Ảnh minh họa |
Theo Thông tư, các chứng từ ghi bằng tiếng nước ngoài phát sinh nhiều lần và có nội dung nghiệp vụ kinh tế, tài chính giống nhau phải dịch sang tiếng Việt đối với bản chứng từ đầu hoặc mẫu chứng từ (nếu có), từ bản sau trở đi thì chỉ bắt buộc dịch sang tiếng Việt các nội dung chủ yếu của chứng từ theo quy định của Luật Kế toán về nội dung chứng từ.
Theo Ngân hàng Nhà nước, đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước có thể tự dịch hoặc thuê tổ chức, cá nhân dịch chứng từ và Thủ trưởng đơn vị thuộc cơ quan này chịu trách nhiệm về tính chính xác giữa bản dịch và chứng từ gốc.
Về cách viết chữ số trên chứng từ kế toán, Thông tư quy định, Sở Giao dịch được sử dụng cách viết chữ số theo thông lệ quốc tế trên chứng từ thanh toán quốc tế.
Sở Giao dịch phải thực hiện chuyển đổi cách viết chữ số theo thông lệ quốc tế sang cách viết chữ số theo quy định của Luật Kế toán để đảm bảo tính chính xác khi ghi sổ kế toán và lập báo cáo tài chính. Đồng thời, Sở Giao dịch lập danh mục các loại chứng từ được chuyển đổi cách viết chữ số theo thông lệ quốc tế để phục vụ cho việc kiểm tra, đối chiếu tại đơn vị.
Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định cụ thể về việc lưu trữ, hủy và tiêu hủy chứng từ điện tử tại Ngân hàng Nhà nước; trách nhiệm cụ thể của các đơn vị liên quan.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2014.
Bảo Lâm
Theo Báo điện tử Chính phủ