Quy định về Giấy chứng nhận quốc tế về an ninh tàu biển (Hình từ internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo khoản 2 Điều 3 Thông tư 27/2011/TT-BGTVT sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 1 Thông tư 03/2024/TT-BGTVT (có hiệu lực ngày 15/4/2024) quy định về trách nhiệm của Cục Đăng kiểm Việt Nam như sau:
Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện chức năng “Tổ chức an ninh được công nhận”, có trách nhiệm và quyền hạn sau:
- Hướng dẫn các Công ty tàu biển xây dựng Kế hoạch an ninh tàu biển, phê duyệt Kế hoạch an ninh tàu biển;
- Đánh giá an ninh tàu biển và cấp Giấy chứng nhận quốc tế về an ninh tàu biển.
Như vậy, Cục Đăng kiểm Việt Nam có trách nhiệm đánh giá và cấp Giấy chứng nhận quốc tế về an ninh tàu biển.
Thủ tục cấp Giấy chứng nhận quốc tế về an ninh tàu biển được quy định tại Quyết định 233/QĐ-BGTVT năm 2024 (có hiệu lực ngày 15/4/2024) như sau:
- Trình tự thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận quốc tế về an ninh tàu biển:
+ Nộp hồ sơ thủ tục hành chính
Công ty tàu biển nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận quốc tế về an ninh tàu biển cho Cục Đăng kiểm Việt Nam.
+ Giải quyết Thủ tục hành chính
++ Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ; nếu hồ sơ chưa đầy đủ thì trong 02 (hai) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, hướng dẫn cho Công ty tàu biển để hoàn thiện hồ sơ; nếu hồ sơ đầy đủ, trong thời hạn không quá 07 (bảy) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, thống nhất thời gian và địa điểm đánh giá theo yêu cầu của Công ty tàu biển.
++ Cục Đăng kiểm Việt Nam tiến hành đánh giá hệ thống an ninh tàu biển tại tàu.
++ Sau khi hoàn thành đánh giá, nếu hệ thống an ninh tàu không đáp ứng yêu cầu của Bộ luật ISPS thì thông báo cho Công ty tàu biển để khắc phục; nếu đáp ứng thì chậm nhất sau 01 ngày làm việc, kể từ ngày hoàn thành đánh giá, Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp Giấy chứng nhận quốc tế về an ninh tàu biển theo mẫu.
- Cách thức thực hiện thủ tục hành chính
Thủ tục cấp Giấy chứng nhận quốc tế về an ninh tàu biển có thể nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính.
- Thành phần, số lượng hồ sơ thủ tục cấp Giấy chứng nhận quốc tế về an ninh tàu biển
+ Thành phần hồ sơ: 01 (một) bản chính Giấy đề nghị đánh giá hệ thống an ninh tàu biển theo mẫu.
+ Số lượng hồ sơ: 01 bộ.
- Thời hạn giải quyết thủ tục hành chính
Giấy chứng nhận quốc tế về an ninh tàu biển được cấp chậm nhất sau 01 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành đánh giá.
- Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài, tổ chức (không bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã), tổ chức nước ngoài.
- Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính:
+ Cơ quan có thẩm quyền giải quyết: Cục Đăng kiểm Việt Nam.
+ Cơ quan hoặc người có thẩm quyền được ủy quyền hoặc phân cấp thực hiện: Không có.
+ Cơ quan trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính: Cục Đăng kiểm Việt Nam.
+ Cơ quan phối hợp: Không có.
- Kết quả của việc thực hiện thủ tục hành chính:
Được cấp Giấy chứng nhận quốc tế về an ninh tàu biển, Giấy chứng nhận quốc tế tạm thời về an ninh tàu biển.
- Phí và lệ phí của thủ tục hành chính
+ Thủ tục cấp Giấy chứng nhận quốc tế về an ninh tàu biển có lệ phí là 50.000 đồng/giấy;
+ Phí kiểm tra, đánh giá, cấp giấy chứng nhận quốc tế về an ninh tàu biển theo Bộ luật ISPS được quy định tại Điều 4 Thông tư 246/2016/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí kiểm tra, đánh giá, cấp giấy chứng nhận quốc tế về an ninh tàu biển.
- Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai hành chính
Giấy đề nghị phê duyệt kế hoạch an ninh tàu và đánh giá an ninh tàu biển.
- Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính:
Thủ tục cấp Giấy chứng nhận quốc tế về an ninh tàu biển không có yêu cầu về điều kiện thực hiện thủ tục.
Theo Phần 19.3.8 Bộ luật quốc tế ISPS quy định Giấy chứng nhận quốc tế về an ninh tàu biển sẽ bị mất hiệu lực trong bất kỳ trường hợp nào sau đây:
- Nếu những thẩm tra phù hợp không được hoàn thành trong thời hạn nêu ở phần 19.1.1 Bộ luật quốc tế ISPS
- Nếu giấy chứng nhận không được xác nhận phù hợp với phần 19.1.1.3 và 19.3.7.1 Bộ luật quốc tế ISPS
- Khi Công ty đảm nhận trách nhiệm khai tàu trước đây không tiếp tục đảm nhận trách nhiệm đó nữa.
- Khi tàu chuyển sang treo cờ của Quốc gia khác.
Đoàn Đức Tài