Thi tốt nghiệp THPT 2024: Dự kiến sẽ có nhiều thay đổi

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
27/12/2023 09:11 AM

Xin cho tôi hỏi Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung quy định về Quy chế thi tốt nghiệp THPT đúng không? - Thùy Dương (Hà Giang)

Thi tốt nghiệp THPT 2024: Dự kiến sẽ có nhiều thay đổi (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Đề xuất sửa quy định về bài thi tốt nghiệp THPT

Theo đề xuất Quy chế thi tốt nghiệp THPT 2024 tại khoản 1 Điều 1 dự thảo Thông tư sửa đổi Quy chế thi tốt nghiệp THPT, thí sinh sẽ được tổ chức thi 05 bài thi gồm:

- 03 bài thi độc lập: Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ. Trong đó, ngoại ngữ được quy định gồm các ngôn ngữ: Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Đức, Tiếng Nhật và Tiếng Hàn.

Đặc biệt, thí sinh được đăng ký thi Ngoại ngữ khác với môn Ngoại ngữ đang học tại trường cấp 3 và nếu là học viên giáo dục thường xuyên thì được đăng ký thi Ngoại ngữ để lấy kết quả xét tuyển đại học, cao đẳng.

- 01 bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên (viết tắt là KHTN) gồm các môn thi thành phần Vật lí, Hóa học, Sinh học.

- 01 bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội (viết tắt là KHXH) gồm các môn thi thành phần Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT hoặc các môn thi thành phần Lịch sử, Địa lí đối với thí sinh học chương trình GDTX cấp THPT.

Đối với bài thi tổ hợp, thí sinh chỉ được đăng ký một bài thi tổ hợp hoặc các môn thi thành phần trong cùng một bài thi tổ hợp (đối với thí sinh tự do). 

Như vậy, so với quy định cũ, không liệt kê chi tiết 7 loại tiếng để thí sinh có thể chọn trong bài thi ngoại ngữ mà chỉ nêu Ngoại ngữ là một trong ba bài thi độc lập.

2. Đề thi được bảo vệ 2/3 thời gian làm bài

Giống như Thông tư 05/2021/TT-BGDĐT, đề thi, đáp án chưa công khai thuộc danh mục bí mật nhà nước độ "Tối mật". Đề thi dự bị chưa sử dụng tự giải mật sau khi kết thúc công tác coi thi của kỳ thi.

Tuy nhiên, dự thảo mới sửa đổi, bổ sung thêm nhiều chi tiết cụ thể hơn về thời gian bảo vệ. Cụ thể, dự thảo nêu:

Thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước độ “Tối mật” đối với đề thi của các bài thi/môn thi chỉ kết thúc khi hết thời gian làm bài của bài thi/môn thi trắc nghiệm và hết hai phần ba (2/3) thời gian làm bài của bài thi tự luận.

Việc ra đề thi, in sao đề thi (gọi chung là làm đề thi) phải được thực hiện tại một địa điểm an toàn, biệt lập và được lực lượng công an kiểm tra về an ninh, an toàn, bảo vệ nghiêm ngặt suốt thời gian làm đề thi cho đến hết thời gian thi môn cuối cùng của kỳ thi, có đầy đủ phương tiện bảo mật, phòng ngừa lộ lọt thông tin, phòng cháy, chữa cháy. Việc cách ly 03 vòng độc lập của Khu vực làm đề thi được thực hiện như sau:

- Vòng 1 được cách ly tuyệt đối với bên ngoài từ khi bắt đầu thực hiện làm đề thi hoặc mở đề thi gốc để in sao cho đến khi thi xong môn cuối cùng. Trước khi thực hiện làm đề thi, Hội đồng ra đề thi/Ban In sao đề thi phải phối hợp với lực lượng công an để xây dựng phương án bảo đảm an ninh an toàn cho công tác làm đề thi, kiểm tra bảo đảm cửa sổ các phòng phải được dán kín và được lực lượng công an niêm phong bảo đảm không thể nhìn được từ bên ngoài;

- Vòng 2 là khu vực tiếp giáp giữa vòng 1 và vòng 3, cách ly tuyệt đối với bên ngoài đến khi thi xong môn cuối cùng. Vòng 2 do lực lượng công an đảm nhiệm, có nhiệm vụ: giám sát mọi cuộc liên lạc bằng điện thoại cố định theo quy định tại khoản này, là đầu mối giao tiếp thông tin với bên ngoài, kiểm soát người, đồ vật từ vòng 3 vào vòng 2 và ngược lại. Công an tại vòng 2 không được trao đổi về đề thi hoặc việc riêng với bất kỳ thành viên của Hội đồng ra đề thi và vòng 3;

- Vòng 3 là khu vực tiếp giáp với vòng 2 và bên ngoài do lực lượng công an đảm nhiệm, có nhiệm vụ: bảo đảm an ninh trật tự xung quanh khu vực làm đề thi 24 giờ/ngày; kiểm soát không để người không có nhiệm vụ hoặc đồ vật cấm vào khu vực làm đề thi; mở sổ theo dõi người, đồ vật ra/vào khu vực bảo vệ; yêu cầu tất cả những người ra/vào phải đeo thẻ do Hội đồng ra đề thi cấp.

Đặc biệt, dự thảo bổ sung chi tiết việc cách ly 3 vòng độc lập của Khu vực làm đề thi.

3. Cấm mang bút xóa, giấy than… vào phòng thi

Trước đây, điểm n khoản 4 Điều 14 Quy chế thi tốt nghiệp THPT ban hành kèm Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT đã quy định nhưng đã bị bãi bỏ bởi Điều 2 Thông tư 06/2023/TT-BGDĐT.

Và đến dự thảo này, Bộ Giáo dục lại tiếp tục đề xuất các vật dụng không được mang vào phòng thi gồm:

Giấy than, bút xóa, đồ uống có cồn; vũ khí và chất gây nổ, gây cháy; tài liệu, thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi và quá trình chấm thi;

Và các dụng cụ được mang vào phòng thi gồm:

Để phục vụ quá trình làm bài thi, thí sinh được mang vào phòng thi, gồm: Bút viết; thước kẻ; bút chì; tẩy chì; êke; thước vẽ đồ thị; dụng cụ vẽ hình; máy tính cầm tay không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ; Atlat Địa lí Việt Nam đối với môn thi Địa lí (không có đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung nào khác).

Như vậy, đã bổ sung thêm các vật dụng: Êke, thước vẽ đồ thị, dụng cụ vẽ hình. Và sửa dụng cụ tẩy phải là tẩy chì, Atlat địa lý Việt Nam thì phải không có đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung khác.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,120

Bài viết về

lĩnh vực Giáo dục

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]