Trường hợp chấm dứt tư cách thành viên liên hiệp hợp tác xã từ 01/7/2024 (Hình từ internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Điều kiện trở thành thành viên liên hiệp hợp tác xã được quy định tại Điều 34 Luật Hợp tác xã 2023 như sau:
- Thành viên liên hiệp hợp tác xã bao gồm:
+ Thành viên chính thức là hợp tác xã;
+ Thành viên liên kết góp vốn, thành viên liên kết không góp vốn là pháp nhân Việt Nam.
- Hợp tác xã, pháp nhân Việt Nam phải có đơn tự nguyện gia nhập, góp vốn và đáp ứng điều kiện theo quy định của Luật Hợp tác xã 2023 và Điều lệ.
- Thành viên của liên hiệp hợp tác xã có thể đồng thời là thành viên của nhiều liên hiệp hợp tác xã, trừ trường hợp Điều lệ có quy định khác.
- Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài khi tham gia là thành viên chính thức, thành viên liên kết góp vốn của liên hiệp hợp tác xã phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
+ Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan;
+ Điều kiện bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật về đầu tư.
- Liên hiệp hợp tác xã có thành viên chính thức, thành viên liên kết góp vốn là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan.
- Tổng số thành viên chính thức là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phải chiếm tỷ lệ dưới 35% tổng số thành viên chính thức của liên hiệp hợp tác xã.
Căn cứ Điều 37 Luật Hợp tác xã 2023 quy định về các trường hợp chấm dứt tư cách thành viên liên hiệp hợp tác xã gồm:
(1) Thành viên chấm dứt tồn tại, giải thể, phá sản;
(2) Liên hiệp hợp tác xã chấm dứt tồn tại, giải thể, phá sản;
(3) Thành viên tự nguyện ra khối liên hiệp hợp tác xã;
(4) Thành viên bị khai trừ theo quy định của Điều lệ;
(5) Thành viên không sử dụng sản phẩm, dịch vụ hoặc không góp sức lao động trong thời gian liên tục theo quy định của Điều lệ;
(6) Tại thời điểm cam kết góp đủ vốn, thành viên không thực hiện góp vốn hoặc góp vốn thấp hơn vốn góp tối thiểu quy định trong Điều lệ.
- Các trường hợp chấm dứt tư cách thành viên liên kết góp vốn theo điểm (1), (2), (3), (4) và (6).
- Các trường hợp chấm dứt tư cách thành viên liên kết không góp vốn bao gồm:
+ Các trường hợp quy định tại các điểm (1), (2), (3), (4) và (5);
+ Không nộp phí thành viên theo quy định của Điều lệ.
Thẩm quyền quyết định chấm dứt tư cách thành viên, giải quyết quyền, nghĩa vụ đối với thành viên trong trường hợp chấm dứt tư cách thành viên thực hiện theo quy định của Luật Hợp tác xã 2023 và Điều lệ.
Nguyên tắc tổ chức, quản lý và hoạt động của liên hiệp hợp tác xã như sau:
- Tự nguyện tham gia và mở rộng kết nạp thành viên.
Cá nhân, tổ chức tự nguyện thành lập, gia nhập, ra khỏi liên hiệp hợp tác xã. Liên hiệp hợp tác xã coi trọng lợi ích của thành viên, mở rộng kết nạp thành viên; không phân biệt giới tính, địa vị xã hội, dân tộc hoặc tôn giáo đối với mọi cá nhân tham gia.
- Dân chủ, bình đẳng trong tổ chức, quản lý.
Thành viên tổ hợp tác có quyền dân chủ trong việc quyết định tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác. Thành viên chính thức của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được tham gia vào công việc tổ chức, quản lý và hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã một cách dân chủ, bình đẳng, không phụ thuộc vào phần vốn góp.
- Trách nhiệm tham gia hoạt động kinh tế của thành viên hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
Thành viên chính thức góp vốn khi gia nhập và được cùng kiểm soát vốn, quỹ và tài sản của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; được phân phối thu nhập chủ yếu theo mức độ sử dụng sản phẩm, dịch vụ hoặc mức độ đóng góp sức lao động.
- Tự chủ và tự chịu trách nhiệm.
Liên hiệp hợp tác xã tự chủ, tự chịu trách nhiệm về hoạt động của mình trước Hiến pháp 2013 và pháp luật.
- Chú trọng giáo dục, đào tạo và thông tin.
Liên hiệp hợp tác xã chú trọng tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể cho thành viên, người dân, tầng lớp thanh niên; thường xuyên giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, tay nghề kỹ thuật cho thành viên, người lao động; cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời cho các thành viên.
- Tăng cường hợp tác, liên kết.
Các thành viên hợp tác, liên kết, tương trợ lẫn nhau, hướng đến làm giàu cho thành viên và tập thể. Khuyến khích các tổ hợp tác tham gia thành lập hợp tác xã; các hợp tác xã cùng hợp tác để thành lập liên hiệp hợp tác xã nhằm nâng cao năng lực tham gia chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ.
Khuyến khích liên hiệp hợp tác xã cùng hợp tác hình thành và tham gia tổ chức đại diện, hệ thống Liên minh hợp tác xã Việt Nam để phát triển phong trào hợp tác xã trong nước và quốc tế.
Tăng cường liên kết giữa liên hiệp hợp tác xã với các tổ chức khác, đặc biệt là liên kết với doanh nghiệp nhà nước trong hỗ trợ liên kết, tiêu thụ, sử dụng sản phẩm, dịch vụ, tạo điều kiện cho liên hiệp hợp tác xã hoạt động hiệu quả.
- Quan tâm phát triển cộng đồng.
Liên hiệp hợp tác xã và thành viên quan tâm chăm lo, xây dựng cộng đồng thành viên đoàn kết, tương trợ lẫn nhau và tham gia phát triển cộng đồng dân cư tại địa phương, vùng, quốc gia, quốc tế.
(Điều 8 Luật Hợp tác xã 2023)