Các công trình xử lý nước thải theo QCVN 07:2023/BXD (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
QCVN 07:2023/BXD là quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật do Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam biên soạn, Cục Hạ tầng kỹ thuật phối hợp chuyên môn, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường trình duyệt, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, Bộ Xây dựng ban hành theo Thông tư 15/2023/TT-BXD.
QCVN 07:2023/BXD sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2024 và thay thế QCVN 07:2016/BXD được ban hành theo Thông tư 01/2016/TT-BXD.
Theo QCVN 07:2023/BXD sẽ có các loại công trình xử lý nước thải như sau:
(1) Trạm, nhà máy xử lý nước thải
Phải có thiết bị thu gom và khử mùi hoặc phải có các giải pháp ngăn ngừa mùi, khí thải phát tán ra môi trường xung quanh, phải đảm bảo tuân thủ QCVN 05:2023/BTNMT.
(2) Các công trình đơn vị trong trạm, nhà máy xử lý nước thải
- Song chắn rác phải được lắp đặt ở mọi trạm xử lý nước thải với công suất bất kỳ.
- Bể lắng cát phải được lắp đặt ở mọi trạm, nhà máy xử lý nước thải khi có nguồn phát sinh cát, sỏi.
- Thiết bị thu dầu mỡ phải được bố trí khi nồng độ dầu mỡ lớn hơn 100 mg/L.
- Bể điều hòa dùng để điều hoà lưu lượng và nồng độ chất bẩn trong nước thải. Thể tích bể xác định theo biểu đồ lưu lượng và biểu đồ dao động nồng độ chất bẩn trong nước thải. Trường hợp không có số liệu thì tham khảo số liệu của các trạm, nhà máy tương tự đang hoạt động.
- Bể lắng sơ cấp (bể lắng đợt 1) cho phép không phải lắp đặt ở trạm, nhà máy xử lý nước thải khi nước thải đầu vào có hàm lượng chất lơ lửng nhỏ hơn 150 mg/L.
- Các công trình xử lý nước thải trên đất: bãi lọc trồng cây được phép đặt ở những nơi có đủ điều kiện địa chất thủy văn (cấu trúc hạt, cao độ đáy công trình phải cao hơn mực nước ngầm ít nhất 0,5 m), đáp ứng những yêu cầu vệ sinh của địa phương.
Trường hợp ngược lại, phải có các giải pháp kỹ thuật phù hợp. Việc xây dựng, vận hành bãi lọc cát sỏi và hào lọc phải tuân thủ các quy định có liên quan.
- Các công trình xử lý sinh học nước thải sinh trưởng, phát triển dính bám trên giá thể, vật liệu như bể lọc sinh học, hoặc sinh trưởng lơ lửng công nghệ bùn hoạt tính như bể aeroten, CAS, MBBR, SBR, AO, A2O, kênh ôxy hóa v.v. được sử dụng để xử lý sinh học nước thải bậc hai, bậc ba.
- Xây dựng và vận hành các công trình xử lý sinh học nước thải phải căn cứ vào các yếu tố thành phần và tính chất cũng như công suất nước thải. Hàm lượng các chất độc hại trong nước thải phải nhỏ hơn ngưỡng giới hạn cho phép để đảm bảo sự hoạt động bình thường của vi sinh vật trong các công trình xử lý sinh học.
- Bể lắng thứ cấp (bể lắng đợt 2) phải lắp đặt trong trạm, nhà máy xử lý nước thải sau quá trình xử lý sinh học hoặc hóa học. Trường hợp sử dụng công nghệ SBR thì bể lắng thứ cấp được tích hợp trong cùng một công trình.
- Thiết bị và công trình khử trùng phải được lắp đặt trong trạm, nhà máy xử lý nước thải.
- Bể nén bùn phải được bố trí trong các trạm, nhà máy xử lý nước thải có các công trình xử lý nước thải bằng phương pháp bùn hoạt tính (trong công nghệ CAS, MBBR, SBR, AO, A2O, kênh ôxy hóa, v.v.). Đối với các trạm, nhà máy xử lý nước thải dưới 1 000 m3/d tùy theo kết quả so sánh kinh tế, kỹ thuật cho phép không sử dụng bể nén bùn.
- Tùy thuộc mục tiêu tái sử dụng nước sau xử lý, điều kiện kinh tế, kỹ thuật đảm bảo, cho phép sử dụng các công nghệ xử lý nước thải tiên tiến. Nếu nước thải sau xử lý đáp ứng những mục tiêu yêu cầu cụ thể.
- Bể mê tan:
+ Bể mê tan phải được xem xét như một phương án để phân huỷ cặn lắng hữu cơ có thể phân hủy sinh học của nước thải sinh hoạt và sản xuất. Cho phép đưa vào bể các chất hữu cơ khác nhau có thể phân hủy sinh học sau khi đã nghiền nhỏ (rác từ song chắn, các loại phế liệu có nguồn gốc hữu cơ);
+ Phải có giải pháp phòng chống cháy nổ và an toàn cháy nổ cho bể mê tan;
+ Khi tiếp nhận vật liệu, phế liệu có nguồn gốc hữu cơ từ bên ngoài nhà máy xử lý nước thải, các thành phần, chất gây hại và kích thước hạt sau khi nghiền phải được xem xét cẩn thận và tiền xử lý nếu cần để không ảnh hưởng đến hiệu suất xử lý;
+ Phải có các giải pháp tăng cường quá trình lên men để sử dụng hiệu quả khí lên men.
- Các công trình, thiết bị làm khô hay tách nước khỏi bùn:
+ Sân phơi bùn không cho phép bố trí trên nền đất tự nhiên, phải lắp đặt dàn ống thu nước bùn và không cho phép nước bùn thấm vào trong đất;
+ Làm khô bằng các thiết bị cơ giới áp dụng để khắc phục các ảnh hưởng của tự nhiên (mưa nhiều, độ ẩm không khí cao) hay đất đai chật hẹp;
+ Lò đốt bùn có thể sử dụng để khử độc hoàn toàn và giảm khối lượng bùn, nhưng yêu cầu phải xử lý khí thải theo Luật Bảo vệ môi trường 2020;
+ Bùn và tro sau khi khử nước hoặc sấy khô hoặc đốt phải được kiểm soát bằng các phương pháp phù hợp và tái sử dụng hiệu quả tuân thủ QCVN 50:2013/BTNMT.
CHÚ THÍCH. Để khắc phục ảnh hưởng của mưa, áp dụng kiểu sân phơi có mái che.
- Trạm cấp khí:
+ Trong các nhà của trạm cấp khí cho phép đặt các thiết bị lọc không khí, các máy bơm để bơm nước kỹ thuật và xả cạn bể aerôten, máy bơm bùn hoạt tính, các thiết bị điều khiển tập trung, các thiết bị phân phối, máy biến áp, các phòng sinh hoạt và các thiết bị phụ trợ khác;
+ Trạm cấp khí phải có thiết bị phòng chống cháy nổ theo quy định pháp luật phòng cháy và chữa cháy.
(3) Đối với khu đô thị mới, cụm dân cư, khu vực mới phát triển có mật độ dân cư thưa thớt, phải áp dụng các công trình xử lý nước thải tại chỗ hay phân tán (phi tập trung) (như bãi lọc cát sỏi, hào lọc, và bãi lọc trồng cây) trên cơ sở đánh giá được lợi thế về kinh tế - kỹ thuật so với công trình xử lý nước thải tập trung.