17 điều khoản mà hợp đồng theo mẫu về cung cấp dịch vụ liên tục phải có

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
28/06/2024 21:01 PM

17 điều khoản mà hợp đồng theo mẫu về cung cấp dịch vụ liên tục phải có theo quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 có hiệu lực từ ngày 01/7/2024.

Điều khoản mà hợp đồng theo mẫu về cung cấp dịch vụ liên tục phải có

Điều khoản mà hợp đồng theo mẫu về cung cấp dịch vụ liên tục phải có (Hình từ internet)

Theo quy định tại khoản 6 Điều 3 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 thì cung cấp dịch vụ liên tục là việc cung cấp dịch vụ có thời hạn từ 03 tháng trở lên hoặc không xác định thời hạn.

17 điều khoản mà hợp đồng theo mẫu về cung cấp dịch vụ liên tục phải có

Theo quy định tại Điều 42 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 về hợp đồng cung cấp dịch vụ liên tục như sau:

- Hợp đồng cung cấp dịch vụ liên tục phải được lập thành văn bản và cung cấp cho người tiêu dùng 01 bản.

- Hợp đồng theo mẫu về cung cấp dịch vụ liên tục phải có các điều khoản quy định tại khoản 3 Điều 23 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 và điều khoản khác khác. Cụ thể như sau:

+ Thông tin của các bên trong hợp đồng theo mẫu về cung cấp dịch vụ liên tục bao gồm: tên, địa chỉ, số điện thoại, phương thức liên hệ khác (nếu có);

+ Thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được bán, cung cấp theo hợp đồng;

+ Đo lường, số lượng, khối lượng, chất lượng, công dụng, giá của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được bán, cung cấp, các thành phần cấu thành giá cuối cùng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ nếu pháp luật có quy định phải công khai cấu thành giá của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ;

+ Phương thức, thời hạn thanh toán;

+ Thời gian, địa điểm, phương thức bán, cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ;

+ Quyền và nghĩa vụ của các bên bảo đảm tuân thủ quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 và quy định khác của pháp luật có liên quan;

+ Trách nhiệm bảo vệ thông tin của người tiêu dùng;

+ Trường hợp chấm dứt thực hiện hợp đồng và trách nhiệm phát sinh do chấm dứt thực hiện hợp đồng;

+ Trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật;

+ Phương thức giải quyết tranh chấp;

+ Thời điểm giao kết hợp đồng, thời hạn của hợp đồng.

+ Tên, địa chỉ, số điện thoại, phương thức liên hệ khác (nếu có) của tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc đại diện của tổ chức, cá nhân kinh doanh tại Việt Nam (nếu có);

+ Mô tả dịch vụ được cung cấp;

+ Thời điểm và thời hạn cung cấp dịch vụ;

+ Thông tin chính xác, đầy đủ về các khoản phí, chi phí, cách thức tính phí, chi phí có thể phát sinh và các điều kiện giao dịch chung được áp dụng trong quá trình cung cấp dịch vụ cho người tiêu dùng;

+ Thông báo cho người tiêu dùng về việc nộp phí để tiếp tục sử dụng dịch vụ theo cách thức đã được thỏa thuận tối thiểu 07 ngày làm việc trước ngày hết hạn sử dụng dịch vụ;

+ Thông báo cho người tiêu dùng về thời điểm kết thúc hợp đồng theo cách thức đã được thỏa thuận tối thiểu 07 ngày làm việc trước ngày hợp đồng kết thúc.

- Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, người tiêu dùng có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ liên tục tại bất kỳ thời điểm nào và thông báo cho tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp dịch vụ.

Trong trường hợp người tiêu dùng đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng, người tiêu dùng chỉ phải thanh toán đối với phần dịch vụ mà mình đã sử dụng.

Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp dịch vụ liên tục từ ngày 01/7/2024

Căn cứ theo quy định tại Điều 41 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024) thì tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp dịch vụ liên tục có trách nhiệm sau:

- Tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp dịch vụ liên tục trên lãnh thổ Việt Nam có trách nhiệm thông báo công khai về đại diện theo pháp luật tại Việt Nam. Trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp dịch vụ liên tục trên lãnh thổ Việt Nam không có đại diện theo pháp luật tại Việt Nam thì phải chỉ định đại diện theo ủy quyền tại Việt Nam và thông báo công khai về đại diện theo ủy quyền tại Việt Nam. Đại diện của tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

- Không được yêu cầu người tiêu dùng thanh toán bất kỳ khoản tiền nào trước khi dịch vụ được cung cấp đến người tiêu dùng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

- Không được đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng, ngừng cung cấp dịch vụ không đúng hợp đồng hoặc trái quy định của pháp luật. Trường hợp cần sửa chữa, bảo trì hoặc vì lý do khác bắt buộc phải ngừng cung cấp dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp dịch vụ phải thông báo trước cho người tiêu dùng về thời gian ngừng cung cấp dịch vụ và thời gian cung cấp lại dịch vụ chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày ngừng cung cấp dịch vụ, trừ trường hợp bất khả kháng.

- Thường xuyên kiểm tra chất lượng dịch vụ mà mình cung cấp, bảo đảm chất lượng dịch vụ như đã cam kết với người tiêu dùng.

- Thực hiện quy định tại Điều 37 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 và Điều 38 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 trong trường hợp cung cấp dịch vụ liên tục thông qua giao dịch từ xa.

Trịnh Lê Vy

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 166

Bài viết về

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]