Đề xuất cho người chưa thành niên phạm tội đi lao động công ích

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
13/03/2024 17:00 PM

Cho tôi hỏi có phải đang có đề xuất cho người chưa thành niên phạm tội đi lao động công ích phải không? – Trường Vũ (Nam Định)

Đề xuất cho người chưa thành niên phạm tội đi lao động công ích

Đề xuất cho người chưa thành niên phạm tội đi lao động công ích (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên

Tòa án nhân dân tối cao đang hoàn thiện Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên nhằm cung cấp khung pháp lý thống nhất hơn dành cho hệ thống tư pháp người chưa thành niên, bảo đảm tố tụng thân thiện trong tất cả quá trình tố tụng tư pháp với nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên.

Ngày 22/12/2023 Tòa án nhân dân tối cao ban hành Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên. Luật Tư pháp người chưa thành niên quy định các nguyên tắc cơ bản của hoạt động tư pháp người chưa thành niên, gồm các nguyên tắc: Bảo đảm lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên; bảo đảm thủ tục tố tụng thân thiện; bảo đảm người chưa thành niên được đối xử bình đẳng; bảo đảm quyền được thông tin đầy đủ, kịp thời; bảo đảm sự tham gia của người giám hộ, người đại diện của người chưa thành niên trong suốt quá trình tố tụng; bảo đảm giữ bí mật cá nhân của người chưa thành niên, quyền bào chữa, quyền được trợ giúp pháp lý, phiên dịch của người chưa thành niên; hạn chế tối đa việc áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế đối với người chưa thành niên...

Người chưa thành niên là người bao nhiêu tuổi?

Theo Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về người chưa thành niên như sau:

- Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi.

- Người chưa thành niên được chia thành 03 nhóm:

+ Người chưa đủ sáu tuổi: Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.

+ Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi: Khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.

+ Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi: Tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.

Đề xuất cho người chưa thành niên phạm tội đi lao động công ích

Theo Điều 34 Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên quy định về lao động công ích như sau:

- Lao động công ích là lao động để thực hiện những công việc vì lợi ích của cộng đồng, không đòi hỏi sự trả công.

- Lao động công ích được áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội có đủ các điều kiện quy định tại Điều 28 của Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên và thuộc một trong các trường hợp sau đây nhằm giúp họ nhận thức rõ hành vi phạm tội, hậu quả gây ra đối với cộng đồng, xã hội và nghĩa vụ của họ:

+ Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng;

+ Người chưa thành niên là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án.

- Tùy từng trường hợp cụ thể Tòa án ấn định thời gian lao động công ích không quá 80 giờ, không được làm việc vào ban đêm và không được quá 04 giờ trong 01 ngày.

- Người chưa thành niên phạm tội có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp xử lý chuyển hướng quy định tại khoản 1 Điều 34 Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Điều kiện áp dụng biện pháp lao động công ích đối với người chưa thành niên

Điều 28 Dự thảo Luật Tư pháp cho người chưa thành niên quy định về điều kiện áp dụng như sau:

Tòa án quyết định miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội khi có đủ các điều kiện sau đây:

- Người chưa thành niên thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017:

+ Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017;

+ Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng, trừ trường hợp phạm tội gây hậu quả chết người quy định tại Điều 123 của Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017;

+ Người chưa thành niên là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án.

- Có chứng cứ rõ ràng người chưa thành niên đã thực hiện hành vi phạm tội

- Người chưa thành niên tự nguyện thừa nhận hành vi phạm tội và đồng ý áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng.

Xem thêm tại Dự thảo Luật Tư pháp cho người chưa thành niên

Đoàn Đức Tài

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,140

Bài viết về

Chính sách mới nổi bật có hiệu lực năm 2024

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]