Văn hóa đọc có thể hiểu là ứng xử đọc, giá trị đọc và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân, của cộng đồng xã hội và của các nhà quản lý và cơ quan quản lý nhà nước. Trong đó, ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc gồm ba thành phần là thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc.
Văn hóa đọc cũng là một loại hình hoạt động văn hóa, bởi lẽ việc đọc sách là tiêu thụ, quảng bá những giá trị văn hóa từ sách mà người đọc tiếp nhận được và làm nền tảng để tiếp tục sáng tạo thêm những giá trị mới.
Văn hóa đọc là gì? Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (Hình từ internet)
Để phát triển văn hóa đọc lên tầm cao mới, ngày 04/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1862/QĐ-TTg về tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.
Việc tổ chức “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam” vào ngày 21 tháng 4 hằng năm trên phạm vi toàn quốc nhằm:
- Khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi; hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức; góp phần xây dựng xã hội học tập.
- Tôn vinh người đọc, người sáng tác, xuất bản, in, phát hành, thư viện, lưu giữ, sưu tầm, quảng bá sách và các tổ chức, cá nhân có những đóng góp cho phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
- Nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 329/QĐ-TTg năm 2017 phê duyệt Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với quan điểm:
- Phát triển văn hóa đọc là một trong những nội dung quan trọng của sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục của đất nước.
- Phát triển văn hóa đọc trên cơ sở khai thác có hiệu quả và không ngừng phát triển nguồn vốn tri thức, văn hóa của con người và dân tộc Việt Nam, đồng thời tiếp thu có chọn lọc tinh hoa tri thức của nhân loại.
- Nhà nước hỗ trợ phát triển văn hóa đọc, đồng thời đẩy mạnh việc đa dạng hóa, huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia phát triển văn hóa đọc.
- Các cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể, tổ chức xã hội, các cơ sở giáo dục và các tổ chức khác liên quan cùng gia đình, cộng đồng có trách nhiệm tham gia và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển văn hóa đọc.
Đặc biệt định hướng đến năm 2030: Người dân có thói quen đọc và kỹ năng tiếp cận, sử dụng thông tin, trí thức tại nơi sinh sống, học tập, công tác. Các chỉ tiêu phát triển văn hóa đọc được duy trì và củng cố. Môi trường đọc tiếp tục được cải thiện. Hoạt động thư viện, xuất bản có khả năng đáp ứng nhu cầu đọc của người dân (bao gồm cả xuất bản phẩm in và điện tử).
Đến năm 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Kế hoạch 3042/KH-BTTTT về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2021- 2025.
Với mục đích nhằm xác định các nhiệm vụ trọng tâm nhằm tiếp tục triển khai thực hiện Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, thuộc lĩnh vực xuất bản trong giai đoạn 2021 – 2025; đẩy mạnh, nâng cao chất lượng các hoạt động phát triển văn hóa đọc nhằm đạt được các mục tiêu đặt ra trong Đề án, đưa văn hóa đọc lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng; triển khai đồng bộ các nhiệm vụ đã được xây dựng trong Kế hoạch phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2020 - 2030 theo hướng xã hội hóa của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Kế hoạch cũng yêu cầu xây dựng, phát triển phong trào đọc sách, hướng tới xây dựng một xã hội học tập, một nét đẹp trong đời sống xã hội; nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về ý nghĩa to lớn, tầm quan trọng của đọc sách đối với việc nghiên cứu, giáo dục và hình thành nhân cách con người; bám sát mục tiêu và các nhiệm vụ của Đề án, kế thừa những kết quả đã đạt được trong triển khai thực hiện Đề án của giai đoạn 2017 - 2020, bổ sung các nội dung mới phù hợp với tình hình thực tiễn và xu thế phát triển của xã hội; gắn việc phát triển văn hóa đọc với việc triển khai Quy hoạch mạng lưới cơ sở xuất bản, in, phát hành; chiến lược phát triển lĩnh vực xuất bản, in và phát hành trong giai đoạn 2021 - 2025; các chương trình, đề án, dự án thuộc lĩnh vực xuất bản có liên quan và gắn với việc đẩy mạnh chuyển đổi số.