Các danh hiệu thi đua, khen thưởng theo Luật mới nhất

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Mai Thanh Lợi
29/12/2023 09:25 AM

Xin hỏi danh sách các danh hiệu thi đua, khen thưởng theo Luật mới nhất năm 2024? - Phương Khánh (Hà Nội)

Thi đua, khen thưởng là gì?

Căn cứ quy định tại Luật Thi đua, khen thưởng 2022 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024) thì có thể hiểu:

- Thi đua là hoạt động có tổ chức do người có thẩm quyền phát động với sự tham gia tự nguyện của cá nhân, tập thể, hộ gia đình.

- Khen thưởng là việc ghi nhận, biểu dương, tôn vinh và khuyến khích bằng lợi ích vật chất đối với cá nhân, tập thể, hộ gia đình có thành tích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Các danh hiệu thi đua, khen thưởng theo Luật mới nhất

Các danh hiệu thi đua, khen thưởng theo Luật mới nhất (Hình từ internet)

Các danh hiệu thi đua, khen thưởng theo Luật mới nhất

(1) Các danh hiệu thi đua:

Danh hiệu thi đua là hình thức ghi nhận, biểu dương, tôn vinh và khuyến khích bằng lợi ích vật chất đối với cá nhân, tập thể, hộ gia đình có thành tích trong thi đua.

Danh hiệu thi đua bao gồm danh hiệu thi đua đối với cá nhân, danh hiệu thi đua đối với tập thể, danh hiệu thi đua đối với hộ gia đình.

Căn cứ Điều 19 và Điều 20 Luật Thi đua, khen thưởng 2022 thì các danh hiệu thi đua bao gồm:

- Danh hiệu thi đua đối với cá nhân

+ "Chiến sĩ thi đua toàn quốc".

+ Chiến sĩ thi đua Bộ, ban, ngành, tỉnh.

+ "Chiến sĩ thi đua cơ sở".

+ "Lao động tiên tiến", "Chiến sĩ tiên tiến".

- Danh hiệu thi đua đối với tập thể gồm:

+ "Cờ thi đua của Chính phủ";

+ Cờ thi đua của Bộ, ban, ngành, tỉnh;

+ "Tập thể lao động xuất sắc", "Đơn vị quyết thắng";

+ "Tập thể lao động tiên tiến", "Đơn vị tiên tiến";

+ Xã, phường, thị trấn tiêu biểu;

+ Thôn, tổ dân phố văn hóa.

- Danh hiệu thi đua đối với hộ gia đình là "Gia đình văn hóa".

(2) Các danh hiệu khen thưởng:

Căn cứ Luật Thi đua, khen thưởng 2022 quy định khen thưởng là việc ghi nhận, biểu dương, tôn vinh và khuyến khích bằng lợi ích vật chất đối với cá nhân, tập thể, hộ gia đình có thành tích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Các hình thức khen thưởng bao gồm: Huân chương; Huy chương; Danh hiệu vinh dự nhà nước; "Giải thưởng Hồ Chí Minh", "Giải thưởng Nhà nước"; Kỷ niệm chương; Bằng khen; Giấy khen.

Các danh hiệu khen thưởng tương ứng với các hình thức khen thưởng cụ thể như sau:

- Huân chương để tặng cho tập thể có nhiều thành tích; tặng hoặc truy tặng cho cá nhân có công trạng, lập được thành tích hoặc có quá trình cống hiến lâu dài trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Huân chương gồm:

+ "Huân chương Sao vàng";

+ "Huân chương Hồ Chí Minh";

+ "Huân chương Độc lập" hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba;

+ "Huân chương Quân công" hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba;

+ "Huân chương Lao động" hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba;

+ "Huân chương Bảo vệ Tổ quốc" hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba;

+ "Huân chương Chiến công" hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba;

+ "Huân chương Đại đoàn kết dân tộc";

+ "Huân chương Dũng cảm";

+ "Huân chương Hữu nghị".

- Huy chương để tặng hoặc truy tặng cho quân nhân, công nhân, công chức, viên chức quốc phòng thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân làm việc trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân có quá trình công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; người nước ngoài có nhiều đóng góp trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Huy chương gồm:

+ "Huy chương Quân kỳ quyết thắng";

+ "Huy chương Vì an ninh Tổ quốc";

+ "Huy chương Chiến sĩ vẻ vang" hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba;

+ "Huy chương Hữu nghị".

- Danh hiệu vinh dự nhà nước để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân, tặng cho tập thể có những đóng góp đặc biệt xuất sắc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Danh hiệu vinh dự nhà nước gồm:

+ "Tỉnh Anh hùng", "Thành phố Anh hùng";

+ "Bà mẹ Việt Nam anh hùng";

+ "Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân";

+ "Anh hùng Lao động";

+ "Nhà giáo nhân dân", "Nhà giáo ưu tú";

+ "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú";

+ "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú";

+ "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú".

- "Giải thưởng Hồ Chí Minh", "Giải thưởng Nhà nước".

- Kỷ niệm chương:

+ Kỷ niệm chương của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tặng cho cá nhân có đóng góp vào quá trình phát triển của Quốc hội. Tên kỷ niệm chương, đối tượng, tiêu chuẩn tặng kỷ niệm chương do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định.

+ Kỷ niệm chương để tặng cho cá nhân có đóng góp vào quá trình phát triển của Bộ, ban, ngành, tỉnh, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp có tổ chức đảng đoàn hoặc có tổ chức đảng thuộc Đảng bộ khối các cơ quan trung ương.

- Bằng khen:

+ "Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ".

+ Bằng khen của Bộ, ban, ngành, tỉnh.

- Giấy khen gồm:

+ Giấy khen của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có tư cách pháp nhân thuộc và trực thuộc Bộ, ban, ngành;

+ Giấy khen của Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp, hợp tác xã;

+ Giấy khen của Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và tương đương;

+ Giấy khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện;

+ Giấy khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 17,286

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]