Thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, giám sát đối với tổ chức tín dụng (Hình từ internet)
Theo quy định tại khoản 38 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 thì tổ chức tín dụng là tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân thực hiện một, một số hoặc tất cả hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2024. Tổ chức tín dụng bao gồm ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân.
Theo quy định tại Điều 207 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 thì các tổ chức tín dụng có thể bị kiểm tra, thanh tra, giám sát bởi các cơ quan tổ chức sau:
- Ngân hàng Nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, giám sát tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện nước ngoài theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010 và quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Thanh tra Chính phủ thực hiện thanh tra tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật về thanh tra.
- Bộ Tài chính có trách nhiệm sau đây:
+ Kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng theo quy định của Luật Chứng khoán 2019 và quy định khác của pháp luật có liên quan;
+ Kiểm tra, giám sát hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 và quy định khác của pháp luật có liên quan;
+ Chủ trì, phối hợp, chia sẻ thông tin với Ngân hàng Nhà nước trong quá trình thực hiện quy định tại điểm a và điểm b khoản 3 Điều 207 Luật Các tổ chức tín dụng 2024.
- Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các Bộ, cơ quan ngang Bộ thực hiện kiểm tra, thanh tra, giám sát tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện nước ngoài theo thẩm quyền.
Theo quy định tại Điều 208 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 thì thanh tra, giám sát đối với các tổ chức tín dụng có các quyền, nghĩa vụ như sau:
- Cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác thông tin, tài liệu theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khác trong quá trình kiểm tra, thanh tra, giám sát.
- Chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của thông tin, tài liệu đã cung cấp.
- Bảo đảm khả năng kết nối, truy cập dữ liệu trực tuyến phục vụ hoạt động giám sát của Ngân hàng Nhà nước theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
- Báo cáo, giải trình đối với kiến nghị, khuyến nghị, cảnh báo rủi ro và an toàn hoạt động của Ngân hàng Nhà nước.
- Thực hiện kiến nghị, khuyến nghị, cảnh báo rủi ro và an toàn hoạt động của Ngân hàng Nhà nước.
- Thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý của Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra Chính phủ và cơ quan khác theo quy định của pháp luật.
- Quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Xem thêm Luật Các tổ chức tín dụng 2024 có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2024, trừ khoản 3 Điều 200 và khoản 15 Điều 210 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025.
Luật Các tổ chức tín dụng 2010 hết hiệu lực kể từ ngày Luật Các tổ chức tín dụng 2024 có hiệu lực thi hành, trừ quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 8, 9, 12 và 14 Điều 210 Luật Các tổ chức tín dụng 2024.
Võ Tấn Đại