Sốt ruột với đống nguồn lực bị “chôn” trong đất
Câu chuyện thị trường BĐS vẫn dằng dai với điệp khúc đóng băng. Nào là nhận định đã tới đáy của khủng hoảng. Nào là “đà lao dốc”. Nào là khẳng định “Có tiền tôi cũng không mua bất động sản”. Và thậm chí, cả những ý kiến rằng: Mặc dù gọi là thị trường nhưng đằng sau nó là cả một “hậu trường”, khiến ngay cả những người làm chính sách nhiều khi cũng không hiểu nổi.
Điều này rất cũ, nhưng luôn luôn chính xác đến đau lòng. Đó là khi BĐS “đắp chiếu” đồng nghĩa với nguồn lực đang bị chôn vùi trong đất. BĐS nằm đó có nghĩa là nợ xấu. Nguồn lực bị “chôn” trong đất và nợ xấu, trong một vòng luẩn quẩn, lại là “nhân” của cái “quả” tốc độ tăng trưởng tín dụng và giải ngân. Chẳng phải là những “nhận định màu xám” này được khẳng định trong một năm mà các vị ĐBQH than vãn đến sốt ruột về tốc độ tăng trưởng tín dụng quá thấp của nền kinh tế. Còn thanh khoản ư? Nói ra thêm buồn khi thậm chí các đại lý BĐS vang bóng một thời giờ đây đã treo biển quán phở.
BĐS là khuôn mặt thật của nền kinh tế. Nhưng khuôn mặt đó mang sắc thái nào, không chỉ phụ thuộc vào sắc thái của nền kinh tế, mà trong rất nhiều trường hợp, lại phụ thuộc vào sự lạc quan hay bi quan của người đánh giá.
Chỉ có những con số là khách quan. Chẳng hạn như ở thủ đô - một trong hai thị trường lớn nhất - con số các giao dịch thành công trong 2 tháng qua gấp 2 lần cả năm trước. Còn tờ New York Time đưa ra một dòng nhận định, rằng “tình hình địa ốc Việt Nam đang bị vây hãm sẽ thoát đáy khi các yếu tố vĩ mô đã bình ổn và Chính phủ cam kết cải tổ hệ thống ngân hàng. Và nếu Việt Nam hoàn tất ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), nền kinh tế và thị trường bất động sản sẽ tăng tốc”.
Nói lạc quan, thì đó là những chỉ dấu cho sự ấm dần của thị trường BĐS. Còn bi quan, thì là sự hoài nghi với một câu hỏi gồm hai chữ “ổn định”.
Năm 2013, chiến lược nhà ở đã được thông qua với đổi mới quan điểm về nhà ở. Đó là sự khẳng định trách nhiệm của nhà nước trong việc lo cho dân một mái nhà, bên cạnh những thiết yếu khác là cái ăn, cái mặc. Lo, không có nghĩa là bao cấp tất cả, nhưng cũng không bỏ mặc cho thị trường quyết định. Chiến lược ấy lần đầu tiên phân định nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, đặt thành quy hoạch, kế hoạch cụ thể và trở thành chỉ tiêu cho các địa phương. Bộ trưởng Dũng từng “thuyết minh” rằng “Bình quân diện tích nhà ở không nói lên điều gì hết khi số ít thì ở quá rộng, trong khi số đông thì thậm chí không có nhà”.
Chính cách thức để mỗi người dân có nhà, bằng cách gắn BĐS phù hợp với nhu cầu nhà ở của số đông người dân, chính việc khắc phục lệch pha cung - cầu về lâu dài, mới là yếu tố tạo ra sự ổn định cho thị trường.
“Nguyện làm người giữ tiền cho dân”
Hơn một lần Bộ trưởng Dũng khẳng định gói 30.000 tỉ đồng không phải là để hỗ trợ cho thị trường BĐS: “Nên hiểu đây là gói hỗ trợ cho người mua nhà, chứ không giải cứu cái gì hết”.
Tất nhiên, không ai có thể nói là hài lòng khi gói 30.000 tỉ đồng đó đang được bàn đến với một chữ “tắc”, khi mà chẳng hạn sau 6 tháng, những thủ tục đủ loại khiến tốc độ giải ngân đang được thực hiện với một “con rùa”. Có người đã tính rằng 6 tháng chỉ giải ngân được 3,17% thì có nghĩa là người ta cần 10 năm để giải ngân hết số tiền đó.
Có người đã tính rằng muốn mua một căn nhà từ gói hỗ trợ, người ta phải qua ải giấy tờ với khoảng 10 loại. Sau ải giấy tờ, là đến ải ngân hàng. Gọi là nhà ở xã hội, dành cho đối tượng thu nhập thấp, trừ hết các chi phí thiết yếu, thu nhập còn lại lại phải đảm bảo khả năng trả nợ, thì hóa ra số tiền vài trăm triệu, dù lãi suất “chỉ” 6%, lại là một cửa ải ở đâu đó trên mây.
Hóa ra ước mơ của bộ trưởng với những phũ phàng từ thực tế, và nhất là những cửa ải thủ tục, rõ ràng có những khoảng cách mà người chịu thiệt thòi chính là những người dân.
Ông Dũng từng bày tỏ “nguyện làm người giữ tiền cho dân”. Và thực tế là có nhiều con số cho thấy cái lỗ hổng hoang hoác trong thể chế xây dựng đã được bịt lại từ sau khi nghị định 15 ban hành cơ chế “tiền kiểm” có ý nghĩa như một lời tuyên chiến với những trì trệ trong thể chế: 2 tháng, kiểm tra tổng vốn 27.433 tỉ đồng thì đã cắt giảm hơn 2.300 tỉ đồng, chiếm đến 8,4% tổng nguồn vốn. Số tiền này không thể nói khác, chính là khoản đã tiết kiệm được chỉ sau khi một chính sách có hiệu lực. Nếu bình quân đầu tư xây dựng mỗi năm khoảng 200.000 tỉ đồng thì rõ ràng, con số 8,4% được lược bỏ thông qua “nghị định tiền kiểm” là số tiền khổng lồ.
Tất nhiên, để những chỉ dấu về sự ấm dần cho đến tan băng BĐS không thể một sớm một chiều, cũng không một cá nhân nào dù tài cán đến mấy có thể một tay xoay chuyển tình thế. Huống chi “tâm lý đám đông” khiến cho “niềm tin” giờ đây trở thành một thứ giống như là sự xa xỉ.
Vậy thì BĐS đang được “giải cứu bằng gì”? Bằng không một xu nào hết. “Giải cứu”, nếu có, hóa ra lại chỉ là việc xây dựng các chính sách tạo điều kiện cho đa số nhu cầu có một mái nhà.
Nếu nhận định của The New York Time là đúng thì Việt Nam đã “hạ cánh mềm” BĐS với một bộ trưởng “tay không bắt giặc”.
GS-TS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT: Bộ trưởng Dũng là người hành động Tôi cho rằng, ông Dũng là người hành động, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường bất động sản (BĐS) đang rất khó khăn. Nhu cầu nhà ở xã hội có hướng phát triển mạnh nhưng nguồn cung lại đang rất yếu; hàng tồn kho BĐS vẫn còn lớn, mức độ giảm không đáng kể…, mà tất cả những việc đó trách nhiệm quản lý là thuộc về Bộ Xây dựng. Tôi đánh giá cao các trăn trở của ông khi tìm hướng đi gỡ khó cho thị trường này và tư duy về chính sách của ông khi liên tục có sáng kiến điều chỉnh, tháo gỡ để người dân vay được vốn mua nhà ở xã hội, trong đó bước đi quan trọng nhất là ký được thỏa thuận hợp tác với Ngân hàng Nhà nước để tăng tiến độ giải ngân gói 30.000 tỉ. Gần đây nhất là Luật Nhà ở và Luật kinh doanh BĐS (sửa đổi), tạo điều kiện cho người nước ngoài, Việt kiều mua nhà; cho phép chia lô bán nền ở những nơi không phải thắt chặt, giúp người nghèo có nhà… Tôi cho đây là những quyết sách đúng, sẽ tạo ra những cú hích trên thị trường BĐS và hỗ trợ tốt cho người dân thực sự có nhu cầu về nhà ở.
GS-TS Trần Ngọc Đường - chuyên gia cao cấp của Quốc hội: Bộ trưởng biết quản lý nhà nước bằng pháp luật! Khi ông Trịnh Đình Dũng mới nhậm chức Bộ trưởng Xây dựng, xem ông trong một chương trình Sự kiện - Bình luận trên truyền hình, tôi đã đánh giá đây là một vị bộ trưởng biết quản lý Nhà nước bằng pháp luật. Đây là khâu yếu nhất trong quản lý Nhà nước hiện nay. Bộ trưởng Dũng đã rất chăm lo xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về xây dựng, từ các văn bản luật đến các văn bản dưới luật; thể hiện rõ là một vị bộ trưởng hết sức muốn đổi mới về tư duy trong quản lý xây dựng. Trong 2 năm ở cương vị bộ trưởng, ông Dũng đã trình được Quốc hội dự án Luật Xây dựng (sửa đổi), được đánh giá là một dự án công phu, có nhiều tư duy mới, tiến bộ. Tới đây là dự án Luật Nhà ở, Luật Quy hoạch… Tôi cũng đánh giá ông Dũng là người rất sát với thực tiễn và từ thực tiễn đã khái quát được một cách khoa học các chính sách ở tầm quốc gia. Phạm Huệ (thực hiện) |
Theo Lao động