Quy định mới về kiểm soát khí thải ô tô (Hình từ internet)
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ban hành Thông tư 36/2023/TT-BGTVT sửa đổi 01:2023 QCVN 109:2021/BGTVT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải mức 5 đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới.
Thông tư 36/2023/TT-BGTVT có hiệu lực kể từ ngày 15/6/2024, các trường hợp không phải thử nghiệm lại khí thải bao gồm:
- Các kiểu loại xe ô tô hoặc động cơ xe ô tô đã được cấp Báo cáo thử nghiệm khí thải phù hợp với QCVN 109:2021/BGTVT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải mức 5 đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới;
- Các xe ô tô được sản xuất tại Việt Nam từ xe ô tô cơ sở (từ xe ô tô sát xi hoặc từ xe ô tô hoàn chỉnh) đã được cấp phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng (xe sản xuất, lắp ráp trong nước) hoặc được chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu (xe nhập khẩu).
QCVN 109:2021/BGTVT quy định mức giới hạn khí thải, các phép thử và phương pháp thử, các yêu cầu về quản lý và tổ chức thực hi ện việc kiểm tra khí thải mức 5 trong kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe ô tô sản xuất, lắp ráp (sản xuất, lắp ráp sau đây được viết tắt là “SXLR”) và xe ô tô nhập khẩu mới.
Các loại xe ô tô được áp dụng trong Quy chuẩn này bao gồm các xe ô tô có ít nhất bốn bánh, được phân loại thành các xe ô tô khối lượng chuẩn thấp, xe ô tô khối lượng chuẩn cao được giải thích tại các điểm 4.1 và 4.2 Điều 4 Phần I QCVN 109:2021/BGTVT.
Các xe ba bánh có khối lượng bản thân lớn hơn 400 kg ( được coi là xe ô tô theo TCVN 6211:2003) được kiểm tra khí thải theo QCVN 04:2009/BGTVT và QCVN 77:2014/BGTVT.
**Quy chuẩn sửa đổi 01:2023 QCVN 109:2021/BGTVT không áp dụng đối với các loại xe sau đây:
- Các loại xe nêu tại TCVN 13219:2020 (ISO 7132:2003) Máy làm đất - Xe tự đổ - Thuật ngữ và đặc tính kỹ thuật trong thương mại;
- Xe ô tô điện (ô tô chỉ sử dụng điện làm nguồn động lực);
- Xe ô tô sản xuất, lắp ráp để xuất khẩu.
(Hiện hành, QCVN 109:2021/BGTVT không áp dụng đối với các loại xe sau đây:
- Xe ô tô được thiết kế, chế tạo để chạy trên các loại địa hình và đường không thuộc hệ thống giao thông đường bộ;
- Xe ô tô điện (ô tô chỉ sử dụng điện làm nguồn động lực)).
Quy định đối với phép thử OBD
- Xe phải trang bị hệ thống OBD bảo đảm các yêu cầu sau:
+ Có thiết bị báo lỗi chức năng (MI);
+ Có khả năng lưu và xóa mã lỗi; khả năng xóa mã lỗi theo thiết kế của nhà sản xuất.
(Hiện hành, có kiểm soát lỗi các cảm biến liên quan đến khí thải nếu được lắp lên xe như:
++ Các cảm biến liên quan đến các bộ xử lý khí thải: bộ biến đổi xúc tác; hệ thống giảm NOx hoặc bẫy hạt cho xe lắp động cơ điêzen;
++ Các cảm biến: ô xy, NOx, nhiệt độ, áp suất nước làm mát, dầu bôi trơn, nhiên liệu, khí nạp;)
- Có kiểm soát các tính năng bỏ lửa (xe lắp động cơ cháy cưỡng bức),
- Có kiểm soát tình trạng hoạt động, không hoạt động của EGR (nếu có);
- Có kiểm soát tình trạng hoạt động, không hoạt động của bộ phun không khí phụ (nếu có);
- Có khả năng lưu và xóa mã lỗi.
Quy chuẩn mới cũng cập nhật việc khai báo các kiểu loại, mã linh kiện bằng cách sử dụng các ký tự đặc biệt thay thế đảm bảo khi cải tiến, nâng cấp linh kiện đối với một số chi tiết không ảnh hưởng đến khí thải; cập nhật thêm phương pháp xác định sức cản chuyển động của xe theo quy định của Ủy ban châu Âu (EC)/Ủy ban Kinh tế châu Âu của Liên hợp quốc (ECE) có mức tiêu chuẩn cao hơn TCVN 6785:2015.
Theo QCVN 109:2021/BGTVT, tiêu chuẩn khí thải mức 5 (Level 5): là tiêu chuẩn về phép thử và giới hạn chất gây ô nhiễm có trong khí thải tương ứng với mức Euro 5 được quy định trong quy định kỹ thuật về khí thải xe cơ giới của Ủy ban Kinh tế Châu Âu của Liên hợp quốc (ECE) áp dụng đối với xe cơ giới SXLR và nhập khẩu mới.
Xem thêm nội dung tại Thông tư 36/2023/TT-BGTVT sửa đổi 01:2023 QCVN 109:2021/BGTVT.
***
Tải về App iThong trên Android TẠI ĐÂY
Tải về App iThong trên iOS TẠI ĐÂY
Hoặc Quét mã QR dưới đây: