Căn cứ Luật Hợp tác xã 2023 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024) quy định hợp tác xã là tổ chức có tư cách pháp nhân do ít nhất 05 thành viên chính thức tự nguyện thành lập, hợp tác tương trợ trong sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung về kinh tế, văn hóa, xã hội của thành viên, góp phần xây dựng cộng đồng xã hội phát triển bền vững; thực hiện quản trị tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ.
Theo quy định tại Điều 16 Luật Hợp tác xã 2023 thì hợp tác xã được phân loại siêu nhỏ, nhỏ, vừa, lớn theo tiêu chí số lượng thành viên chính thức và một trong hai tiêu chí sau:
- Doanh thu;
- Tổng nguồn vốn.
Hợp tác xã siêu nhỏ, nhỏ, vừa, lớn được xác định theo lĩnh vực hoạt động.
Quy định phân loại hợp tác xã từ ngày 01/7/2024 (Hình từ internet)
Căn cứ Điều 22 Luật Hợp tác xã 2023 quy định về chính sách thuế, phí và lệ phí đối với hợp tác xã như sau:
- Hợp tác xã được hưởng mức ưu đãi thuế, ưu đãi phí và lệ phí cao nhất trong cùng lĩnh vực, ngành, nghề và địa bàn theo pháp luật về thuế, phí và lệ phí.
- Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với:
+ Thu nhập từ giao dịch nội bộ của hợp tác xã;
+ Thu nhập của hợp tác xã khi tham gia liên kết với cá nhân, tổ chức khác hình thành chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành, gắn với kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức vì mục tiêu phát triển bền vững;
+ Trường hợp khác theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
- Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần thu nhập hình thành quỹ chung không chia, phần thu nhập hình thành tài sản chung không chia của hợp tác xã theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
- Miễn, giảm lệ phí môn bài đối với hợp tác xã theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.
- Miễn lệ phí trước bạ đối với cá nhân, tổ chức khi chuyển quyền sử dụng đất, chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn vào hợp tác xã theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.
Căn cứ Điều 23 Luật Hợp tác xã 2023 quy định về chính sách tiếp cận vốn, bảo hiểm đối với hợp tác xã như sau:
- Hợp tác xã được thụ hưởng chính sách tiếp cận vốn như sau:
+ Vay vốn ưu đãi từ các tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật;
+ Hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư, bảo lãnh tín dụng đầu tư từ Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã theo quy định của Chính phủ;
+ Ưu tiên tiếp cận nguồn vốn từ các quỹ phát triển khoa học và công nghệ, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và các định chế tài chính theo quy định của pháp luật vì mục tiêu phát triển bền vững;
+ Hỗ trợ tăng cường năng lực tài chính cho hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng;
+ Ưu tiên, hỗ trợ tham gia hoạt động xúc tiến đầu tư của các bộ, ngành, địa phương.
- Hợp tác xã được hỗ trợ phí bảo hiểm đối với tài sản chung không chia tham gia bảo hiểm của hợp tác xã theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.
- Thành viên của hợp tác xã mà không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.