Đề xuất cơ cấu hội đồng quản trị Ngân hàng Chính xã hội (Hình từ internet)
Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo Nghị định quy định về tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Dự thảo Nghị định nhằm góp phần hoàn thiện khung khổ pháp lý cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội, bổ sung thêm các quy định pháp lý cụ thể hơn về tổ chức, hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quản trị, Ban Điều hành, bộ máy giúp việc, nhằm đảm bảo phù hợp với thực tiễn hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Theo Điều 8 dự thảo Nghị định quy định về hội đồng quản trị như sau:
- Hội đồng quản trị có tối thiểu 15 thành viên, gồm 12 thành viên kiêm nhiệm và 3 thành viên chuyên trách. 12 thành viên kiêm nhiệm gồm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước là Chủ tịch Hội đồng quản trị, các thành viên còn lại là lãnh đạo của các Bộ, ngành, cơ quan trung ương: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Dân tộc, Văn phòng Chính phủ, Hội Nông dân Việt Nam, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu Chiến binh Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. 03 thành viên chuyên trách gồm: 01 thành viên giữ chức Phó Chủ tịch thường trực, 01 thành viên giữ chức Tổng Giám đốc, 01 thành viên giữ chức Trưởng Ban Kiểm soát.
Lưu ý: Số lượng thành viên Hội đồng quản trị được bổ sung trong từng thời kỳ do Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trên cơ sở đề nghị của Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội.
- Chủ tịch và các thành viên Hội đồng quản trị có nhiệm kỳ làm việc 5 năm và có thể được bổ nhiệm lại.
- Tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh được thành lập Ban đại diện Hội đồng quản trị do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân cùng cấp làm Trưởng ban. Thành phần và số lượng Ban đại diện Hội đồng quản trị như khoản 1 Điều 8 dự thảo Nghị định nhưng không có cơ cấu Phó Ban thường trực và các thành viên chuyên trách. Tuỳ tình hình thực tế ở từng địa phương do Chủ tịch ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định cơ cấu thành phần, nhân sự và quyết định thành lập Ban đại diện Hội đồng quản trị.
- Hội đồng quản trị, Ban đại diện Hội đồng quản trị các cấp được sử dụng bộ máy và con dấu của Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện nhiệm vụ của mình.
- Thành viên Hội đồng quản trị được sử dụng bộ máy thuộc Bộ, ngành, cơ quan theo thẩm quyền để phục vụ công tác tham mưu cho Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội trong xử lý các vấn đề liên quan đến tổ chức, hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Quy định về hội đồng quản trị Ngân hàng Chính xã hội theo pháp luật hiện hành - Hội đồng quản trị có 12 thành viên, gồm 09 thành viên kiêm nhiệm và 03 thành viên chuyên trách. 09 thành viên kiêm nhiệm gồm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước là Chủ tịch Hội đồng quản trị, 08 thành viên còn lại là Thứ trưởng hoặc cấp tương đương Thứ trưởng của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ủy ban Dân tộc, Văn phòng Chính phủ, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam và Phó Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; 03 thành viên chuyên trách gồm: 01 ủy viên giữ chức Phó Chủ tịch thường trực, 01 ủy viên giữ chức Tổng Giám đốc, 01 ủy viên giữ chức Trưởng Ban Kiểm soát. - Nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội là 5 năm và có thể được bổ nhiệm lại. - Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch, các ủy viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc và Trưởng Ban Kiểm soát. - Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc và Trưởng Ban Kiểm soát làm nhiệm vụ Thường trực để xử lý các công việc phát sinh hàng ngày giữa hai kỳ họp của Hội đồng quản trị. - Tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh được thành lập Ban đại diện Hội đồng quản trị do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân cùng cấp làm Trưởng ban. Thành phần và số lượng Ban đại diện Hội đồng quản trị như khoản 1 Điều 21 Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Ngân hàng chính sách xã hội ban hành kèm Quyết định 16/2003/QĐ-TTg nhưng không có cơ cấu Phó Ban thường trực và các thành viên chuyên trách. Tuỳ tình hình thực tế ở từng địa phương do Chủ tịch ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định cơ cấu thành phần, nhân sự và quyết định thành lập Ban đại diện Hội đồng quản trị. - Giúp việc Hội đồng quản trị có Ban chuyên gia tư vấn gồm chuyên viên của các ngành là thành viên Hội đồng quản trị do các ngành cử và một số chuyên gia do Chủ tịch Hội đồng quản trị ra quyết định chấp thuận. Giúp việc Ban đại diện Hội đồng quản trị các cấp do Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội cùng cấp, Giám đốc Phòng giao dịch đảm nhiệm. - Hội đồng quản trị, Ban đại diện Hội đồng quản trị các cấp được sử dụng bộ máy và con dấu của Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện nhiệm vụ của mình. (Điều 21 Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Ngân hàng chính sách xã hội ban hành kèm Quyết định 16/2003/QĐ-TTg) |
Như vậy, theo dự thảo Nghị định số lượng thành viên hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội đã tăng lên 15 người so với quy định hiện hành là 12 người.
Số lượng thành viên Hội đồng quản trị được bổ sung trong từng thời kỳ do Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trên cơ sở đề nghị của Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội.
Xem thêm tại dự thảo Nghị định quy định về tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Đoàn Đức Tài