Đề xuất sửa đổi quy định về yêu cầu nội dung quảng cáo (Hình ảnh từ Internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch đang lấy ý kiến về dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi.
Theo đó, tại khoản 7 Điều 1 dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi. đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 19 Luật Quảng cáo 2012 quy định về yêu cầu đối với nội dung quảng cáo như sau:
Nội dung quảng cáo phải đảm bảo trung thực, chính xác, rõ ràng, không gây hiểu lầm về tính năng, chất lượng, công dụng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Nội dung quảng cáo cần được phân biệt rõ ràng với nội dung thông tin khác.
Hiện hành. theo khoản 1 Điều 19 Luật Quảng cáo 2012 quy định thì nội dung quảng cáo phải bảo đảm trung thực, chính xác, rõ ràng, không gây thiệt hại cho người sản xuất, kinh doanh và người tiếp nhận quảng cáo. |
Đồng thời, dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi cũng đề xuất bổ sung khoản 1a vào sau khoản 1 Điều 19 Luật Quảng cáo 2012 quy định nội dung quảng cáo không bao gồm:
- Nội dung được tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp để thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại (ngoại trừ quảng cáo thương mại) theo quy định của pháp luật thương mại.
- Nội dung mà tổ chức, cá nhân kinh doanh phải cung cấp để thực hiện các nghĩa vụ, trách nhiệm theo quy định của pháp luật, bao gồm:
+ Nội dung trên nhãn hàng hóa, bao bì thương phẩm;
+ Nội dung công bố công khai và cung cấp thông tin cho khách hàng, người tiêu dùng;
+ Nội dung thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của hàng hóa;
+ Các trách nhiệm và nghĩa vụ cung cấp thông tin khác theo quy định của pháp luật.
Tại khoản 8 Điều 1 dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi. đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 19a sau Điều 19 Luật Quảng cáo 2012 về quy định về nội dung quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt phải tuân thủ các yêu cầu sau:
- Quảng cáo mỹ phẩm
+ Nội dung quảng cáo mỹ phẩm phải có các thông tin bắt buộc sau: tên mỹ phẩm; tính năng, công dụng của mỹ phẩm; tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường; các cảnh báo theo quy định.
+ Không được quảng cáo mỹ phẩm gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.
+ Quảng cáo mỹ phẩm trên báo nói, báo hình phải đọc rõ ràng nội dung tên mỹ phẩm; tính năng, công dụng của mỹ phẩm; các cảnh báo theo quy định.
- Quảng cáo thực phẩm
(1) Nội dung quảng cáo thực phẩm phải có các thông tin bắt buộc sau: tên thực phẩm; tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường.
(2) Nội dung quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe: Phải có khuyến cáo "Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh"; chữ viết phải rõ ràng, có màu tương phản với màu nền. Quảng cáo trên báo nói, báo hình phải đọc rõ khuyến cáo theo quy định tại (2); Việc quảng cáo trên báo hình, báo nói với thời lượng ngắn dưới 15 giây thì không phải đọc khuyến cáo, nhưng phải thể hiện khuyến cáo trong nội dung quảng cáo.
- Quảng cáo hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế
+ Quảng cáo hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế phải có các nội dung sau đây: Tên hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế; tính năng, công dụng; tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường; khuyến cáo “Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng” hoặc “Hạn chế phạm vi sử dụng đối với các sản phẩm có sử dụng hóa chất trong danh mục hạn chế sử dụng”.
+ Quảng cáo hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế trên báo nói, báo hình phải đọc rõ ràng nội dung sau: Tên hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế; tính năng, công dụng và khuyến cáo.
- Quảng cáo thiết bị y tế phải có các nội dung sau đây:
+ Tên trang thiết bị y tế, chủng loại, hãng sản xuất, nước sản xuất;
+ Tính năng, tác dụng, hướng dẫn sử dụng, điều kiện bảo quản (nếu có);
+ Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường.
- Quảng cáo sữa và sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ không thuộc quy định tại khoản 4 Điều 7 Luật Quảng cáo 2012 phải có các nội dung sau đây:
+ Tên sản phẩm sữa và sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ;
+ Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường.
- Quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phải có các nội dung sau đây:
+ Tên, địa chỉ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi được cấp phép hoạt động;
+ Phạm vi hoạt động chuyên môn kỹ thuật chính ghi trong Giấy phép hoạt động hoặc Chứng chỉ hành nghề đã được cơ quan có thẩm quyền về y tế cấp phép.
- Quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y phải có các nội dung sau đây:
+ Tên thuốc;
+ Tính năng, tác dụng và những điều cần lưu ý khi sử dụng, bảo quản;
+ Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường.
- Quảng cáo phân bón, thức ăn chăn nuôi, giống cây trồng, giống vật nuôi phải có các nội dung sau đây:
+ Tên phân bón, chế phẩm sinh học phục vụ trồng trọt, thức ăn chăn nuôi, chế phẩm sinh học phục vụ chăn nuôi, giống cây trồng, giống vật nuôi;
+ Xuất xứ nguyên liệu trong chế biến;
+ Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường.
- Nội dung quảng cáo thuốc thực hiện theo quy định của pháp luật về dược và y tế.
- Chính phủ quy định chi tiết danh mục các sản phẩm, hàng hóa đặc biệt phải thực hiện xác nhận nội dung quảng cáo và trình tự, thủ tục xác nhận nội dung quảng cáo trước khi thực hiện.
Xem thêm dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi.
Tô Quốc Trình