Công chức Chi cục Hải quan Thống Nhất - Cục Hải quan Đồng Nai làm thủ tục cho hàng hóa xuất nhập khẩu. Ảnh: Đ.N
Theo đó, tại các chi cục phát sinh trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu hàng xá, hàng rời vận chuyển bằng đường biển thường xuyên với số lượng rất lớn tại các cảng, đặc biệt là tại các cảng có trọng tải tàu ra vào lớn như cảng Phú Mỹ thuộc Cục Hải quan tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, theo quy định, hàng được miễn kiểm tra (luồng Vàng) hay đã kiểm tra thực tế (luồng Đỏ) nếu thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành (kiểm dịch, kiểm tra chất lượng…) đều phải đưa về bảo quản chờ kết quả kiểm tra của cơ quan chuyên ngành trước khi thông quan.
Việc bàn giao hàng hóa cho chi cục hải quan quản lý địa điểm bảo quản hàng hóa đều phải thực hiện niêm phong đối với cả hàng hóa được chuyển cửa khẩu và hàng hóa đăng ký thủ tục hải quan tại chi cục hải quan cửa khẩu. Tuy nhiên, trên thực tế, thực hiện theo quy định này đã phát sinh một số vướng mắc, gây khó khăn cho cả Hải quan và doanh nghiệp.
Theo đó, trường hợp doanh nghiệp thuê phương tiện vận chuyển hàng hóa đủ điều kiện niêm phong (như container trần) bốc dỡ hàng từ tàu để vận chuyển hàng hóa về kho bảo quản theo quy định sẽ phát sinh chi phí neo đậu tàu rất lớn. Nguyên nhân là do số lượng xe container không đủ đáp ứng tiến độ bốc dỡ hàng vì trọng tải chuyên chở mỗi chuyến tàu ít nhất là 5.000MT (1MT tương đương 1 tấn).
Trong trường hợp doanh nghiệp sử dụng xe thùng, xe tải phủ bạt để bốc dỡ, vận chuyển, theo ý kiến của hải quan cửa khẩu thì các phương tiện này không đủ điều kiện để niêm phong hải quan. Do đó, hàng không được đưa về kho để bảo quản, phải bảo quản tại cửa khẩu. Điều này làm phát sinh chi phí thuê kho lưu giữ hàng hóa và không đảm bảo an toàn đối với hàng hóa của doanh nghiệp, đồng thời gây ách tắc hàng hóa tại cửa khẩu.
Từ thực tế trên, Cục Hải quan Đồng Nai đề xuất Tổng cục Hải quan phương án: giao doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm vận chuyển hàng hóa về địa điểm bảo quản theo đề nghị của cơ quan kiểm tra chuyên ngành và đã được cơ quan Hải quan quản lý địa bàn kho xác nhận địa điểm bảo quản đáp ứng yêu cầu giám sát theo quy định đối với hàng hóa được miễn kiểm tra thực tế (luồng Vàng).
Đối với hàng hóa phải kiểm tra thực tế (luồng Đỏ), nhóm hàng xá, hàng rời không thực hiện niêm phong được phải thực hiện việc kiểm tra thực tế tại cửa khẩu theo quy định tại Thông tư 128/2013/TT-BTC, sau khi tiến hành kiểm tra thực tế, nếu đúng theo khai báo, đề nghị giao doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm vận chuyển hàng về địa điểm bảo quản.
Lý do đề xuất phương án trên, Cục Hải quan Đồng Nai cho rằng, cơ quan Hải quan đã kiểm tra tên hàng và số lượng hàng hóa nhập khẩu theo khai báo trước khi giao hàng hóa cho doanh nghiệp bảo quản, vì vậy không cần thiết phải niêm phong hàng. Việc kiểm tra tiêu chuẩn chất lượng thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý chuyên ngành. Trong trường hợp doanh nghiệp vi phạm các quy định về vận chuyển, bảo quản sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính.
Theo Cục Hải quan Đồng Nai, nếu thực hiện theo các phương án nêu trên sẽ giúp tạo điều kiện thuận lợi trong thủ tục hải quan, giảm chi phí phát sinh cho doanh nghiệp, đặc biệt với các mặt hàng là nguyên liệu sản xuất, thức ăn gia súc…, đồng thời giúp tránh ách tắc hàng tại các cửa khẩu.
Nguyễn Hiền
Theo Báo Hải quan