Luật quy định đủ...
PV Tiền Phong ghi nhận nhiều trường hợp lái xe làm việc quá sức, khi lái, tạt vào lề đường gục trên vô lăng rồi chạy tiếp. Nếu là hành khách, ông có yên tâm đi trên những chuyến xe đó?
Luật Giao thông đường bộ quy định, lái xe không làm việc quá 10 giờ/ngày, không lái liên tục quá 4 giờ.
Nghị định của Chính phủ, thông tư của Bộ GTVT về kinh doanh vận tải cũng yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện các quy định này. Cụ thể, với những tuyến cố định đường dài, khi phê duyệt phương án vận tải, Sở GTVT các địa phương yêu cầu doanh nghiệp (DN) bố trí đủ lái xe; những tuyến dài yêu cầu có hai lái.
Việc lái xe ngủ gục trên vô lăng hay đâu đó là câu chuyện thực tiễn, tôi không có bình luận. Nhưng về nguyên tắc, các tuyến có thời gian chạy xe dưới 10 giờ, DN được phép chỉ bố trí một lái. Sau 4 giờ lái liên tục, lái xe có thể nghỉ ngơi, uống cà phê hay ngủ ở đâu đó 10-15 phút rồi lái tiếp là không vi phạm.
Tài xế thường ở trên xe cả ngày, ngủ cũng ở trên xe. Điều này ảnh hưởng thế nào đến an toàn giao thông?
Thời gian họ không lái mà ngồi hay ngủ trên xe là thời gian nghỉ ngơi, không coi đó là thời gian làm việc. Việc ngủ trên xe là đặc thù công việc của họ. Ở các nước, lượng lái xe được ngủ tại trạm dừng nghỉ, thay hẳn lái xe khác là không nhiều, chỉ có ở những DN rất lớn. Ở Việt Nam, chỉ có vài đơn vị làm được. Chúng ta là nước sản xuất nhỏ, đang trong quá trình công nghiệp hóa, đây là bối cảnh chung, không chỉ riêng vận tải.
Trong Thông tư 18 về kinh doanh vận tải do Bộ GTVT mới ban hành cũng không quy định cụ thể về số lượng, thời gian lái xe và biện pháp giám sát. Phải chăng, vấn đề liên quan trực tiếp an toàn này chưa thực sự được quan tâm?
Những việc đó không thể quy định cụ thể được. Số lượng lái xe phụ thuộc vào từng tuyến vận tải. Thông tư quy định, DN phải có phương án kinh doanh đúng luật.
Trong phương án được phê duyệt cụ thể sẽ có những nội dung đó. Nhìn chung, các quy định là đầy đủ, thế giới cũng chỉ quy định như vậy. Cái khó chính là giải pháp giám sát hiệu quả, hiện đại.
... Nhưng giám sát chưa chặt
Giải pháp quản lý thời gian lái xe bằng hộp đen thông qua tin nhắn mới ra đời đã bị các DN cho rằng là rất dễ lách, bất cứ ở đâu cũng có thể nhắn tin đổi tài. Phải chăng, chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về chính sách?
Tết sắp đến, việc an toàn trong đi lại là quan tâm hàng đầu của người dân. Ảnh: Sỹ Lực. |
Thiết bị giám sát hành trình đã được triển khai. Tuy nhiên, để áp dụng vào quản lý cần thực hiện các biện pháp kết nối, khai thác sử dụng. Riêng về hiệu quả của việc kiểm soát thời gian qua tin nhắn, cần nghiên cứu thêm. Tuy nhiên, nếu chuyển đổi sang hình thức khác như thẻ quẹt sẽ phải thay đổi, bổ sung thiết bị. Việc đó không đơn giản.
Ngành Hàng không, ngành Đường sắt có quy định rất chặt để quản lý thời gian lái xe. Chẳng lẽ chúng ta phải chấp nhận một dịch vụ vận tải đường bộ như trong phim “Chuyến xe bão táp” từ hàng chục năm trước?
Đặc thù của vận tải đường bộ là phân tán, nhỏ lẻ, khó quản lý. Tuy nhiên, về lâu dài cũng sẽ áp dụng các biện pháp quản lý hiệu quả hơn. Như đã nói, quản lý thời gian lái xe là nội dung được quan tâm, phản ánh đậm nét trong các văn bản quy phạm pháp luật.
Tuy nhiên, để đạt được như ngành Hàng không đòi hỏi sự hiện đại hóa trang thiết bị, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật và nâng cao công tác thanh kiểm tra. Muốn làm việc này cần phải có thời gian.
Tết Nguyên đán tới đây, xe khách hoạt động tần suất cao, Tổng cục có giải pháp gì để hạn chế tình trạng lái xe mệt mỏi, quá sức dễ dẫn đến tai nạn?
Trong kế hoạch vận tải Tết, Tổng cục đã chỉ đạo các địa phương căn cứ vào nhu cầu đi lại dịp Tết để xây dựng phương án huy động xe du lịch, xe buýt vào vận tải hành khách. Điều này sẽ hạn chế được phương tiện và lái xe hoạt động quá tần suất.
Mong hành khách vào cuộc
Trong vấn đề này, vai trò của DN vận tải rất quan trọng. Ông có khuyến cáo gì cho DN?
Tôi đề nghị các DN tuân thủ đầy đủ các quy định để đảm bảo an toàn cho hành khách và người tham gia giao thông, hiệu quả kinh doanh của DN.
Bản thân lái xe ngại va chạm với giới chủ, không dám đòi hỏi quyền lợi nghỉ ngơi. Rời vô lăng sẽ làm công việc của lơ xe, bốc vác hàng hóa. Các ngành LĐ, TB&XH, Liên đoàn Lao động hay Hiệp hội Vận tải Ô tô có nên vào cuộc?
Việc này rất cần thiết. Nếu các cơ quan này đi sâu vào kiểm tra, tuyên truyền thì rất có ý nghĩa cho việc giảm tai nạn giao thông, đảm bảo quyền lợi cho lái xe khách.
Hành khách trên xe là người bị đe dọa trực tiếp nếu có nguy cơ tai nạn nên ý thức giám sát của họ rất cao. Ngành Giao thông có tạo đủ cơ sở để họ thực hiện điều này?
Phương án để hành khách giám sát là rất tốt. Hộp đen phải phát ra tín hiệu cảnh báo để hành khách trên xe biết. Việc hộp đen phát tín hiệu bằng tiếng nói khi lái xe chạy quá tốc độ hay chạy quá giờ thay vì chỉ phát ra tín hiệu tít tít (chuyên biệt, khó nhận biết với hành khách - PV) cũng có thể làm được. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc quy chuẩn của hộp đen, các cơ quan chuyên môn khác sẽ nghiên cứu và quyết định.
Hiện nay, các đơn vị vận tải phải có đường dây nóng, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Tổng cục Đường bộ, các sở GTVT cũng có số liên lạc khẩn cấp. Chúng tôi rất khuyến khích hành khách chủ động tìm hiểu và tích cực báo thông tin về vi phạm của phương tiện về những số đường dây nóng này.
Cảm ơn ông.
Trả lời câu hỏi: “Hiện nay, CSGT, thanh tra giao thông có thể phát hiện, xử lý lỗi lái xe quá giờ không?”, ông Quyền nói: Cái này rất khó. Lái xe có thể điều khiển 4 giờ liên tục rồi nghỉ 30 phút, sau đó lái tiếp là không vi phạm. Nếu để CSGT, thanh tra Giao thông xử lý lỗi thời gian lái xe quá thời gian là khó vì không thể xác định được hành vi vi phạm. Các giải pháp quản lý phải nghiên cứu thêm, việc xử phạt chỉ là một biện pháp. |
Sỹ Lực
Theo Tiền Phong