Sẽ sửa Nghị định 59/2022/NĐ-CP về định danh và xác thực điện tử

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
26/04/2024 16:42 PM

Cho tôi hỏi sắp tới sẽ sửa Nghị định 59/2022/NĐ-CP về định danh và xác thực điện tử đúng không? - Anh Dũng ( Long An)

Đề xuất sửa đổi Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử

Đề xuất sửa đổi Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử (hình ảnh internet)

Theo Quyết định 58/QĐ-UBQGCĐS năm 2024 về việc ban hành kế hoạch năm 2024 về chuyển đổi số, có giao Bộ Công an xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử thời gian hoàn thành là trước ngày 01/5/2024.

Việc ban hành Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử để thay thế Nghị định 59/2022/NĐ-CP ngày 05/9/2022 quy định về định danh và xác thực điện tử là nhiệm vụ vô cùng quan trọng và cần thiết trong bối cảnh chung. Đặc biệt, cần thay đổi để phù hợp với Luật Căn cước 2023.

Sẽ sửa Nghị định 59/2022/NĐ-CP về định danh và xác thực điện tử

Với tình hình chung hiện nay, việc xây dựng lại Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử là vô cùng cần thiết khi có những thay đổi mới trong hệ thống pháp luật. Điều này giúp cho hành lang pháp lý thêm củng cố và vững chắc để phục vụ cho quá trình chuyển đổi số về mặt định danh cũng như các dịch vụ xác thực điện tử trở nên hoàn chỉnh và tốt hơn.

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều trong Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch trên môi trường điện tử trở nên nhanh chóng, rút gọn nhưng vẫn giữ vững các tiêu chuẩn về an ninh, bảo mật và an toàn.

Bên cạnh đó, Nghị định được sửa đổi, bổ sung đòi hỏi vẫn đảm bảo tính hiệu quả, khả thi cũng như đáp ứng được các yêu cầu, chính sách, cũng như những chủ trương của Đảng và Nhà nước trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập với các nước trên thế giới.

Dự thảo Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử lần này gồm 6 Chương với 37 Điều. Nhìn chung dự thảo lần này sẽ khắc phục được sự thiếu sót cần giải quyết trong việc định danh điện tử đang trở nên cần thiết và thay đổi để tiếp cận gần hơn với nhân dân, công chúng.

Về nguyên tắc định danh và xác thực điện tử, dự thảo Nghị định này đã nêu những tiêu chí đảm bảo, cụ thể là:

- Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

- Bảo đảm tính chính xác, công khai, minh bạch trong quản lý, thuận tiện cho cơ quan, tổ chức, cá nhân.

- Bảo đảm an ninh, an toàn thiết bị, bảo mật dữ liệu khi thực hiện định danh và xác thực điện tử.

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân được khai thác và sử dụng danh tính điện tử phải bảo mật thông tin tài khoản định danh điện tử và tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

- Mọi hành vi vi phạm pháp luật về định danh và xác thực điện tử phải được phát hiện, xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.

- Bảo đảm phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

- Không được sử dụng tài khoản định danh điện tử vào hoạt động, giao dịch trái quy định của pháp luật; xâm phạm đến an ninh, quốc phòng, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

- Mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân không được can thiệp trái phép vào hoạt động của hệ thống định danh và xác thực điện tử.

Có thể thấy khi dự thảo này được phê duyệt sẽ thay thế Nghị định 59/2022/NĐ-CP ngày 05/9/2022 của Chính phủ. Điều này sẽ giúp thay đổi những quy định không còn phù hợp và thiếu sót ở nghị định trước.

Nguyễn Hữu Hiệp

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,724

Bài viết về

lĩnh vực Hộ tịch – Cư trú – Quyền dân sự

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]