Cập nhật mới nhất Dự thảo Nghị định về quản lý dự án đầu tư xây dựng (thay thế Nghị định 15/2021/NĐ-CP)
Thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định 53/QĐ-TTg năm 2024 ban hành chương trình công tác năm 2024 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; trong đó giao Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản 410/TTg-CN ngày 12/6/2024 về thực hiện xây dựng Nghị định theo trình tự rút gọn.
Bộ Xây dựng đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng đúng trình tự, thủ tục quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 (sửa đổi 2020).
Dự thảo Nghị định |
Cụ thể, Dự thảo Nghị định này quy định chi tiết thi hành một số điều, khoản của Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi 2020) về: lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh dự án, quản lý dự án đầu tư xây dựng; khảo sát xây dựng, lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh thiết kế xây dựng; cấp giấy phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng; xây dựng công trình đặc thù và thực hiện dự án đầu tư xây dựng tại nước ngoài; quản lý năng lực hoạt động xây dựng.
Dự thảo Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước; tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động đầu tư xây dựng trên lãnh thổ Việt Nam.
Các tổ chức, cá nhân trong nước hoạt động đầu tư xây dựng tại nước ngoài thực hiện theo quy định riêng tại Mục 2 Chương V Dự thảo Nghị định này và các quy định pháp luật có liên quan.
Đối với dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài thực hiện theo quy định của Dự thảo Nghị định này và pháp luật về quản lý sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; trường hợp quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác hoặc không được quy định tại Nghị định này mà quy định tại điều ước quốc tế thì áp dụng theo điều ước quốc tế.
Về việc phân loại dự án đầu tư xây dựng:
Dự kiến, dự án đầu tư xây dựng theo quy định tại Điều 49 Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi 2020), được phân loại nhằm quản lý các hoạt động xây dựng theo quy định tại Dự thảo Nghị định này như sau:
- Theo công năng phục vụ, tính chất chuyên ngành, mục đích quản lý của dự án và các công trình thuộc dự án, dự án đầu tư xây dựng được phân loại theo quy định tại Phụ lục IX Dự thảo Nghị định này.
- Theo nguồn vốn sử dụng, hình thức đầu tư, dự án đầu tư xây dựng được phân loại gồm: dự án sử dụng vốn đầu tư công, dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công, dự án PPP và dự án sử dụng vốn khác. Dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn hỗn hợp gồm nhiều nguồn vốn nêu trên được phân loại như sau:
+ Dự án sử dụng một phần vốn đầu tư công là dự án đầu tư công, được quản lý theo pháp luật về đầu tư công;
+ Dự án PPP có sử dụng vốn đầu tư công được quản lý theo quy định của pháp luật về PPP;
+ Dự án sử dụng vốn hỗn hợp bao gồm vốn nhà nước ngoài đầu tư công và vốn khác: trường hợp có tỷ lệ vốn nhà nước ngoài đầu tư công lớn hơn 30% hoặc trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư thì được quản lý theo các quy định đối với dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công; trường hợp còn lại được quản lý theo quy định đối với dự án sử dụng vốn khác.
Tỷ lệ vốn nhà nước ngoài đầu tư công do người quyết định đầu tư xem xét quyết định làm cơ sở lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng.
- Dự án đầu tư xây dựng công trình chỉ cần lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng, gồm:
+ Dự án đầu tư xây dựng sử dụng cho mục đích tôn giáo;
+ Dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp có tổng mức đầu tư không quá 20 tỷ đồng (không bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, tiền sử dụng đất);
+ Dự án đầu tư xây dựng nhóm C nhằm mục đích bảo trì, duy tu, bảo dưỡng;
+ Dự án nạo vét, duy tu luồng hàng hải công cộng, đường thủy nội địa;
+ Dự án đầu tư xây dựng có nội dung chủ yếu là mua sắm hàng hóa, cung cấp dịch vụ, lắp đặt thiết bị hoặc dự án sửa chữa, cải tạo không ảnh hưởng đến an toàn chịu lực công trình có chi phí xây dựng (không bao gồm chi phí thiết bị) dưới 10% tổng mức đầu tư và không quá 10 tỷ đồng (trừ dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư);
+ Người quyết định đầu tư được quyết định việc lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng đối với các dự án quy định tại điểm a, b, c, d và đ khoản này khi dự án có yêu cầu đặc thù về kỹ thuật xây dựng hoặc thiết kế công nghệ cần lập thiết kế cơ sở; các dự án này không thuộc trường hợp phải thẩm định tại cơ quan chuyên môn về xây dựng.
Người quyết định đầu tư có trách nhiệm tổ chức thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở, đảm bảo các nội dung thẩm định tuân thủ theo quy định pháp luật.
Dự kiến, khi ban hành, Dự thảo Nghị định này sẽ có hiệu lực từ ngày ký và thay thế Nghị định 15/2021/NĐ-CP; Điều 12, điểm từ Phụ lục VI, Phụ lục VII Nghị định 35/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng; Nghị định 53/2017/NĐ-CP quy định một số giấy tờ hợp pháp đất đai để cấp giấy phép xây dựng.
Các quy định trước đây của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương trái với Dự thảo Nghị định này đều bãi bỏ.