Tỉnh giàu cũng xin... gạo cứu đói

14/01/2014 08:35 AM

15 tỉnh đề nghị cấp gạo cứu đói dịp tết và giáp hạt 2014. Phần lớn do khó khăn thật sự. Nhưng có địa phương khá giả, như Khánh Hòa, cũng xin gạo cứu đói!

Trong số 15 tỉnh đề nghị cấp gạo cứu đói dịp tết và giáp hạt 2014 có khá nhiều tỉnh chịu thiệt hại của thiên tai như Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An. Tuy nhiên, cũng có tỉnh khá về kinh tế nhưng vẫn xin cấp gạo cứu đói.

Ngày 13-1, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Thái Phúc Thành - phó cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Bộ LĐ-TB&XH - cho biết bộ đã nhận được đề nghị hỗ trợ gạo cứu đói của 15 tỉnh với nhu cầu hơn 28.000 tấn gạo. “Trong số 15 tỉnh xin cấp gạo có ba tỉnh đề xuất nhiều nhất là Quảng Bình cần 5.200 tấn, Quảng Trị cần 4.300 tấn, Nghệ An cần 4.200 tấn. Đây là ba tỉnh năm vừa rồi chịu thiệt hại nặng nề do các đợt thiên tai, bão lũ liên tiếp” - ông Thành cho hay.

Quà tết của Chính phủ cho người nghèo

Lý giải chuyện xin gạo, ông Nguyễn Đức Chính - phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị - cho biết trong năm qua tình hình tăng trưởng kinh tế của tỉnh nhà ở mức khá nhưng vẫn phải xin gạo cứu trợ do mức tính tỉ lệ tăng trưởng là tính trung bình. Thực tế vẫn còn một bộ phận khá lớn người dân trong tỉnh sống dưới mức nghèo khổ. Trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số Pa Cô, Vân Kiều. Những hộ này vẫn thường xuyên thiếu gạo ăn dịp giáp hạt. Năm 2013 những vùng này còn bị lũ lụt, khả năng thiếu gạo còn cao hơn. Theo quan điểm của ông Chính, với những hộ nghèo khó như thế này, nếu được hỗ trợ gạo, họ may ra mới thừa được chút tiền mua cái áo cái quần hay đầu tư nuôi con heo con gà, giúp khả năng thoát nghèo sẽ cao hơn.

Tình cảnh Quảng Bình cũng tương tự, ông Trương An Ninh - chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Bình - cho biết: “Tỉnh hiện vẫn còn nhiều vùng mà đời sống bà con gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vùng miền núi, nơi có đồng bào các dân tộc ít người sinh sống... Năm qua tỉnh cũng là vùng phải gánh chịu nhiều thiệt hại nhất do bão, lũ gây ra khiến đời sống của bà con vốn đã gặp khó khăn càng khó khăn thêm. Vì vậy tỉnh phải đề nghị trung ương cấp thêm gạo khi thiếu, hơn nữa trong chính sách hỗ trợ gạo của Nhà nước vào dịp tết và giáp hạt hằng năm thì Quảng Bình vẫn nằm trong diện được hỗ trợ...”.

Riêng với Nghệ An thì đây là năm tăng trưởng kinh tế khá cao. Trong 10 sự kiện tiêu biểu của tỉnh năm 2013 có hai sự kiện nổi bật là tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7% (năm 2012 đạt 6,13%; cả nước 5,4%), thu ngân sách đạt 6.487 tỉ đồng (đạt 123,1%). Nghệ An được đánh giá là tỉnh thu ngân sách đứng đầu sáu tỉnh Bắc Trung bộ và đứng thứ 16 toàn quốc.

Trả lời về câu hỏi vì sao xin gạo, ông Nguyễn Xuân Đường - chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An - giải thích: “Nghệ An đạt tốc độ tăng trưởng và thu ngân sách vượt trội như vậy nhưng tỉnh phải chi trên 16.000 tỉ đồng/năm. Do dân số của tỉnh lớn (trên 3 triệu người) nên tỉ lệ hộ nghèo cũng lớn, đang ở mức 12,5%, cao hơn bình quân của cả nước (7,8%). Tỉnh có hai huyện biên giới giáp Lào thuộc diện 30A và một huyện miền núi vừa mới được hưởng chính sách của Nhà nước tương đương với huyện 30A. Mặt khác, gạo cứu đói cho hộ nghèo còn có ý nghĩa là quà tết của Chính phủ với hộ nghèo”.

“Thông lệ” mỗi khi tết về

Trả lời về việc là tỉnh có tiềm năng kinh tế nhưng vẫn xin cấp gạo cứu đói dịp tết và giáp hạt, ông Phạm Sỹ Lợi - phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam - thừa nhận những năm qua Hà Nam đã có những thành tựu phát triển nhất định. Tuy nhiên về tổng thể thì Hà Nam vẫn là tỉnh còn nhiều khó khăn.

Trước ý kiến việc cứu đói cần phải cân đối ngân sách địa phương trước khi đề nghị trung ương hỗ trợ, ông Lợi cho rằng “những năm vừa qua dù tốc độ phát triển của tỉnh thuộc loại khá nhưng vẫn không cân đối đủ. Ví như tổng dự toán giao năm 2013 số thu ngân sách chỉ đạt hơn 2.000 tỉ đồng, nhưng nguồn chi thường xuyên trong năm lên tới hơn 4.000 tỉ đồng”.

Không có chuyện Bình Thuận xin gạo cứu đói

Những ngày qua, một số phương tiện thông tin đại chúng đưa tin một số tỉnh đề nghị hỗ trợ gạo cứu đói, trong đó có Bình Thuận. Tuy nhiên ông Nguyễn Thanh Hồng, giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Bình Thuận, cho biết đến nay cơ quan này chưa có văn bản gửi trung ương xin gạo.

“Nếu người dân ở tỉnh đói thì tỉnh có đủ khả năng giúp chứ không đến mức phải cần gạo cứu đói từ trung ương. Năm nay Bình Thuận không có thiên tai hay mất mùa gì lớn. Chúng tôi đang liên hệ lại với trung ương để hỏi rõ về thông tin này” - ông Hồng nói.

Bình Thuận những năm gần đây được chú ý với tên gọi “thủ đô resort” hay “vựa thanh long” của cả nước. Vì vậy khi xuất hiện thông tin Bình Thuận có trong danh sách xin hỗ trợ gạo cứu đói thì một số cư dân mạng đã “ném đá” về sự việc trên. Thông tin từ HĐND tỉnh Bình Thuận cho biết trong năm 2013 tốc độ tăng GDP của Bình Thuận đạt 8,6% (kế hoạch 9%).

Nguyễn Nam

Cụ thể hơn, ông Trần Văn Thắng - phó chánh văn phòng UBND tỉnh Hà Nam - cho biết: “Chúng tôi đề xuất cấp gạo cứu đói cho hai đối tượng. Thứ nhất là những trường hợp hộ cận nghèo bị thiệt hại hoa màu vụ đông trong bão số 14. Thứ hai là hỗ trợ cứu đói cho các trường hợp là hộ nghèo”. Cũng theo ông Thắng, việc đề xuất cấp gạo cứu đói của tỉnh dựa trên tinh thần xin cho mỗi hộ nghèo 15kg gạo/khẩu/tháng, thời gian hỗ trợ cứu đói là ba tháng.

Tương tự, tỉnh Ninh Thuận cũng xin Chính phủ hỗ trợ 860 tấn gạo dịp tết này. Ông Nguyễn Văn Bình, phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội tỉnh Ninh Thuận, cho biết đây là “thông lệ” nhiều năm nay mỗi khi tết về. “Tỉnh cố gắng hỗ trợ cho mỗi hộ nghèo 150.000 đồng dịp tết này, nhưng nếu không có gạo của Chính phủ thì địa phương khó có nguồn lực để cứu đói cho toàn bộ người nghèo của tỉnh ăn tết tươm tất được” - ông Võ Đại, phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho hay.

Giàu cũng xin cứu đói

Trong số các địa phương xin Chính phủ cấp gạo năm nay, rất ngạc nhiên là có Khánh Hòa - một trong những tỉnh “giàu”, tăng trưởng kinh tế cao - nhưng vẫn xin với số lượng 550 tấn.

Theo báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế năm 2013 của tỉnh Khánh Hòa, GDP của tỉnh tăng 8,3% so với năm 2012, thu ngân sách đạt 11.335 tỉ đồng, tăng 16% so với năm 2012 và bằng 108% dự toán năm 2013. Tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn 4,26%, thấp hơn tỉ lệ bình quân của cả nước (7,8%)...

Chiều 13-1, khi hỏi lý do, một phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nói rằng “hỏi khó trả lời quá, nhưng tất cả cũng là lo cho dân thôi mà” và đề nghị phóng viên hỏi giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội. Chúng tôi hỏi ông Nguyễn Hữu Thấu, giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội tỉnh Khánh Hòa, ông cho biết: “Mấy năm trước Khánh Hòa tự cân đối ngân sách để cấp gạo cứu đói cho dân, nhưng năm nay lãnh đạo UBND tỉnh nói thu ngân sách khó quá nên chỉ đạo xin số gạo trên từ Chính phủ để cấp cho số hộ thiếu đói giáp hạt trên địa bàn cả tỉnh. Riêng hộ nghèo thì không cấp gạo đợt này, mà tỉnh hỗ trợ mỗi hộ 250.000 đồng ăn tết”. Khi chúng tôi nêu vấn đề rằng Khánh Hòa thu ngân sách năm 2013 tăng nhiều so với năm 2012 thì ông Thấu cười nói: “Cái này lãnh đạo UBND tỉnh cân đối ngân sách rồi chỉ đạo như vậy”.

Giáp Khánh Hòa, Phú Yên từ lâu được mệnh danh là “vựa lúa của miền Trung”. Theo báo cáo của UBND tỉnh Phú Yên trình HĐND tỉnh tại kỳ họp vừa diễn ra tháng 12-2013, trong năm 2013 tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội đạt 10,67%, vượt kế hoạch năm 0,07%. Đáng kể nhất là năng suất lúa vụ đông xuân 2013 của Phú Yên đạt cao nhất từ trước đến nay với 67,5 tạ/ha, còn năng suất lúa hè thu đạt 65 tạ/ha, tăng 0,5 tạ/ha so với cùng vụ năm trước. Tỉ lệ hộ nghèo của Phú Yên còn 13,03%, giảm 2,66% so với năm 2012... Dù vậy, Phú Yên vẫn xin Chính phủ cấp 761 tấn gạo cứu đói.

Ông Trần Thanh Bình, chánh văn phòng Sở Lao động - thương binh và xã hội tỉnh Phú Yên, cho biết: “Phú Yên không xin Chính phủ hỗ trợ gạo cứu đói giáp hạt hằng năm, mà chỉ năm nào khó khăn mới xin. Hộ đói, hộ thiếu ăn được xem xét từ cấp thôn, xã rồi đề xuất lên huyện, huyện kiểm tra rồi mới chuyển sang Sở Lao động - thương binh và xã hội tổng hợp tham mưu để tỉnh đề xuất xin Chính phủ... Trong đó các vùng dân tộc thiểu số xin hỗ trợ nhiều nhất”.

Khi được hỏi năm nay tình hình kinh tế - xã hội của Phú Yên có bước phát triển đáng kể, nông nghiệp cũng tăng trưởng khá, vì sao phải xin gạo cứu đói, ông Bình nói: “Tăng trưởng là đánh giá chung, còn cụ thể ở một số địa phương người dân gặp nhiều khó khăn như hộ nghèo, hộ bị lũ lụt gây thiệt hại, bị mất mùa do hạn hán... nên vẫn cần được cứu đói”.

X.Long - Q.Nam - D.Thanh - V.Toàn - L.Giang

Theo Tuổi Trẻ

Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm

Theo ông Thái Phúc Thành - phó cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Bộ LĐ-TB&XH, nguồn gạo cấp cứu đói dịp tết và dịp giáp hạt 2014 được lấy từ nguồn dự trữ quốc gia. “Việc xin cấp gạo cứu đói dịp tết và dịp giáp hạt đều phải làm theo quy trình và chủ tịch UBND tỉnh phải chịu trách nhiệm về đề xuất xin cấp gạo cứu đói của địa phương. Bình thường việc tổng hợp nhu cầu cần xin cấp gạo cứu đói được làm từ thôn, xã lên tới huyện. Tỉnh sẽ tổng hợp và kiểm tra nhu cầu cần cấp gạo có sát với thực tiễn, sau đó gửi lên Bộ LĐ-TB&XH xem xét. Lên tới cấp trung ương thì liên bộ LĐ-TB&XH, NN&PTNT, Tài chính sẽ cùng xem xét đề nghị cấp theo đề xuất của các tỉnh và cùng hậu kiểm việc thực hiện cấp gạo cứu đói” - ông Thành cho biết thêm.

Về đối tượng được cấp gạo cứu đói, theo ông Thành, gồm các trường hợp bị ảnh hưởng nặng nề từ thiên tai, ảnh hưởng nặng nề do thiệt hại sản xuất. “Quan điểm chung đã được Thủ tướng chỉ đạo là không được để gia đình nào đói... Tuy nhiên, trước khi xin cứu trợ gạo thì tỉnh phải sử dụng ngân sách địa phương. Nếu ngân sách địa phương lo đủ thì không xin cứu trợ và cũng không được xét cấp gạo cứu trợ, còn nếu ngân sách địa phương không đảm bảo được thì đề xuất xin cấp gạo từ quỹ dự trữ quốc gia để cứu đói. Vấn đề ngân sách có đảm bảo đủ hay không thì Bộ Tài chính kiểm tra rất chặt” - ông Thành nói.

Cũng theo ông Thành, việc tổng hợp cấp gạo cứu đói mặc dù đã được liên bộ tổng hợp trình Chính phủ, nhưng đến ngày 13-1 vẫn chưa có quyết định. Ông Thành cũng cho biết 15 tỉnh xin cấp gạo cứu đói dịp tết và dịp giáp hạt gồm: Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng, Yên Bái, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Phú Yên, Kon Tum.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,927

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]