đến hết năm 2023 còn dư chuyển sang bố trí dự toán năm 2024 của một số địa phương là 19.040 tỷ đồng (mười chín nghìn, không trăm bốn mươi tỷ đồng) để thực hiện mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng.

Các địa phương căn cứ điều kiện thực tế và khả năng cân đối, thực hiện phân bổ khoản kinh phí ngân sách trung ương hỗ trợ bù mặt bằng chi cân đối ngân sách địa phương năm 2024 đảm bảo không thấp hơn năm 2023 để thực hiện các nhiệm vụ chi cân đối ngân sách địa phương.

Đối với phần tăng thu ngân sách địa phương thực hiện năm 2024 so với dự toán năm 2024 (nếu có), sau khi dành nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định, địa phương thực hiện phân bổ theo quy định tại khoản 2 Điều 59 Luật Ngân sách nhà nước 2015.

Điều 59. Xử lý tăng, giảm thu, chi so với dự toán trong quá trình chấp hành ngân sách nhà nước

...

2. Số tăng thu, trừ tăng thu của ngân sách địa phương do phát sinh nguồn thu từ dự án mới đi vào hoạt động trong thời kỳ ổn định ngân sách phải nộp về ngân sách cấp trên và số tiết kiệm chi ngân sách so với dự toán được sử dụng theo thứ tự ưu tiên như sau:

a) Giảm bội chi, tăng chi trả nợ, bao gồm trả nợ gốc và lãi;

b) Bổ sung quỹ dự trữ tài chính;

c) Bổ sung nguồn thực hiện chính sách tiền lương;

d) Thực hiện một số chính sách an sinh xã hội;

đ) Tăng chi đầu tư một số dự án quan trọng;

e) Thực hiện nhiệm vụ quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này.

Chính phủ lập phương án sử dụng số tăng thu và tiết kiệm chi của ngân sách trung ương, báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Ủy ban nhân dân lập phương án sử dụng số tăng thu và tiết kiệm chi ngân sách cấp mình, báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân quyết định và báo cáo Hội đồng nhân dân tại kỳ họp gần nhất. Đối với số tăng thu ngân sách địa phương do có phát sinh nguồn thu mới trong thời kỳ ổn định ngân sách thực hiện theo quy định tại điểm d khoản 7 Điều 9 của Luật này.

Ngoài ra, sử dụng phần kinh phí dành ra từ việc tiết kiệm chi hỗ trợ hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước và hỗ trợ các đơn vị sự nghiệp công lập của ngân sách địa phương, theo nguyên tắc: 50% bổ sung nguồn cải cách tiền lương theo quy định; 50% còn lại để ưu tiên chi trả các chính sách an sinh xã hội do địa phương ban hành và tăng chi cho nhiệm vụ tăng cường cơ sở vật chất của lĩnh vực tương ứng.

Việc quyết định chi cho từng nội dung do địa phương quyết định theo thẩm quyền quy định tại Luật Ngân sách nhà nước 2015.

Như vậy, phần nguồn tăng thu ngân sách địa phương sẽ được trích 50% để bổ sung nguồn thực hiện cho cải cách tiền lương năm 2024.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,968

Bài viết về

Cải cách tiền lương

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]