Ảnh minh họa |
Theo Thông tư, giấy tờ có giá là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa TCTD phát hành với người mua giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác.
TCTD được phát hành giấy tờ có giá theo hình thức giấy tờ có giá ghi danh và giấy tờ có giá vô danh. Thông tư nêu rõ, đối với người mua giấy tờ có giá là tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, TCTD chỉ được phát hành giấy tờ có giá theo hình thức giấy tờ có giá ghi danh.
Trường hợp phát hành giấy tờ có giá theo hình thức ghi sổ, TCTD phát hành cấp cho người mua giấy chứng nhận quyền sở hữu giấy tờ có giá.
Phát hành và thanh toán giấy tờ có giá bằng VNĐ
Thông tư nêu rõ, giấy tờ có giá được phát hành và thanh toán bằng đồng Việt Nam. Mệnh giá của giấy tờ có giá tối thiểu là 100.000 đồng; các mệnh giá lớn hơn phải là bội số của mệnh giá tối thiểu.
Lãi suất giấy tờ có giá do TCTD phát hành quyết định phù hợp
với lãi suất thị trường và quy định về lãi suất của Ngân hàng Nhà nước trong từng
thời kỳ, đảm bảo hiệu quả kinh doanh và an toàn hoạt động cho TCTD.
Trong thời hạn phát hành giấy tờ có giá, TCTD chủ động điều chỉnh lãi suất này
cho phù hợp với quy định về điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng Nhà nước trong từng
thời kỳ.
Nội dung giấy tờ có giá
Theo Thông tư, giấy tờ có giá phải bao gồm các nội dung sau: Tên tổ chức phát hành; tên gọi giấy tờ có giá; mệnh giá, thời hạn, ngày phát hành, ngày đến hạn thanh toán; lãi suất, phương thức trả lãi, thời điểm trả lãi, địa điểm thanh toán gốc và lãi; ghi rõ giấy tờ có giá ghi danh, vô danh; ký hiệu, số seri phát hành; chữ ký của người đại diện theo pháp luật của TCTD phát hành hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật và các chữ ký khác do TCTD quy định…
Bên cạnh đó, đối với giấy tờ có giá ghi danh phải ghi rõ tên tổ chức, số giấy phép thành lập hoặc giấy phép đăng ký kinh doanh, địa chỉ của tổ chức mua giấy tờ có giá (nếu người mua là tổ chức); tên, số chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu, địa chỉ của người mua giấy tờ có giá (nếu người mua là cá nhân).
Đối với trái phiếu chuyển đổi phải ghi rõ thời hạn chuyển đổi trái phiếu, tỷ lệ chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu; đối với trái phiếu kèm chứng quyền phải ghi rõ điều kiện được mua cổ phiếu phổ thông của người sở hữu chứng quyền, số lượng cổ phiếu được mua của từng đơn vị chứng quyền, các quyền lợi và trách nhiệm của người nắm giữ chứng quyền.
Phiếu trả lãi kèm theo giấy tờ có giá phải có các chi tiết liên quan đến giấy tờ có giá (số seri, mệnh giá), lãi suất, số tiền được lĩnh, kỳ hạn lĩnh lãi.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 14/2/2014.
Bảo Lâm
Theo Báo điện tử Chính phủ