Quy trình khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự từ ngày 01/01/2024

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
09/12/2023 11:20 AM

Cho tôi hỏi quy trình khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự từ ngày 01/01/2024 được quy định như thế nào? - Tấn Phát (Tiền Giang)

Quy trình khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự từ ngày 01/01/2024

Quy trình khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự từ ngày 01/01/2024 (Hình từ Internet)

Ngày 06/12/2023, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư 105/2023/TT-BQP quy định tiêu chuẩn sức khỏe, khám sức khỏe cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.

1. Khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự là gì?

Theo khoản 2 Điều 3 Thông tư 105/2023/TT-BQP thì khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự là việc thực hiện khám, phân loại, kết luận sức khỏe đối với công dân được gọi thực hiện nghĩa vụ quân sự do Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự thực hiện sau khi sơ tuyển sức khỏe.

2. Nội dung khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự từ ngày 01/01/2024

Nội dung khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự theo khoản 5 Điều 6 Thông tư 105/2023/TT-BQP như sau:

- Khám về thể lực; lâm sàng theo các chuyên khoa: Mắt, tai mũi họng, răng hàm mặt, nội khoa, thần kinh, tâm thần, ngoại khoa, da liễu, sản phụ khoa (đối với nữ);

- Khám cận lâm sàng: Công thức máu; nhóm máu (ABO); chức năng gan (AST, ALT); chức năng thận (Ure, Creatinine); đường máu; virus viêm gan B (HBsAg); virus viêm gan C (Anti-HCV); HTV; nước tiểu toàn bộ. (10 thông số); siêu âm ổ bụng tổng quát; điện tim; X-quang tim phổi thẳng; xét nghiệm nước tiểu phát hiện ma túy. Chủ tịch Hội đồng chỉ định thêm các xét nghiệm khác theo yêu cầu chuyên môn để kết luận sức khỏe được chính xác.

3. Quy trình khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự từ ngày 01/01/2024

Quy trình khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự theo khoản 6 Điều 6 Thông tư 105/2023/TT-BQP như sau:

- Lập danh sách công dân khám;

- Thông báo thời gian, địa điểm tổ chức khám sức khỏe (Ra lệnh gọi khám sức khỏe);

- Tổ chức khám sức khỏe theo các nội dung quy định tại khoản 5 Điều 6 Thông tư 105/2023/TT-BQP và thực hiện theo 2 vòng: Khám thể lực, lâm sàng và khám cận lâm sàng, sàng lọc HIV, ma túy. 

Khi khám thể lực và lâm sàng, nếu công dân không đạt một trong các tiêu chuẩn sức khỏe quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư 105/2023/TT-BQP thì ủy viên Hội đồng trực tiếp khám báo cáo Chủ tịch Hội đồng quyết định dừng khám. 

Chỉ tiến hành xét nghiệm máu, nước tiểu; xét nghiệm HIV, ma túy cho công dân đạt tiêu chuẩn sức khỏe sau khám thể lực, lâm sàng, siêu âm, điện tim, chụp X-quang tim phổi thẳng.

Tổ chức tư vấn và xét nghiệm HIV theo quy định của pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS đối với trường hợp đạt tiêu chuẩn sức khỏe;

- Hoàn chỉnh Phiếu sức khỏe nghĩa vụ quân sự theo Mẫu 3 Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư 105/2023/TT-BQP;

- Tổng hợp, báo cáo kết quả khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự theo Mẫu 2b Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư 105/2023/TT-BQP.

4. Thời gian khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự từ ngày 01/01/2024

Theo khoản 7 Điều 6 Thông tư 105/2023/TT-BQP thì thời gian khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự từ ngày 01/11 đến hết ngày 31/12 hằng năm. Bộ Quốc phòng điều chỉnh thời gian khi cần thiết.

5. Nhiệm vụ của Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự

Nhiệm vụ của Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự theo khoản 2 Điều 6 Thông tư 105/2023/TT-BQP như sau:

- Chịu trách nhiệm trước Hội đồng nghĩa vụ quân sự cấp huyện về triển khai khám sức khỏe, phân loại và kết luận sức khỏe đối với từng công dân được gọi nhập ngũ;

- Tổng hợp, báo cáo kết quả khám sức khỏe với Hội đồng nghĩa vụ quân sự cấp huyện và Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết gọn là Sở Y tế cấp tỉnh); bàn giao toàn bộ hồ sơ sức khỏe cho Hội đồng nghĩa vụ quân sự cấp huyện (qua cơ quan y tế cùng cấp).

6. Nhiệm vụ của thành viên trong Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự

Nhiệm vụ của thành viên trong Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự theo khoản 3 Điều 6 Thông tư 105/2023/TT-BQP như sau:

- Chủ tịch Hội đồng chịu trách nhiệm trước Hội đồng nghĩa vụ quân sự cấp huyện về kết luận sức khỏe công dân thuộc diện được gọi thực hiện nghĩa vụ quân sự; điều hành hoạt động của Hội đồng, gồm: 

+ Xây dựng, phổ biến kế hoạch khám sức khỏe; 

+ Hướng dẫn các quy định về tiêu chuẩn sức khỏe; 

+ Chức trách, nhiệm vụ, nguyên tắc làm việc và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên Hội đồng; 

+ Tổ chức hội chẩn và gửi công dân khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự đi kiểm tra ở cơ sở y tế trong trường hợp cần thiết; 

+ Trực tiếp phân loại sức khỏe và ký phiếu sức khỏe nghĩa vụ quân sự;

+ Tổ chức rút kinh nghiệm công tác khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.

Chủ tịch Hội đồng được sử dụng con dấu của cơ quan, đơn vị mình công tác trong quá trình thực hiện nhiệm vụ;

- Phó Chủ tịch Hội đồng thay thế Chủ tịch Hội đồng khi vắng mặt; tham gia khám sức khỏe, hội chẩn và chủ trì cuộc họp Hội đồng khi được ủy quyền;

- Ủy viên Thường trực, kiêm Thư ký Hội đồng có trách nhiệm lập dự trù, tổng hợp và quyết toán kinh phí, thuốc, vật tư tiêu hao phục vụ công tác khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự; chủ trì, phối hợp với các Ủy viên của Hội đồng chuẩn bị phương tiện, cơ sở vật chất, trang thiết bị, lực lượng hỗ trợ, hồ sơ sức khỏe và các tài liệu cho Hội đồng thực hiện nhiệm vụ; tham gia khám sức khỏe, hội chẩn, họp Hội đồng; đăng ký, thống kê báo cáo theo Mẫu 2b và Mẫu 21 Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư 105/2023/TT-BQP;

- Ủy viên Hội đồng trực tiếp khám và chịu trách nhiệm về chất lượng khám và kết luận sức khỏe theo nhiệm vụ được giao; đề xuất với chủ tịch Hội đồng chỉ định xét nghiệm theo yêu cầu chuyên môn để kết luận sức khỏe chính xác; tham gia hội chẩn và họp Hội đồng khi được triệu tập.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 26,005

Bài viết về

Nghĩa vụ quân sự

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]