Sẽ giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
22/07/2024 14:00 PM

Theo Luật Bảo hiểm xã hội 2024, sẽ điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước.

Sẽ giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội

Sẽ giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (Hình từ Internet)

Sẽ giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội

Bảo hiểm xã hội là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, đời sống nhân dân, phát triển bền vững đất nước. Ngày 29/6/2024, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 đã được Quốc hội thông qua và sẽ thay thế Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

Luật Bảo hiểm xã hội 2024 xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng theo tinh thần Nghị quyết 28/NQ-TW năm 2018 thông qua việc bổ sung tầng trợ cấp hưu trí xã hội do Ngân sách nhà nước cung cấp một khoản trợ cấp cho người cao tuổi không có lương hưu, hoặc bảo hiểm xã hội hằng tháng.

Theo đó, chế độ hưu trí xã hội sẽ được áp dụng với công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên không hưởng lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, đồng thời phải có văn bản đề nghị hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Ngoài ra, người từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi, nếu thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đảm bảo điều kiện còn lại vẫn có thể hưởng chế độ hưu trí xã hội.

Đáng chú ý, khoản 2 Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội trên cơ sở đề nghị của Chính phủ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ. Quy định này nhằm phù hợp với Nghị quyết 28/NQ-TW năm 2018 yêu cầu phải có chính sách huy động các nguồn lực xã hội đóng thêm để các đối tượng này có mức hưởng cao hơn, đồng thời điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng của ngân sách.

Việc xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng nhằm phù hợp với cơ sở chính trị là Nghị quyết 28/NQ-TW năm 2018 với mục tiêu cụ thể như sau:

- Giai đoạn đến năm 2025:

Phấn đấu đạt khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; có khoảng 55% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia bảo hiểm xã hội đạt mức 85%.

- Giai đoạn đến năm 2030:

Phấn đấu đạt khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 5% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia bảo hiểm xã hội đạt mức 90%.

Từ 01/7/2025, mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng do Chính phủ quy định phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ. Định kỳ 03 năm, Chính phủ thực hiện rà soát, xem xét việc điều chỉnh mức trợ cấp hưu trí xã hội.

Luật Bảo hiểm xã hội 2024 được Quốc hội thông qua có hiệu lực áp dụng từ 01/7/2025.

Trần Trọng Tín

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 735

Bài viết về

Bảo hiểm xã hội

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]