Chuẩn nhà giáo gồm các tiêu chuẩn nào tại Dự thảo Luật Nhà giáo? (Hình từ internet)
Căn cứ Điều 1 Dự thảo Luật Nhà giáo quy định về phạm vi điều chỉnh như sau:
Luật Nhà giáo quy định về nhà giáo; quyền và nghĩa vụ của nhà giáo; hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo; chức danh, chuẩn nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng nhà giáo; chính sách tiền lương, đãi ngộ, tôn vinh đối với nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng và hợp tác quốc tế về nhà giáo; quản lý nhà nước về nhà giáo; khen thưởng và xử lý vi phạm đối với nhà giáo.
Ngoài ra, tại Điều 2 Dự thảo Luật Nhà giáo quy định các đối tượng áp dụng gồm:
- Nhà giáo trong các cơ sở giáo dục theo quy định tại Luật Giáo dục 2019.
- Cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục; cơ quan quản lý giáo dục; cơ sở giáo dục.
- Tổ chức, cá nhân có liên quan.
Căn cứ Điều 13 Dự thảo Luật Nhà giáo quy định về chuẩn nhà giáo như sau:
- Chuẩn nhà giáo là hệ thống phẩm chất, năng lực mà nhà giáo cần đạt được để thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trong các cơ sở giáo dục, bao gồm các tiêu chuẩn áp dụng cho từng chức danh nhà giáo.
- Chuẩn nhà giáo bao gồm các tiêu chuẩn:
+ Phẩm chất, đạo đức nhà giáo;
+ Trình độ đào tạo, bồi dưỡng;
+ Năng lực chuyên môn, nghiệp vụ: Năng lực thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục; kỹ năng cập nhật, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; kỹ năng nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ; kỹ năng hoạt động phát triển cộng đồng, phối hợp xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh ở trong và ngoài cơ sở giáo dục;
+ Nhiệm vụ theo chức danh nhà giáo;
+ Sức khỏe.
- Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các Bộ, ngành và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình quy định chi tiết chuẩn nhà giáo.
Căn cứ Điều 14 Dự thảo Luật Nhà giáo quy định về chuẩn người đứng đầu cơ sở giáo dục như sau:
- Chuẩn người đứng đầu cơ sở giáo dục là hệ thống các yêu cầu về phẩm chất, năng lực mà người đứng đầu cơ sở giáo dục cần đạt được để đáp ứng nhiệm vụ lãnh đạo, quản trị cơ sở giáo dục. Người đứng đầu cơ sở giáo dục phải bảo đảm đạt chuẩn nhà giáo quy định tại Điều 13 Dự thảo Luật Nhà giáo và các tiêu chuẩn về quản trị cơ sở giáo dục.
- Tiêu chuẩn về quản trị cơ sở giáo dục:
+ Xây dựng sứ mệnh, tầm nhìn, chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển nhà trường;
+ Quản trị hoạt động và chất lượng giáo dục;
+ Quản trị nhân sự;
+ Quản trị tổ chức, hành chính;
+ Quản trị tài chính;
+ Quản trị cơ sở vật chất và công nghệ;
+ Xây dựng môi trường giáo dục;
+ Thực hiện quy định về dân chủ ở cơ sở và kiểm tra nội bộ cơ sở giáo dục.
- Chuẩn người đứng đầu cơ sở giáo dục là căn cứ để:
+ Các cơ quan, tổ chức theo thẩm quyền xem xét, quyết định việc quy hoạch, bổ nhiệm, miễn nhiệm, công nhận, không công nhận chức vụ người đứng đầu cơ sở giáo dục đối với nhà giáo;
+ Các cơ sở giáo dục xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng người đứng đầu cơ sở giáo dục, người thuộc diện quy hoạch giữ chức vụ người đứng đầu cơ sở giáo dục và những người có nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng để trở thành người đứng đầu cơ sở giáo dục;
+ Người đứng đầu cơ sở giáo dục, người thuộc diện quy hoạch giữ chức vụ người đứng đầu cơ sở giáo dục tự đánh giá và thực hiện kế hoạch tự rèn luyện, phát triển năng lực bản thân.
- Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình ban hành và hướng dẫn sử dụng chuẩn người đứng đầu cơ sở giáo dục.
Nguyễn Minh Khôi