Sẽ có 04 trường hợp thay đổi Chấp hành viên thi hành án dân sự (Đề xuất) (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Mới đây, Bộ Tư pháp đã trình hồ sơ thẩm định đề nghị xây dựng Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi). Hồ sơ này sẽ trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ nhất năm 2025 và thông qua vào Kỳ họp thứ hai năm 2025.
Dự kiến Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi) sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2026.
Đề cương chi tiết |
Cụ thể, tại Điều 30 Đề cương Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi), đương sự có quyền yêu cầu thay đổi Chấp hành viên trong trường hợp sau đây:
(1) Thuộc trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 21 Luật Thi hành án dân sự;
(2) Chấp hành viên đã tham gia với tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng trong cùng vụ án đó;
(3) Chấp hành viên chậm trễ giải quyết việc thi hành án;
(4) Có căn cứ khác cho rằng Chấp hành viên không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.
Việc yêu cầu thay đổi Chấp hành viên phải được lập thành văn bản và gửi Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự đang thụ lý vụ việc, trong đó nêu rõ lý do và căn cứ của việc yêu cầu thay đổi Chấp hành viên. Trường hợp Chấp hành viên đang thi hành vụ việc là Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự thì đương sự gửi văn bản đến Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự hoặc Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự cấp trên trực tiếp.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu thay đổi Chấp hành viên, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự hoặc cơ quan quản lý thi hành án dân sự cấp trên phải xem xét, quyết định thay đổi Chấp hành viên; trường hợp không có căn cứ thay đổi Chấp hành viên thì trả lời bằng văn bản cho người đã có yêu cầu thay đổi Chấp hành viên và nêu rõ lý do.
Hiện hành, chưa quy định cụ thể các trường hợp thay đổi Chấp hành viên thi hành án dân sự mà chỉ đề cập trong quyền của người được thi hành án và người phải thi hành án tại điểm g khoản 1 Điều 7 và Điểm e Điều 7a Luật thi hành án dân sự 2008, sửa đổi 2014. Cụ thể có quyền yêu cầu thay đổi Chấp hành viên trong trường hợp có căn cứ cho rằng Chấp hành viên không vô tư khi làm nhiệm vụ. |
Ngoài việc bổ sung quy định về các trường hợp thay đổi Chấp hành viên thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp còn đề xuất các nội dung về trách nhiệm của đối tượng nào trong hoạt động thi hành án dân sự.
Cụ thể, Chấp hành viên thi hành án dân sự sẽ có 10 trách nhiệm như sau:
1. Tuân thủ Hiến pháp và Luật; dũng cảm, kiên quyết bảo vệ công lý.
2. Độc lập, vô tư, khách quan trong tổ chức thi hành án.
3. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo quy định của luật.
4. Bảo vệ lợi ích nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
5. Bảo vệ bí mật nhà nước, bí mật trong thi hành án.
6. Học tập, rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm để nâng cao kiến thức pháp luật, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng tổ chức thi hành án, bản lĩnh nghề nghiệp và khả năng chuyên nghiệp của người Chấp hành viên.
7. Tham gia bồi dưỡng bắt buộc về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng xét xử; về đạo đức, trách nhiệm và ứng xử của Chấp hành viên theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
8. Tôn trọng nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân theo luật.
9. Ưu tiên sử dụng quỹ thời gian làm việc để thực hiện nhiệm vụ tổ chức thi hành án. Thời gian tham gia viết báo, viết sách, nghiên cứu khoa học, giảng dạy hoặc các hoạt động khác của Chấp hành viên không được quá 20% tổng thời gian làm việc trong năm.
10. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.