Thực hư quy định không được rút BHXH 1 lần từ ngày 01/7/2025 (Hình từ internet)
Luật Bảo hiểm xã hội 2024 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 29/6/2024.
Căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 70 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định một trong các trường hợp được rút BHXH 01 lần đối với người lao động tham gia BHXH bắt buộc là:
đ) Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, sau 12 tháng không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà cũng không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm;
Đồng thời tại điểm đ khoản 1 Điều 102 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 cũng quy định một trong các trường hợp được rút BHXH 01 lần đối với người lao động tham gia BHXH tự nguyện là:
đ) Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, sau 12 tháng không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội.
Như vậy, có thể thấy không phải người lao động tham gia BHXH từ ngày 01/7/2025 thì không được rút BHXH 01 lần, mà tham gia BHXH từ thời điểm này trở đi thì không được rút BHXH một lần nếu không thuộc các trường hợp được rút BHXH 1 lần theo quy định. Cụ thể như sau:
** Đối với lao động Việt Nam tham gia BHXH bắt buộc đã chấm dứt tham gia BHXH mà có đề nghị thì được hưởng BHXH một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 15 năm đóng BHXH.
Trường hợp người lao động không hưởng BHXH một lần thì có thể lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng theo quy định tại Điều 23 Luật Bảo hiểm xã hội 2024;
- Ra nước ngoài để định cư;
- Người đang mắc một trong những bệnh ung thư, bại liệt, xơ gan mất bù, lao nặng, AIDS;
- Người có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; người khuyết tật đặc biệt nặng;
- Người lao động có thời gian đóng BHXH trước ngày 01/7/2025, sau 12 tháng không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà cũng không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm;
- Trường hợp quy định tại các điểm d, đ và e khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc mà cũng không tham gia BHXH tự nguyện và không đủ điều kiện để hưởng lương hưu.
** Đối với lao động nước ngoài tham gia BHXH bắt buộc đã chấm dứt tham gia BHXH mà có đề nghị thì được hưởng BHXH một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội;
- Người đang mắc một trong những bệnh ung thư, bại liệt, xơ gan mất bù, lao nặng, AIDS;
- Người có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; người khuyết tật đặc biệt nặng;
- Người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định nhưng không tiếp tục cư trú tại Việt Nam;
- Người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc giấy phép lao động, chứng chỉ hành nghề, giấy phép hành nghề hết hiệu lực mà không được gia hạn.
** Đối người lao động tham gia BHXH tự nguyện mà có yêu cầu thì được hưởng BHXH một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 nhưng có thời gian đóng BHXH chưa đủ 15 năm mà không tiếp tục tham gia BHXH.
Trường hợp người lao động không hưởng BHXH một lần thì có thể lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng theo quy định tại Điều 23 Luật Bảo hiểm xã hội 2024;
- Ra nước ngoài để định cư;
- Người đang mắc một trong những bệnh ung thư, bại liệt, xơ gan mất bù, lao nặng, AIDS;
- Người có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; người khuyết tật đặc biệt nặng;
- Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước ngày 01/7/2024, sau 12 tháng không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội.
Xem chi tiết nội dung tại Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có hiệu lực từ ngày 01/7/2025.