10 nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân từ 01/01/2025

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
24/07/2024 12:30 PM

Từ ngày 01/01/2025, việc tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân từ 01/01/2025 phải tuân thủ 10 nguyên tắc này.

10 nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân từ 01/01/2025

10 nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân từ 01/01/2025 (Hình từ Internet)

Ngày 24/6/2024, Quốc hội thông qua Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024, trong đó có sự thay đổi về tổ chức Toà án nhân dân.

Vị trí, chức năng của Tòa án nhân dân theo luật mới

Theo Điều 2 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024, Tòa án nhân dân sẽ có vị trí, chức năng như sau:

- Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp.

- Tòa án nhân dân thực hiện quyền tư pháp để thực thi nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; bằng hoạt động của mình, góp phần giáo dục công dân trung thành với Tổ quốc, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, ý thức đấu tranh phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác.

- Tòa án nhân dân nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xét xử, giải quyết các vụ án, vụ việc theo quy định của pháp luật.

10 nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân từ 01/01/2025

Việc tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân từ 01/01/2025 phải tuân thủ 10 nguyên tắc được nêu tại Điều 5 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024, cụ thể như sau:

(1) Độc lập theo thẩm quyền xét xử. (Điều 6)

Các Tòa án được tổ chức và hoạt động độc lập theo thẩm quyền xét xử.

(2) Bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật và Tòa án. (Điều 7)

Tòa án xét xử theo nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, giới tính, thành phần, địa vị xã hội; mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân đều bình đẳng trước Tòa án.

(3) Thực hiện quyền tư pháp kịp thời, công bằng, công khai, vô tư, khách quan. (Điều 8)

- Tòa án thực hiện quyền tư pháp kịp thời, trong thời hạn luật định, bảo đảm công bằng, công khai, vô tư, khách quan.

- Tòa án xét xử công khai. Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, giữ gìn thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ, Tòa án có thể xét xử kín.

- Tòa án thực hiện công khai hoạt động xét xử và hoạt động khác. Phạm vi, nội dung, hình thức công khai hoạt động của Tòa án do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định.

(4) Chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm. (Điều 9)

- Tòa án bảo đảm chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm.

Bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của luật. Bản án, quyết định sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị trong thời hạn luật định có hiệu lực pháp luật.

Bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị thì vụ án, vụ việc phải được xét xử, giải quyết theo thủ tục phúc thẩm. Bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

- Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiện có vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới theo quy định của luật được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

(5) Thực hiện chế độ xét xử sơ thẩm có Hội thẩm tham gia, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn. (Điều 10)

Tòa án nhân dân xét xử tập thể và quyết định theo đa số, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn. Thành phần Hội đồng xét xử ở mỗi cấp xét xử do luật tố tụng quy định.

(6) Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. (Điều 11)

- Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc của Thẩm phán, Hội thẩm dưới bất kỳ hình thức nào.

- Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm và người có chức danh tư pháp khác của Tòa án không phải giải trình, không được thông tin về quan điểm xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc đang trong quá trình thụ lý, giải quyết vụ án, vụ việc đó.

- Không điều tra đối với Thẩm phán, Hội thẩm về việc xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc đang trong quá trình tố tụng, trừ trường hợp có căn cứ xác định Thẩm phán, Hội thẩm vi phạm pháp luật hình sự trong xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc đó.

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi can thiệp vào việc xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc của Thẩm phán, Hội thẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

(7) Tòa án nhân dân xét xử tập thể và quyết định theo đa số, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn. (Điều 12)

Tòa án nhân dân xét xử tập thể và quyết định theo đa số, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn. Thành phần Hội đồng xét xử theo quy định của luật.

(8) Tranh tụng trong xét xử được bảo đảm. (Điều 13)

Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm. Tòa án có trách nhiệm bảo đảm cho người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng thực hiện quyền tranh tụng theo quy định của luật.

(9) Bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự. (Điều 14)

- Quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự được bảo đảm. Bị can, bị cáo có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa; bị hại, đương sự trong vụ án có quyền tự mình hoặc nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

- Tòa án có trách nhiệm bảo đảm quyền tự bào chữa, được bào chữa, được trợ giúp pháp lý, được có người đại diện của bị can, bị cáo theo quy định của luật.

Tòa án có trách nhiệm bảo đảm cho bị hại, đương sự thực hiện quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

(10) Tòa án chịu sự giám sát của Nhân dân, Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận. (Điều 21)

- Nhân dân giám sát hoạt động của Tòa án và thực hiện các quyền yêu cầu, đề nghị, kiến nghị với Tòa án theo quy định của pháp luật.

- Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận giám sát hoạt động của Tòa án theo quy định của luật. Việc giám sát hoạt động của Tòa án để bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật, kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động của Tòa án; bảo đảm không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của Tòa án, việc xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc của Thẩm phán, Hội thẩm.

Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025 và thay thế Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,439

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]