Tuy nhiên, đa số các thành viên Chính phủ thống nhất chọn phương án tăng dần tuổi nghỉ hưu theo lộ trình 4 tháng mỗi năm, bắt đầu từ 2016, cho đến khi nữ đạt 60 và nam đạt 62 tuổi.
Không gây ảnh hưởng lớn đến việc làm của lao động trẻ
Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, quy định về tuổi đời hưởng lương hưu đã nhận được rất nhiều ý kiến khác nhau, song trước áp lực về già hóa dân số, tuổi thọ tăng và khả năng cân đối của quỹ BHXH, Bộ LĐTBXH thấy rằng việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu là yêu cầu khách quan.
Tuy nhiên, việc điều chỉnh tăng tuổi hưu cần được thực hiện theo lộ trình và đối với từng nhóm đối tượng, để đảm bảo chuẩn bị tâm lý cho người lao động, cũng như không ảnh hưởng lớn đến việc làm của lao động trẻ.
Vì vậy, bộ đã đưa ra 2 phương án tăng tuổi nghỉ hưu. Phương án 1 quy định: Từ năm 2016 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của cán bộ viên chức, công chức cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi với nữ và 62 tuổi với nam. Từ 2020 trở đi, điều kiện tuổi đời hưởng lương hưu của người lao động còn lại cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam.
Theo phương án 2: Từ năm 2016 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của cán bộ, công chức, viên chức cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 62 tuổi cả đối với nam và nữ. Từ năm 2020 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của các nhóm đối tượng còn lại cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 62 tuổi đối với cả nam và nữ.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, sau quá trình tổng hợp ý kiến tham gia của các bộ, ngành, địa phương và ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, Bộ LĐTBXH đề nghị lựa chọn phương án 1.
Bà Chuyền giải thích, Luật BHXH sửa đổi này, nếu được thực hiện sẽ theo lộ trình điều chỉnh dần, và ưu đãi cứ tăng 4 tháng mỗi năm cho đến khi nam đủ 62 tuổi và nữ 60, chứ không thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu ngay lập tức. Có nghĩa, nếu dự thảo được thông qua thì phải đến năm 2016 mới bắt đầu quá trình kéo dài tuổi hưu 4 tháng, chứ không phải được thực hiện ngay từ nay đến 2016.
Theo Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên, có 20/22 thành viên Chính phủ đồng tình với phương án này. Bởi lộ trình tuổi nghỉ hưu phù hợp với tính chất và công việc của từng nhóm đối tượng lao động, góp phần vào khả năng cân đối quỹ BHXH trong dài hạn.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, với điều kiện kinh tế, xã hội đầy đủ hiện nay, nam giới ở độ tuổi 62 tuổi và nữ ở tuổi 60 vẫn còn điều kiện làm việc tốt và có thể cống hiến hơn nữa. Thủ tướng cho biết, nhiều nước khác đã tăng tuổi nghỉ hưu của nữ lên 62 và nam lên 65.
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đa số ý kiến quan ngại về việc tăng tuổi hưu chủ yếu liên quan đến vấn đề Việt Nam chưa giải quyết hết số lao động đến tuổi. Song, Thủ tướng cho rằng đây là hướng đi đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng, và điều quan trọng của Việt Nam là phải phát triển kinh tế, phát triển việc làm.
Cha được trợ cấp sinh con một lần bằng 2 tháng lương cơ sở
Dự thảo còn đề cập một số vấn đề mới như quy định lao động nam có vợ sinh con được nghỉ việc 5 ngày đối với trường hợp vợ sinh thường, và 7 ngày làm việc với vợ sinh con phải phẫu thuật. Dự thảo còn sửa đổi quy định về trợ cấp một lần khi sinh con, theo hướng trong trường hợp chỉ có cha tham gia BHXH thì cha được trợ cấp một lần bằng 2 tháng tiền lương cơ sở cho mỗi con được sinh ra.
Ngoài ra, dự thảo luật còn sửa đổi điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ đã có thời gian đóng BHXH dài, nhưng vì lý do khó mang thai phải nghỉ việc nên không đủ điều kiện đóng BHXH 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con. Với trường hợp này, chỉ cần đóng BHXH từ đủ 3 tháng trở lên trong vòng 12 tháng trước khi sinh.
Dự thảo cũng bổ sung quyền khởi kiện ra tòa của tổ chức công đoàn đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Phương Thủy
Theo Lao động