Theo đó, CP hay từng bộ trưởng phải hiện diện bằng thể chế mà mình xây dựng. Mọi vấn đề, vướng mắc của cuộc sống cần được giải đáp bằng văn bản, quy định cụ thể chứ không chỉ là kêu gọi, mong muốn. Mọi chủ trương, chính sách mới ban hành là bộ trưởng phải giải trình.
Với tinh thần đó, các cơ quan hành pháp cần chủ động cung cấp thông tin để công chúng nắm được từng hoạt động của CP, Thủ tướng, các phó thủ tướng. Trong nhiệm vụ này, VPCP thời gian qua đã có những sáng tạo nhưng tới đây cần chủ động tích cực hơn, vừa tham mưu trực tiếp cho Thủ tướng, các phó thủ tướng, vừa góp ý cho các bộ chỉ đạo giải quyết những vấn đề báo chí nêu.
Nhắc lại vụ thẩm mỹ viện Cát Tường như một ví dụ về sự thiếu tinh tế, nhạy bén của các bộ, ngành, Thủ tướng cho biết sau khi báo chí viết nhiều, ông đã hai lần nhắc nhở thì ngành y tế mới xuất hiện để giải trình về trách nhiệm trước công chúng. “Chỉ chiếc điện thoại trên tay là đã có bao thông tin rồi. Chúng ta phải chủ động công khai thì mới đáp ứng được yêu cầu của dân” - ông nói.
Liên quan đến nhiệm vụ của VPCP, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu nâng cao chất lượng xây dựng chương trình làm việc của CP cũng như Thủ tướng, các phó thủ tướng. Chương trình công tác phải bám sát thực tiễn cuộc sống, bao quát nhiệm vụ các bộ, ngành. Với đề án các bộ trình lên, cơ quan tham mưu tổng hợp trực tiếp cần tích cực trao đổi, sàng lọc những gì chưa chuẩn bị kỹ, “không thể mấy chục cái gửi lên thế là đưa vào chương trình hết, đến hồi làm được có mấy cái”.
Ngoài ra, VPCP cần chủ động tham mưu cho lãnh đạo xử lý những vấn đề mà các bộ, ngành có ý kiến khác nhau. Cố gắng không vì thế mà chậm ban hành chính sách, chậm giải quyết yêu cầu chính đáng của người dân, doanh nghiệp.
Nghĩa Nhân
Theo Pháp luật TP