Đề xuất quay lén người khác ở nơi công cộng có thể bị phạt đến 20 triệu đồng

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
11/06/2024 12:45 PM

Nội dung được đề cập tại dự thảo Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng của Bộ Công an.

Đề xuất quay lén người khác ở nơi công cộng có thể bị phạt đến 20 triệu đồng (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Bộ Công an đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng (gọi tắc là dự thảo Nghị định), trong đó có nêu ra các quy định xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về xử lý dữ liệu cá nhân thu được từ hoạt động ghi âm, ghi hình tại nơi công cộng như sau:

Đề xuất quay lén người khác ở nơi công cộng có thể bị phạt đến 20 triệu đồng

Theo Điều 21 dự thảo Nghị định quy định mức xử phạt vi phạm quy định về xử lý dữ liệu cá nhân thu được từ hoạt động ghi âm, ghi hình tại nơi công cộng như sau:

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi ghi âm, ghi hình nơi công cộng và xử lý dữ liệu cá nhân thu được từ hoạt động trên mà không thông báo để chủ thể hiểu được mình đang bị ghi âm, ghi hình, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

- Hình thức xử phạt bổ sung:

Tạm đình chỉ hoặc đình chỉ có thời hạn xử lý dữ liệu cá nhân từ 01 tháng đến 03 tháng trong trường hợp vi phạm lần thứ 02 quy định nêu trên.

- Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc áp dụng hình thức thông báo để chủ thể hiểu được mình đang bị ghi âm, ghi hình.

Như vậy, trường hợp cá nhân có hành vi ghi âm, ghi hình nơi công cộng và xử lý dữ liệu cá nhân thu được từ hoạt động trên mà không thông báo để chủ thể hiểu được mình đang bị ghi âm, ghi hình có thể bị phạt đến 20.000.000 đồng.

Lưu ý: Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. (Khoản 1 Điều 5 dự thảo Nghị định)

Các hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực an ninh mạng

Tại Điều 4 dự thảo Nghị định quy định hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực an ninh mạng như sau: 

(1) Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng, tổ chức, cá nhân phải chịu hình thức xử phạt chính là cảnh cáo và phạt tiền.

(2) Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính còn bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

- Tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn từ 01 tháng đến 24 tháng đối với giấy phép: bưu chính, viễn thông, thiết lập mạng viễn thông, trang thông tin điện tử tổng hợp, lắp đặt cáp viễn thông trên biển, sử dụng tần số vô tuyến điện, kinh doanh sản phẩm dịch vụ an ninh mạng, kinh doanh sản phẩm dịch vụ an toàn thông tin mạng, thiết lập mạng xã hội, cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1, cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số, chứng chỉ hành nghề, giấy phép hành nghề;

- Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

- Trục xuất khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với người nước ngoài có hành vi vi phạm;

- Đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 tháng đến 24 tháng;

-Tạm đình chỉ hoặc đình chỉ có thời hạn xử lý dữ liệu cá nhân từ 01 tháng đến 03 tháng.

(3) Ngoài các hình thức xử phạt vi phạm hành chính, xử phạt bổ sung, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả như sau:

- Buộc gỡ, xóa bỏ chương trình, phần mềm;

- Buộc thu hồi hoặc tiêu hủy sản phẩm, thiết bị, ngừng cung cấp dịch vụ gây hại về an ninh mạng hoặc không đảm bảo chất lượng hoặc không có giấy phép hoặc thực hiện không đúng với giấy phép;

- Buộc xóa, hủy đến mức không thể khôi phục dữ liệu đã chiếm đoạt, mua bán, trao đổi trái phép;

- Buộc xóa bỏ, cải chính thông tin có nội dung sai sự thật, gây nhầm lẫn, vi phạm pháp luật về an ninh mạng;

- Buộc loại bỏ tính năng, thành phần gây hại về an ninh chương trình, sản phẩm, thiết bị, dịch vụ, phần mềm;

- Buộc thu hồi số thuê bao, đầu số, kho số  viễn thông; tài nguyên Internet, tên miền, địa chỉ Internet (IP), số hiệu mạng (ASN); mã số quản lý, số cung cấp dịch vụ;

- Buộc hoàn trả địa chỉ IP, ASN, tên miền, tài khoản số;

- Buộc chuyển đổi mục đích sử dụng sản phẩm, thiết bị, dịch vụ, phần mềm;

- Buộc hủy bỏ kết quả thẩm định, đánh giá, kiểm tra, chứng nhận về an ninh mạng;

- Buộc sửa đổi thông tin đối với sản phẩm, thiết bị, dịch vụ, phần mềm;

- Buộc cải chính kết quả thẩm định, đánh giá, kiểm tra, chứng nhận về an ninh mạng;

- Buộc thẩm định, đánh giá, kiểm tra, chứng nhận lại về an ninh mạng;

- Buộc công bố lại thông tin thẩm định, đánh giá, kiểm tra, chứng nhận, thông tin về sản phẩm, thiết bị, dịch vụ, phần mềm;

- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính hoặc buộc nộp lại số tiền bằng giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật theo Điều 37 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.

- Công khai xin lỗi trên các phương tiện thông tin đại chúng;

- Buộc nộp lại giấy phép, chứng chỉ có liên quan; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy phép, chứng chỉ, chứng nhận do vi phạm quy định của pháp luật.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,466

Bài viết về

lĩnh vực Vi phạm hành chính

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]