Lãi của EVN hay VNPT đều do tăng giá

07/01/2014 14:37 PM

Lãi của ngành điện, xăng dầu, viễn thông trong năm 2013 không phải do sự trưởng thành trong kinh doanh mà là tăng giá bán.

Điện, xăng dầu, viễn thông… đến cuối năm đều vui mừng công bố “LÃI”. Dư luận cũng rất vui mừng vai trò “trụ cột” của các DNNN đã thực sự được phát huy. Thế nhưng câu chuyện lãi của các DN này lại không dựa trên việc cải tiến phương thức quản trị, sản xuất, kinh doanh… mà chủ yếu là do tăng giá bán sản phẩm, dịch vụ.

Việc tăng giá sản phẩm là "đánh" trực tiếp vào túi người tiêu dùng

Năm 2013, doanh thu của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) ước đạt 119.000 tỷ đồng -lợi nhuận 9.270 tỷ đồng; doanh thu của Vietel là 163.000 tỷ đồng- lợi nhuận 26.400 tỷ đồng, gấp 3 lần lợi nhuận của VNPT.

Gần đây nhất, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) công bố, riêng sản xuất kinh doanh điện của EVN năm 2012 lãi khoảng 4.404 tỷ đồng. 

Mặc dù không công bố lãi cụ thể là bao nhiêu, nhưng ông Đinh Quang Tri – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn cho biết: EVN lãi khoảng 120 tỷ đồng trong năm nay, sau khi đã trích xử lý khoản lỗ còn treo lại khoảng 4.000 tỷ đồng. Đây là năm thứ 2 liên tiếp EVN đã có lãi ở mức nhiều nghìn tỷ đồng.

Chia vui với các tập đoàn nhưng vấn đề được người tiêu dùng quan tâm nhất trong năm 2013 là tình trạng tăng giá của những mặt hàng thuộc diện Nhà nước kiểm soát giá.

Đầu tiên phải kể đến là việc giá cước viễn thông tăng tới gần 400% các gói cước 3G (theo tính toán của nhiều chuyên gia) trong khi lãnh đạo Bộ Thông tin-Truyền thông lại bảo vệ và đề nghị Chính phủ cho phép DN được tiếp tục điều chỉnh thêm trong khi 3 DN đề nghị tăng giá chiếm thị phần áp đảo đang lãi lớn. Nhiều người tiêu dùng đặt câu hỏi, ở đây liệu có “lợi ích nhóm” khi điều hành giá các sản phẩm có vị thế độc quyền lĩnh vực công nghệ cao?

Trong năm 2013, giá xăng dầu đã có tới 11 lần điều chỉnh. Điều này chứng tỏ việc điều hành mặt hàng này đã theo sát diễn biến giá thị trường hơn. Tuy nhiên, vẫn lặp lại tình trạng “giảm ít, tăng nhiều”. Cách điều hành này đã để lại ấn tượng rất đậm về khiếm khuyết trong điều hành vĩ mô với thị trường bán lẻ xăng dầu năm 2013.

Còn với EVN, tăng trưởng điện năm 2013 thấp do kinh tế chưa phục hồi rõ ràng, sản xuất còn khó khăn, thiên tai nặng nề gây gián đoạn cung cấp điện. Tổng lượng điện thương phẩm năm 2013 của EVN ước đạt 115,069 tỷ kWh, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2012 và vượt 0,28% kế hoạch năm 2013. Trong đó, điện thương phẩm nội địa ước đạt 113,401 tỷ kWh, tăng 9,15%.

Tăng trưởng điện thấp, nhưng tăng về doanh thu của EVN năm qua vẫn cao chủ yếu do đóng góp của việc tăng giá điện. Giá bán điện bình quân trên thực tế năm 2013 của EVN đã tăng 134,5 đồng/kWh so với năm 2012, tương đương 9,8%. Tổng doanh thu bán điện cũng tăng 19,85%, đạt trên 172.470 tỷ đồng.

Năm nay, những phần thua lỗ của EVN lại được nhắc đến một nguyên nhân muôn thủa là do “thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp”. Đó là việc tiếp nhận lưới điện cho mấy chục xã nghèo vùng sâu, vùng xa.

Mặc dù người tiêu dùng sẵn sàng chia sẻ với ngành điện trong việc điều chỉnh giá điện sát với thị trường sau một thời gian dài Nhà nước bao cấp giá mặt hàng này song, dư luận cũng mong muốn ngành điện công khai, minh bạch và kiểm toán rõ ràng nghiêm túc trong việc hạch toán giá điện.

Giá liên tục đổi nhưng chất lượng hàng hóa lại không hề thay đổi. Chất lượng cung cấp điện tới ngay một số địa phương của Hà Nội đến thời điểm hiện tại còn chưa đảm bảo, điện thắp sáng chỉ hơn đèn đom đóm một chút và không thể sử dụng được thêm bất cứ sản phẩm điện nào khác. 

Người dân có thể không sử dụng 3G nhưng không thể tẩy chay không dùng điện. “Không có điện, cuộc sống trở nên chật vật, tù túng…” – chị Mai Hồng, Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ.

Còn với nhiều DN thì chỉ biết kêu “trời” khi nhắc đến ông điện. Bởi lẽ, tình trạng nhà đèn cúp điện mà không báo trước vẫn diễn ra phổ biến, gây thiệt hại không nhỏ cho DN mà không ai được đền bù.

Ông Yu Suo – Giám đốc KCN Long Giang (tỉnh Tiền Giang) trong trao đổi với VOV.VN, cho biết, một trong những điều ông không hài lòng khi đầu tư sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam chính là chất lượng truyền tải điện và hệ thống hạ tầng giao thông.

Trong năm 2014, Lãnh đạo EVN cho hay: Tập đoàn cần 123.654 tỷ đồng (tương đương với 5,8 tỷ đôla) để đầu tư xây dựng ngành điện, tăng 17,3% so với năm 2013. Trong đó, đầu tư thuần cho nguồn và lưới điện khoảng 90.448 tỷ đồng; Số tiền nhà đèn cần để trả nợ gốc và lãi vay khoảng 32.915 tỷ đồng.

“Tập đoàn đề ra mục tiêu sản xuất và kinh doanh điện năng có lợi nhuận". Để đạt được mục tiêu này, ngay tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2013, triển khai nhiệm vụ 2014, EVN đã “mạnh dạn” xin Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tiếp tục cho tăng giá điện. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã thẳng thắn nhắc EVN “Giá điện ở Việt Nam không còn giá rẻ nữa”.

Cách thuyết phục cho mỗi lần tăng giá sản phẩm, dịch vụ của các DN này là “chỉ tăng không đáng kể so với tiêu dùng của 1 hộ gia đình”. Nhưng thử làm phép tính nhẩm, mỗi hộ vài nghìn mà nhân với hàng triệu hộ thì số tiền sẽ là bao nhiêu?

Tăng giá bán tương ứng với giá thành sản xuất là bài toán đơn giản trong kinh doanh. Thế nhưng, với mức lãi của năm 2013 và chất lượng hàng hóa, dịch vụ không hề có gì được cải thiện thì người tiêu dùng đã bị các DN này “móc túi” một cách trắng trợn mà chẳng biết kêu ai. Bằng chứng là, vụ tăng giá cước 3G chẳng khó khi nhìn thấy rằng có sự bắt tay tăng giá. Thế nhưng, đến nay sau gần 3 tháng trời vẫn chưa có câu trả lời chính thức nào từ phía cơ quan chức năng để xử lý vụ việc này. Trước diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông cũng không có câu trả lời rõ ràng cho vấn đề này./.

Vũ Hạnh

Theo VOV online

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,926

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]