Quy định về dịch vụ viễn thông khẩn cấp từ 01/7/2024

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
25/06/2024 16:15 PM

Dưới đây là bài viết trình bày quy định về dịch vụ viễn thông khẩn cấp từ 01/7/2024.

Quy định về dịch vụ viễn thông khẩn cấp từ 01/7/2024 (Hình từ internet)

1. Quy định về dịch vụ viễn thông khẩn cấp từ 01/7/2024

Theo Điều 25 Luật Viễn thông 2023 (có hiệu lực từ 01/7/2024) quy định về dịch vụ viễn thông khẩn cấp như sau:

- Dịch vụ viễn thông khẩn cấp là dịch vụ gọi đến các số dịch vụ khẩn cấp của cơ quan công an, cứu hỏa, cấp cứu.

- Các số dịch vụ khẩn cấp được xác định trong quy hoạch kho số viễn thông và việc cung cấp dịch vụ viễn thông khẩn cấp thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

- Doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm sau đây:

+ Thông báo cho người sử dụng dịch vụ viễn thông và đăng trong Danh bạ điện thoại công cộng các số dịch vụ khẩn cấp;

+ Bảo đảm khả năng truy nhập của người sử dụng dịch vụ viễn thông đến các số dịch vụ khẩn cấp;

+ Cung cấp miễn phí dịch vụ viễn thông khẩn cấp cho người sử dụng dịch vụ điện thoại.

Như vậy, theo quy định nêu trên, dịch vụ viễn thông khẩn cấp là dịch vụ gọi đến các số dịch vụ khẩn cấp của cơ quan công an, cứu hỏa, cấp cứu.

Và các số dịch vụ khẩn cấp được xác định trong quy hoạch kho số viễn thông và việc cung cấp dịch vụ viễn thông khẩn cấp thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

2. Doanh nghiệp viễn thông không thông báo cho người sử dụng dịch vụ viễn thông các số liên lạc khẩn cấp sẽ bị xử phạt thế nào?

Cụ thể, tại Điều 31 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định về vi phạm các quy định về dịch vụ viễn thông khẩn cấp và báo hỏng số thuê bao điện thoại cố định như sau:

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

- Không bảo đảm khả năng truy nhập của người sử dụng dịch vụ viễn thông đến các số liên lạc khẩn cấp hoặc dịch vụ báo hỏng số thuê bao điện thoại cố định.

- Không thông báo cho người sử dụng dịch vụ viễn thông, không đăng trong Danh bạ điện thoại công cộng các số liên lạc khẩn cấp.

Lưu ý: Mức phạt nêu trên được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức, trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm như của tổ chức thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.

Như vậy, theo quy định nêu trên, doanh nghiệp viễn thông không thông báo cho người sử dụng dịch vụ viễn thông các số liên lạc khẩn cấp sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

3. Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động viễn thông

Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động viễn thông được quy định tại Điều 9 Luật Viễn thông 2023 như sau: 

- Lợi dụng hoạt động viễn thông nhằm chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

- Thu trộm, nghe trộm, xem trộm thông tin trên mạng viễn thông; trộm cắp, sử dụng trái phép tài nguyên viễn thông, mật khẩu, khóa mật mã và thông tin riêng của tổ chức, cá nhân khác.

- Cản trở trái pháp luật việc thiết lập cơ sở hạ tầng viễn thông, gây rối, phá hoại việc thiết lập cơ sở hạ tầng viễn thông, việc cung cấp và sử dụng hợp pháp các dịch vụ viễn thông.

- Thiết lập cơ sở hạ tầng viễn thông, cung cấp dịch vụ viễn thông khi chưa được phép thực hiện theo quy định của Luật Viễn thông 2023.

- Sử dụng thiết bị, phần mềm gửi, truyền, nhận thông tin qua mạng viễn thông để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,209

Bài viết về

lĩnh vực Công nghệ thông tin

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]