Hướng dẫn tinh giản biên chế theo Nghị định 29/2023/NĐ-CP trong ngành BHXH

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
23/02/2024 19:13 PM

BHXH Việt Nam hướng dẫn tinh giản biên chế theo Nghị định 29/2023/NĐ-CP như thế nào? Hồ sơ tinh giản biên chế gồm những gì?

Hướng dẫn tinh giản biên chế theo Nghị định 29/2023/NĐ-CP

Hướng dẫn thực hiện quy định tinh giản biên chế theo Nghị định 29/2023/NĐ-CP (Hình từ internet)

Hướng dẫn tinh giản biên chế theo Nghị định 29/2023/NĐ-CP

Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành Công văn 4097/BHXH-TCCB năm 2023 triển khai Nghị định 29/2023/NĐ-CP quy định về tinh giản biên chế.

Căn cứ Nghị định 29/2023/NĐ-CP về tinh giản biên chế, để thực hiện thống nhất, hiệu quả, đúng đối tượng, đúng nguyên tắc, đúng chính sách và trình tự thủ tục theo quy định; Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam yêu cầu các đơn vị chuyên môn giúp việc Tổng Giám đốc, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc, Văn phòng Hội đồng quản lý BHXH, Văn phòng Đảng ủy cơ quan BHXH Việt Nam, Văn phòng Ban Cán sự đảng BHXH Việt Nam, bộ phận chuyên trách giúp việc Công đoàn cơ quan BHXH Việt Nam, Ban Quản lý dự án Đầu tư và Xây dựng ngành BHXH (các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam) và BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (BHXH các tỉnh) triển khai một số nội dung về thực hiện tinh giản biên chế như sau:

(1) Trách nhiệm tổ chức thực hiện tinh giản biên chế

1.1. Trách nhiệm của Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, Giám đốc BHXH các tỉnh

- Quán triệt, triển khai thực hiện tinh giản biên chế theo quy định tại Nghị định 29/2023/NĐ-CP và hướng dẫn của BHXH Việt Nam đến toàn thể công chức, viên chức, người lao động.

- Lập danh sách công chức, viên chức tinh giản biên chế và dự toán số tiền trợ cấp cho từng công chức, viên chức tinh giản biên chế trình Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam (qua Vụ Tổ chức cán bộ) phê duyệt.

- Sau khi được Tổng Giám đốc phê duyệt thì Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp trực thuộc, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư và Xây dựng ngành BHXH, Giám đốc BHXH các tỉnh thực hiện giải quyết tinh giản biên chế và chi trả chính sách cho từng đối tượng tinh giản biên chế; đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (nếu thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp) trong thời gian đi học nghề, nhưng thời gian hưởng tối đa là 06 tháng cho đối tượng tinh giản biên chế quy định tại điểm a khoản 2 Điều 7 Nghị định 29/2023/NĐ-CP. Đối với các trường hợp tinh giản biên chế thuộc các đơn vị chuyên môn giúp việc Tổng Giám đốc, Văn phòng Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam, Văn phòng Đảng ủy cơ quan BHXH Việt Nam, Văn phòng Ban Cán sự đảng BHXH Việt Nam, bộ phận chuyên trách giúp việc Công đoàn cơ quan BHXH Việt Nam do Văn phòng BHXH Việt Nam chi trả chính sách tinh giản biên chế cho từng đối tượng tinh giản biên chế.

- Định kỳ trước ngày 31/01 hàng năm, tổng hợp kết quả, đánh giá tình hình thực hiện tinh giản biên chế thuộc phạm vi quản lý của năm trước liền kề và gửi BHXH Việt Nam (qua Vụ Tổ chức cán bộ) để tổng hợp, báo cáo Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính.

- Định kỳ trước ngày 15/06 hàng năm xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế (nêu rõ số đối tượng tinh giản biên chế và kinh phí thực hiện tinh giản biên chế) năm sau liền kề theo hướng dẫn của BHXH Việt Nam và gửi về BHXH Việt Nam (qua Vụ Tổ chức cán bộ). Đồng thời, tổng hợp trong dự toán chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế của đơn vị gửi BHXH Việt Nam theo quy định.

1.2. Trách nhiệm của Vụ Tổ chức cán bộ

- Chủ trì, phối hợp với Vụ Tài chính - Kế toán kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam và BHXH các tỉnh triển khai tinh giản biên chế theo quy định tại Nghị định 29/2023/NĐ-CP và hướng dẫn của BHXH Việt Nam.

- Chủ trì, phối hợp với Vụ Tài chính - Kế toán thẩm định danh sách và kinh phí thực hiện tinh giản biên chế cho từng trường hợp tinh giản biên chế trước khi trình Tổng Giám đốc xem xét phê duyệt.

- Trình Tổng Giám đốc phê duyệt danh sách đối tượng tinh giản biên chế và kinh phí thực hiện tinh giản biên chế theo quy định để các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh thực hiện.

- Định kỳ trước ngày 15/7 hàng năm, căn cứ tình hình thực hiện chính sách tinh giản biên chế (bao gồm số đối tượng tinh giản biên chế và số tiền trợ cấp cho từng đối tượng tinh giản biên chế) dự kiến kế hoạch tinh giản biên chế (số đối tượng tinh giản biên chế và dự toán kinh phí thực hiện tinh giản biên chế) năm dự toán của toàn Ngành gửi Vụ Tài chính - Kế toán để tổng hợp trong dự toán chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế năm sau của Ngành.

- Định kỳ trước ngày 15/02 hàng năm, tổng hợp kết quả, đánh giá tình hình thực hiện tinh giản biên chế của năm trước liền kề gửi Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính tổng hợp để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

1.3. Trách nhiệm của Vụ Tài chính - Kế toán

- Trên cơ sở dự kiến kế hoạch tinh giản biên chế (số đối tượng tinh giản biên chế và dự toán kinh phí thực hiện tinh giản biên chế) toàn Ngành do Vụ Tổ chức cán bộ tổng hợp và cung cấp, Vụ Tài chính - Kế toán tổng hợp kinh phí tinh giản biên chế trong dự toán chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế của Ngành gửi Vụ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Bộ Tài chính theo quy định.

- Phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ thẩm định dự toán kinh phí thực hiện tinh giản biên chế cho từng trường hợp tinh giản biên chế trước khi Vụ Tổ chức cán bộ trình Tổng Giám đốc xem xét phê duyệt.

- Phân bổ kinh phí tinh giản biên chế từ dự toán chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế hàng năm cho các đơn vị theo danh sách và kinh phí thực hiện tinh giản biên chế đã được Tổng Giám đốc phê duyệt.

(2) Hồ sơ tinh giản biên chế

Cụ thể, hồ sơ tinh giản biên chế bao gồm:

- Văn bản, Tờ trình đề nghị, danh sách và dự toán kinh phí thực hiện tinh giản biên chế của đối tượng tinh giản biên chế.

- Biên bản họp xét của lãnh đạo đơn vị trực tiếp quản lý công chức, viên chức thông qua danh sách giải quyết chính sách tinh giản biên chế có đại diện cấp ủy đảng và công đoàn cùng cấp, trong đó nêu rõ từng đối tượng, lý do thực hiện tinh giản biên chế.

- Đối với các cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế có đơn tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị định 29/2023/NĐ-CP (trong đó nêu rõ lý do và thời điểm, nghỉ theo đối tượng nào).

- Bản sao các quyết định xếp lương, nâng lương theo ngạch, bậc, chức vụ, chức danh, chức danh nghề nghiệp; các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề, tiền lương và mức chênh lệch bảo lưu (nếu có) theo quy định của pháp luật về tiền lương trong thời gian 5 năm cuối (60 tháng) trước khi tinh giản biên chế.

- Bản ghi quá trình đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (có ý kiến xác nhận của cơ quan BHXH về tổng thời gian đóng BHXH tính đến thời điểm lập hồ sơ).

- Các văn bản, tài liệu chứng minh đối tượng có đủ điều kiện giải quyết tinh giản biên chế theo quy định.

(3) Nguồn kinh phí thực hiện tinh giản biên chế

Nguồn kinh phí thực hiện tinh giản biên chế được sử dụng từ nguồn chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế hằng năm của BHXH Việt Nam.

Đối tượng thực hiện chính sách tinh giản biên chế

Nghị định 29/2023/NĐ-CP quy định đối tượng thực hiện chính sách tinh giản biên chế gồm có:

(1) Cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ, công chức cấp xã và người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn trong các cơ quan hành chính được áp dụng chế độ, chính sách như công chức theo quy định của Chính phủ, nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

- Dôi dư do rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự theo quyết định của cấp có thẩm quyền hoặc dôi dư do đơn vị sự nghiệp công lập sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự để thực hiện cơ chế tự chủ;

- Dôi dư do sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo quyết định của cấp có thẩm quyền;

- Dôi dư do cơ cấu lại cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, nhưng không thể bố trí, sắp xếp được việc làm khác hoặc bố trí được việc làm khác nhưng cá nhân tự nguyện tinh giản biên chế và được cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý;

- Chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ quy định đối với vị trí việc làm đang đảm nhiệm, nhưng không có vị trí việc làm khác phù hợp để bố trí và không thể bố trí đào tạo lại để chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ hoặc được cơ quan bố trí việc làm khác nhưng cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý;

- Có 02 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, cán bộ, công chức, viên chức có 01 năm xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành nhiệm vụ và 01 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp; trong năm trước liền kề hoặc trong năm thực hiện xét tinh giản biên chế xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành nhiệm vụ trở xuống nhưng cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý;

- Có 02 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế mà trong từng năm đều có tổng số ngày nghỉ làm việc bằng hoặc cao hơn số ngày nghỉ tối đa do ốm đau theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội, có xác nhận của cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả trợ cấp ốm đau theo quy định hiện hành của pháp luật; trong năm trước liền kề hoặc trong năm thực hiện xét tinh giản biên chế có tổng số ngày nghỉ làm việc bằng hoặc cao hơn số ngày nghỉ tối đa do ốm đau theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội, có xác nhận của cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả trợ cấp ốm đau theo quy định hiện hành của pháp luật, cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý;

- Cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý thôi giữ chức vụ, chức danh do sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính theo quyết định của cấp có thẩm quyền, cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý;

- Cán bộ, công chức, viên chức đang trong thời gian bị kỷ luật nhưng chưa đến mức bị bãi nhiệm hoặc bị buộc thôi việc theo quy định của pháp luật tại thời điểm xét tinh giản biên chế, cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế, được cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.

(2) Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn thực hiện các công việc chuyên môn nghiệp vụ thuộc danh mục vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung trong đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của Chính phủ dôi dư do sắp xếp lại tổ chức hoặc cơ cấu lại nhân lực của đơn vị theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

(3) Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố dôi dư do sắp xếp thôn, tổ dân phố khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã nghỉ trong thời gian 12 tháng kể từ khi có quyết định sắp xếp của cấp có thẩm quyền.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 11,784

Bài viết về

Cán bộ, công chức, viên chức

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]