Một số quy định về tài sản, tài chính của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã từ ngày 01/7/2024 (Hình từ internet)
Căn cứ theo Chương VI Luật Hợp tác xã 2023 quy định về tài sản, tài chính của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã gồm như sau:
- Tài sản góp vốn
- Góp vốn điều lệ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã
- Giấy chứng nhận phần vốn góp
- Chuyển giao tài sản góp vốn
- Định giá tài sản góp vốn, tài sản chung không chia
- Tăng, giảm vốn điều lệ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã
- Huy động vốn và tiếp nhận các khoản hỗ trợ, tặng cho, tài trợ
- Vốn hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã
- Thành lập doanh nghiệp của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã
- Góp vốn, mua cổ phần tham gia doanh nghiệp
- Hoạt động cho vay nội bộ trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã
- Quỹ chung không chia
- Thu nhập từ giao dịch nội bộ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã
- Phân phối thu nhập
- Quản lý, sử dụng các quỹ
- Quản lý, sử dụng tài sản
- Xử lý các khoản lỗ, khoản nợ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã
- Trả lại, thừa kế phần vốn góp
- Chế độ kế toán
Tài sản góp vốn của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã
- Tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác, quyền khác định giá được bằng Đồng Việt Nam.
- Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng quyền tài sản hợp pháp, quyền khác quy định tại khoản 1 Điều 74 Luật Hợp tác xã 2023 có quyền góp vốn theo quy định của pháp luật.
- Đối với tài sản là quyền sử dụng đất, phương tiện vận tải, tài sản khác thì cá nhân, tổ chức có thể lựa chọn góp vốn bằng tài sản đó hoặc thỏa thuận cho phép hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được hưởng quyền khác đối với tài sản đó theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về dân sự.
- Thành viên có thể dùng tài sản để tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thông qua hợp đồng hợp tác, hợp đồng liên kết với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Trong trường hợp này, tài sản đó không phải là tài sản góp vốn và không phải chuyển quyền sở hữu cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
(Điều 73 Luật Hợp tác xã 2023)
Góp vốn điều lệ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã
- Phần vốn góp của thành viên chính thức được thực hiện theo thỏa thuận và theo quy định của Luật này và Điều lệ về vốn góp tối thiểu và vốn góp tối đa. Vốn góp tối đa không quá 30% vốn điều lệ đối với hợp tác xã và không quá 40% vốn điều lệ đối với liên hiệp hợp tác xã.
- Tổng phần vốn góp của tất cả thành viên liên kết góp vốn được thực hiện theo thỏa thuận và theo quy định của Điều lệ nhưng không quá 30% vốn điều lệ đối với hợp tác xã và không quá 40% vốn điều lệ đối với liên hiệp hợp tác xã.
- Tổng phần vốn góp của tất cả thành viên là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, cá nhân là nhà đầu tư nước ngoài không quá 30% vốn điều lệ đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
- Thời hạn, hình thức và mức góp vốn điều lệ của thành viên theo quy định của Điều lệ nhưng thời hạn phải góp đủ vốn chậm nhất là 06 tháng kể từ ngày hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã hoặc kể từ ngày được kết nạp, không kể thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản (nếu có). Trong thời hạn này, thành viên có các quyền, nghĩa vụ tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp đã cam kết.
- Thành viên chỉ được góp vốn cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã bằng loại tài sản khác với tài sản đã cam kết nếu được sự tán thành của Hội đồng quản trị đối với tổ chức quản trị đầy đủ hoặc Đại hội thành viên đối với tổ chức quản trị rút gọn.
- Sau thời hạn quy định tại khoản 4 Điều 74 Luật Hợp tác xã 2023, thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ phần vốn góp đã cam kết thì xử lý như sau:
+ Thành viên chưa góp vốn theo cam kết hoặc góp vốn thấp hơn vốn góp tối thiểu quy định trong Điều lệ sẽ bị chấm dứt tư cách thành viên;
+ Thành viên chưa góp đủ phần vốn góp đã cam kết nhưng có phần vốn góp bằng hoặc cao hơn vốn góp tối thiểu theo quy định của Điều lệ có quyền tương ứng với phần vốn góp đã góp theo quy định của Luật Hợp tác xã 2023 và Điều lệ.
- Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn phải góp đủ phần vốn góp đã cam kết theo quy định tại khoản 4 Điều 74 Luật Hợp tác xã 2023, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ bằng phần vốn đã góp theo quy định của Luật này, trừ trường hợp phần vốn góp còn thiếu đã được góp đủ trong thời hạn này. Thành viên chưa góp đủ phần vốn góp đã cam kết phải chịu trách nhiệm tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp đã cam kết đối với nghĩa vụ tài chính phát sinh trong thời gian trước ngày được cấp Giấy chứng nhận phần vốn góp theo quy định của Luật Hợp tác xã 2023 và Điều lệ.
(Điều 74 Luật Hợp tác xã 2023)
Giấy chứng nhận phần vốn góp
- Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phải cấp Giấy chứng nhận phần vốn góp cho thành viên và ghi vào sổ đăng ký thành viên tại thời điểm góp đủ phần vốn góp.
- Giấy chứng nhận phần vốn góp bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
+ Tên, mã số, địa chỉ trụ sở chính của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;
+ Vốn điều lệ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;
+ Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số định danh cá nhân hoặc số giấy tờ pháp lý của cá nhân góp vốn; tên, địa chỉ trụ sở chính, mã số hoặc số giấy tờ pháp lý của tổ chức góp vốn;
+ Phần vốn góp và tỷ lệ phần vốn góp của thành viên;
+ Số và ngày cấp Giấy chứng nhận phần vốn góp;
+ Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
- Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã cấp lại Giấy chứng nhận phần vốn góp trong trường hợp Giấy chứng nhận phần vốn góp bị mất, bị hỏng; cấp đổi Giấy chứng nhận phần vốn góp trong trường hợp có thay đổi nội dung Giấy chứng nhận phần vốn góp quy định tại khoản 2 Điều này; thu hồi Giấy chứng nhận phần vốn góp trong trường hợp chấm dứt tư cách thành viên hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
- Trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, cấp đổi, thu hồi Giấy chứng nhận phần vốn góp theo quy định của Điều lệ.
(Điều 75 Luật Hợp tác xã 2023)
Xử lý các khoản lỗ, khoản nợ của hợp tác xã
Căn cứ Điều 89 Luật Hợp tác xã 2023 quy định về xử lý các khoản lỗ, khoản nợ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã như sau:
- Kết thúc năm tài chính, nếu phát sinh lỗ thì hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thực hiện chuyển lỗ theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
- Các khoản nợ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được xử lý theo quy định của pháp luật và Điều lệ.
Như vậy trên đây là một số quy định về tài sản, tài chính của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã từ được quy định tại Luật Hợp tác xã 2023 có hiệu lực ngày ngày 01/7/2024.
Lê Nguyễn Anh Hào