Bộ trưởng KH-ĐT băn khoăn về đầu tư công, ai tìm lời giải?

15/01/2014 15:41 PM

Vẫn còn tình trạng phân bổ, “chạy chọt” dự án mà không căn cứ vào hiệu quả thực tế thì đầu tư công vẫn tiếp tục lãng phí.

Tại hội nghị lần thứ 7 Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (khóa VII) diễn ra tại Hà Nội ngày 13/1, Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng: “Một trong những nguyên nhân góp phần vào việc lạm phát là chúng ta chi tiền đầu tư công quá mức. Hiệu quả đầu tư công thấp, ai chịu trách nhiệm?”.

Theo Bộ trưởng Vinh, sở dĩ có tình trạng này là vì chúng ta đã có nhiều cơ chế chưa chặt chẽ. “Tôi làm rất lâu trong lĩnh vực kinh tế, rất lâu ở địa phương. Tôi quá hiểu cơ chế này. Trung ương phân bổ thế nào, chạy chọt thế nào tôi biết hết. Bây giờ tôi lên làm bộ trưởng, tôi thấy lạ nhiều địa phương không biết gì cả nhưng chúng ta phân cấp quá mạnh cho các địa phương. Cơ chế chúng ta là cho tiền cho những người không biết gì mà quyết định”.


Vẫn còn cơ chế "xin - cho" trong đầu tư công

Phát biểu này của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh thể hiện sự thẳng thắn và sẵn sàng minh bạch ở lĩnh vực mình đang quản lý. Thực tế này, tại nhiều diễn đàn đã được chính ông và nhiều chuyên gia kinh tế nêu ra. Tuy nhiên, cách nào để khắc phục tình trạng này mới là bài toán khó!

Đất nước ta mới thoát khỏi ngưỡng nước nghèo, nguồn lực ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, nhu cầu đầu tư công cho việc phát triển hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội rất lớn, nơi nào cũng có nhu cầu đầu tư để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Thế nhưng, việc đầu tư công thời gian qua dàn trải dẫn tới nợ đọng lớn. Có nhiều công trình đầu tư quá hoành tráng không cần thiết, nợ đọng đang ở ngưỡng cao, báo động.

Trong một cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi tháng 9/2013, Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước đã phải thốt lên về tình trạng đầu tư công lãng phí: “Trụ sở làm việc xa hoa, lộng lẫy như cung điện”.

Ông Phước cho biết ông đi nhiều nơi thấy nhiều tỉnh nghiêm túc trong xây trụ sở, nhưng không ít tỉnh xây trụ sở như cung điện, như địa điểm để du lịch. “Dân mình đang nghèo tại sao mình làm to như thế!".

Để siết đầu tư công và có cái nhìn đúng về đầu tư công, chuyên gia kinh tế, đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch (đoàn TP HCM) đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, phải mạnh dạn thay đổi quan điểm xây dựng trụ sở cơ quan làm việc không phải là chi đầu tư mà là chi tiêu dùng. Chúng ta đánh đồng việc xây dựng trụ sở, mua xe là đầu tư, nhận thức cần thay đổi đây là chi tiêu dùng. Vì đầu tư nên chúng ta vung tiền quá trán.

“Cần đưa tất cả vào chi tiêu dùng để khi nền kinh tế khó khăn thì phải thắt lưng buộc bụng. Còn đã là chi đầu tư thì nó phải là tạo ra của cải vật chất. Ví dụ, vấn đề giao thông, trường học, bệnh viện mới là đầu tư” – ông Lịch nhấn mạnh.

Đầu tư lãng phí phải xử lý hình sự

Cũng tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIII vừa kết thúc tháng 12/2013, đầu tư công là vấn đề “cực nóng” được các đại biểu Quốc hội quan tâm.

Bày tỏ sự “nóng ruột” với cách quản lý đầu tư công hiện nay, ông Trương Văn Vở (đại biểu Quốc hội Đồng Nai) cho rằng, phải nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về quản lý sử dụng vốn nhà nước cho đầu tư công. Quan trọng là thể chế hóa trách nhiệm cá nhân trong công tác quản lý nhà nước về đầu tư công. Phải tạo bước đột phá về thể chế, tác động mạnh mẽ đến quá trình tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu nền kinh tế đất nước, phải gắn kết với hệ thống pháp luật có liên quan, nhất là Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để nhằm khắc phục có hiệu quả những yếu kém, hạn chế trong quản lý nhà nước về đầu tư công hiện nay từ chủ trương, chuẩn bị đầu tư đến phân bổ nguồn lực vốn đầu tư không để xảy ra tiêu cực tham nhũng lãng phí nguồn vốn đầu tư công.

Còn ông Huỳnh Văn Tiếp (đoàn đại biểu Quốc hội Cần Thơ) thì cho rằng, quá trình đầu tư công, từ chủ trương đầu tư, thẩm định nguồn vốn đối với các chương trình, dự án được sử dụng vốn đầu tư công, việc lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch đầu tư, việc triển khai thực hiện kế hoạch, việc theo dõi, đánh giá, kiểm tra, thanh tra kế hoạch đầu tư công cho thấy còn nhiều kẽ hở của pháp luật. Có bộ, ngành, có địa phương quyết định chủ trương đầu tư nhiều công trình quy mô gấp đôi, gấp ba yêu cầu sử dụng, gây lãng phí lớn và bức xúc dư luận xã hội. Có nơi chủ trương tiến hành xây dựng còn nguồn lực để thanh toán thì cứ để đó, ta tiếp tục tranh thủ xin Chính phủ, hậu quả là nợ đọng xây dựng cơ bản quá lớn. Người quyết định đầu tư đã có trách nhiệm gì?

Chính vì vậy, theo quan điểm của ông Huỳnh Văn Tiếp, cần quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tất cả các khâu liên quan quản lý và sử dụng vốn đầu tư công. Trong đó quy định quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị liên quan đến việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư công. Đồng thời phải đảm bảo tính công khai, minh bạch trong việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.

“Người đứng đầu tổ chức, cơ quan phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình dự án sai, kém hiệu quả, không cân đối được nguồn vốn để thực hiện gây thất thoát, lãng phí phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những tổn thất lãng phí đó và phải bị xử lý kỷ luật về mặt hành chính, nếu gây hậu quả nghiêm trọng bị xử lý về mặt hình sự” – ông Huỳnh Văn Tiếp nói.

Cùng chung quan điểm phải “siết” đầu tư công, bà Nguyễn Thị Hồng Hà (đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) khẳng định: Cần định lượng về điều kiện quyết định chủ trương đầu tư công, quy định phù hợp với khả năng vay, trả nợ công, nợ Chính phủ và nợ của chính quyền địa phương, vì rất dễ tạo sự thiếu chuẩn mực, rõ ràng trong các quyết định các dự án đầu tư công lớn, gây gánh nặng nợ công trong tương lai như kiểu dự án đường sắt cao tốc trước đây.

“Theo tôi cần đưa ra nguyên tắc không để nợ mới từ các dự án đầu tư công vượt quá trần nợ công đã được Quốc hội thông qua như là thời gian gần đây” – bà Hồng Hà nêu quan điểm.

Một thực tế là gần như không có dự án nào từ trước đến nay khi trình mà không tự kết luận là không hiệu quả, nhưng thực tế dự án triển khai thì hoàn toàn khác. Chính vì thế, ông Phạm Trọng Nhân (đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương) băn khoăn: Làm thế nào để chế định rõ ràng mối quan hệ giữa mục tiêu xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội với cơ sở của việc đưa ra các tiêu chí để thẩm định chương trình, kế hoạch đầu tư một cách chính xác khách quan, nhằm khắc phục hiện tượng dự án luôn khả thi.

Bên cạnh đó, theo ông Phạm Trọng Nhân, cần thiết phải quy định chi tiết nguyên tắc phân bổ nguồn lực đầu tư một cách hợp lý giữa các vùng miền, giữa dài hạn, trung hạn với kế hoạch bố trí vốn hàng năm. Chỉ khi nào minh bạch được nội dung này mới mong hạn chế tối đa việc chi phối của các nhóm lợi ích hay triệt tiêu quan điểm tranh thủ tận thu trong nhiệm kỳ; Chấm dứt hiện tượng quyết định vượt quá khả năng cân đối./.

Vũ Hạnh

Theo VOV online

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,141

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]