Khi nào sẽ bị khiển trách trong kỳ thi kiểm định chất lượng đầu vào công chức?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
08/12/2023 08:00 AM

Xin cho tôi hỏi thí sinh dự thi kỳ thi kiểm định chất lượng đầu vào công chức sẽ bị áp dụng hình thức khiển trách trong trường hợp nào? – Tường Vi (An Giang)

Khi nào sẽ bị khiển trách trong kỳ thi kiểm định chất lượng đầu vào công chức?

Khi nào sẽ bị khiển trách trong kỳ thi kiểm định chất lượng đầu vào công chức? (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Ngày 29/11/2023, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Thông tư 17/2023/TT-BNV về Nội quy và Quy chế tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào công chức.

Khi nào sẽ bị khiển trách trong kỳ thi kiểm định chất lượng đầu vào công chức?

Kiểm định chất lượng đầu vào công chức là kỳ thi do Bộ Nội vụ tổ chức nhằm đánh giá, công nhận kiến thức nền tảng cần thiết đối với thí sinh trước khi tham gia tuyển dụng công chức tại cơ quan có thẩm quyền.

Thí sinh dự thi kỳ thi này phải tuân thủ 11 quy định được nêu cụ thể tại Điều 4 Nội quy và quy chế ban hành kèm theo Thông tư 17/2023/TT-BNV.

Xem chi tiết tại đây: 11 điều thí sinh dự thi kiểm định chất lượng đầu vào công chức cần biết từ ngày 15/01/2024

Nếu không tuân thủ các quy định trên, thí sính dự thi có thể chịu các hình thức xử lý vi phạm theo quy định, trong đó có hình thức khiển trách.

Cụ thể, hình thức khiển trách sẽ áp dụng đối với thí sinh vi phạm một trong các lỗi sau:

- Cố ý ngồi không đúng chỗ ghi số báo danh của mình.

- Trao đổi với thí sinh khác và đã bị nhắc nhở nhưng vẫn tái phạm.

- Mang vào phòng thi điện thoại di động, máy ghi âm, máy ảnh, máy vi tính, các phương tiện kỹ thuật thu, phát truyền tin, phương tiện sao lưu dữ liệu, thiết bị chứa đựng, truyền tải thông tin khác và các loại giấy tờ, tài liệu có liên quan đến nội dung thi.

Khi đó, nếu vi phạm các lỗi nêu trên thì sẽ tiến hành lập biên bản, giám thị phòng thi và thí sinh vi phạm cùng ký vào biên bản. Sau khi lập biên bản và công bố công khai tại phòng thi, giám thị phòng thi phải báo cáo với Trưởng điểm thi hoặc Phó Trưởng điểm thi.

Trường hợp thí sinh vi phạm không ký biên bản vi phạm thì giám thị phòng thi mời hai thí sinh bên cạnh cùng ký xác nhận sự việc. Trường hợp có một trong hai thí sinh hoặc cả hai thí sinh được mời ký xác nhận sự việc không ký biên bản thì giám thị phòng thi vẫn lập biên bản và báo cáo Trưởng điểm thi xem xét, quyết định.

(Khoản 1, 5 Điều 5 Nội quy và quy chế ban hành kèm theo Thông tư 17/2023/TT-BNV)

Quy định chung về Hội đồng kiểm định chất lượng đầu vào công chức

Tại Điều 21 Nội quy và quy chế ban hành kèm theo Thông tư 17/2023/TT-BNV đã đưa ra các quy định chung đối với Hội đồng kiểm định chất lượng đầu vào công chức như sau:

(1) Hội đồng kiểm định do Bộ trưởng Bộ Nội vụ quyết định thành lập, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 8 Nghị định 06/2023/NĐ-CP.

Điều 8. Hội đồng kiểm định

1. Bộ trưởng Bộ Nội vụ quyết định thành lập Hội đồng kiểm định để tổ chức việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức (sau đây gọi là Hội đồng kiểm định). Hội đồng kiểm định có 07 hoặc 09 thành viên, bao gồm:

a) Chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo Bộ Nội vụ.

b) Phó Chủ tịch Hội đồng là đại diện lãnh đạo bộ phận tham mưu về công tác kiểm định của Bộ Nội vụ.

c) Ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng đại diện bộ phận tham mưu về công tác kiểm định của Bộ Nội vụ.

d) Các ủy viên khác do Bộ trưởng Bộ Nội vụ quyết định.

2. Hội đồng kiểm định làm việc theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số; trường hợp số ý kiến bằng nhau thì quyết định theo ý kiến của Chủ tịch Hội đồng. Hội đồng kiểm định chất lượng đầu vào công chức có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Thành lập các bộ phận giúp việc: Ban kiểm tra Phiếu đăng ký dự kiểm định, Ban coi thi, Ban Thư ký.

b) Tổ chức thu chi phí tổ chức kiểm định và sử dụng chi phí tổ chức kiểm định theo quy định.

c) Kiểm tra Phiếu đăng ký dự kiểm định, tổ chức kiểm định theo nội quy, quy chế.

d) Báo cáo người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền kiểm định chất lượng đầu vào công chức quyết định công nhận kết quả kiểm định.

đ) Giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quá trình tổ chức kiểm định.

e) Hội đồng kiểm định tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

3. Không bố trí những người có quan hệ là ông, bà, cha, mẹ, anh, chị, em ruột của người đăng ký kiểm định hoặc của bên vợ (chồng) của người đăng ký kiểm định; vợ hoặc chồng, con đẻ hoặc con nuôi của người đăng ký kiểm định; những người đang trong thời hạn xử lý kỷ luật hoặc đang thi hành quyết định kỷ luật làm thành viên Hội đồng kiểm định, thành viên các bộ phận giúp việc của Hội đồng kiểm định.

(2) Tùy theo số lượng thí sinh đăng ký, Hội đồng kiểm định tổ chức nhiều điểm thi nhằm bảo đảm cho kỳ thi diễn ra an toàn, an ninh, tiết kiệm, hiệu quả và tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh.

(3) Hội đồng kiểm định được sử dụng con dấu và tài khoản của Bộ Nội vụ trong việc điều hành, tổ chức các hoạt động liên quan đến kiểm định.

Xem thêm tại Thông tư 17/2023/TT-BNV có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/01/2024.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 438

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]