Khai thác đất, đá, cát, sỏi, khoáng sản, nước dưới đất trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình phòng, chống lụt, bão sẽ bị phạt tiền từ 20-30 triệu đồng - Ảnh minh họa |
Cụ thể, phạt tiền từ 2,5-5 triệu đồng đối với hành vi neo đậu trái phép tàu thuyền, bè mảng, các phương tiện khác vào công trình phòng, chống lụt, bão.
Đối với một trong các hành vi: Khoan thăm dò, khảo sát, khai thác đất, đá, cát, sỏi, khoáng sản, nước dưới đất trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình phòng, chống lụt, bão; sử dụng sai mục đích của công trình phòng, chống lụt, bão thì sẽ bị phạt tiền từ 20-30 triệu đồng.
Phạt tiền từ 30-50 triệu đồng đối với hành vi sử dụng chất nổ trong phạm vi bảo vệ công trình phòng, chống lụt, bão.
Không sơ tán bị phạt đến 300 nghìn đồng
Cũng theo Nghị định, phạt cảnh cáo
hoặc phạt tiền từ 200-300 nghìn đồng đối với một trong các hành vi: Không chấp
hành yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền thực hiện sơ tán để đảm bảo an toàn;
không chấp hành yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền về việc di chuyển để phòng,
chống lụt, bão, áp thấp nhiệt đới của tàu thuyền đang hoạt động trên sông hoặc
hồ chứa nước.
Đối với hành vi neo đậu tàu, thuyền tránh, trú bão không đúng quy định của cơ quan có thẩm quyền thì sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.
Phạt tiền từ 1- 3 triệu đồng đối với hành vi không chấp hành yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền về việc di chuyển để phòng tránh bão, áp thấp nhiệt đới hoặc thời tiết nguy hiểm của tàu thuyền đang hoạt động trên biển.
Đối với hành vi không chấp hành quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc cấm tàu thuyền ra khơi trong trường hợp có bão, áp thấp nhiệt đới hoặc thời tiết nguy hiểm trên biển sẽ bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng
Vi phạm quy định về cứu hộ, cứu nạn trong phòng, chống lụt, bão phạt đến 20 triệu đồng
Nghị định cũng quy định phạt tiền từ 3- 5 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Không báo cáo hoặc báo cáo sai vị trí tàu, số lượng người trên tàu; tình trạng tai nạn tàu thuyền của mình đang hoạt động trên biển khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, gây phí tổn cho tổ chức tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; không chủ động cứu giúp hoặc không thông tin kịp thời để lực lượng khác đến ứng cứu người, phương tiện bị nạn trên biển, sông, suối, ao, hồ khi có điều kiện mà không thực hiện.
Đối với hành vi không chấp hành lệnh huy động thực hiện nhiệm vụ cứu nạn của người có thẩm quyền mà không có lý do chính đáng thì sẽ bị phạt tiền từ 5-7 triệu đồng.
Phạt tiền từ 10- 20 triệu đồng đối với hành vi phát tín hiệu cấp cứu khẩn cấp của tàu thuyền trên biển, nhưng khi lực lượng cứu hộ di chuyển đến mà không hợp tác, gây lãng phí cho cơ quan cứu hộ.
Hoàng Diên
Theo Chinhphu.vn