Quy định về thi công công trình trên đường bộ đang khai thác theo Luật mới

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
25/07/2024 23:00 PM

Luật Đường bộ 2024 đã được Quốc hội thông qua, có quy định về thi công công trình trên đường bộ đang khai thác từ ngày 01/01/2025.

Quy định về thi công công trình trên đường bộ đang khai thác theo Luật mới

Quy định về thi công công trình trên đường bộ đang khai thác theo Luật mới (Hình từ internet)

Ngày 27/6/2024, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Đường bộ 2024, với nhiều quy định mới được áp dụng trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Quy định về thi công công trình trên đường bộ đang khai thác theo Luật Đường bộ 2024

Theo Điều 32 Luật Đường bộ 2024 đã quy định về thi công công trình trên đường bộ đang khai thác như sau:

- Thi công công trình trên đường bộ đang khai thác bao gồm: xây dựng, nâng cấp, mở rộng, cải tạo, sửa chữa đường bộ đang khai thác; thi công xây dựng công trình hạ tầng trong phạm vi đất dành cho đường bộ; thi công xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung trong phạm vi đất dành cho đường bộ; xây dựng, lắp đặt biển thông tin cổ động, tuyên truyền chính trị.

- Tổ chức, cá nhân chỉ được thi công công trình trên đường bộ đang khai thác khi có giấy phép thi công công trình trên đường bộ đang khai thác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 32 Luật Đường bộ 2024.

- Các trường hợp thi công trên đường bộ đang khai thác không phải cấp giấy phép thi công bao gồm:

+ Thi công công trình bí mật nhà nước;

+ Thi công trong phạm vi đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ đối với dự án đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo công trình đường bộ do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư; dự án đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo công trình đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định đầu tư trên các tuyến đường bộ thuộc phạm vi quản lý;

+ Thi công trên đường chuyên dùng;

+ Thi công trên đường thôn; đường ngõ, ngách, kiệt, hẻm trong đô thị;

+ Bảo hành, bảo dưỡng công trình đường bộ; sửa chữa cấp bách đường bộ để khắc phục hậu quả thiên tai, bão, lũ; cứu hộ, cứu nạn giao thông và các trường hợp cấp bách khác;

+ Thi công sửa chữa, thay thế các bộ phận, hạng mục, thiết bị khi đáp ứng đồng thời các điều kiện: không đào, khoan, xẻ công trình đường bộ; không ảnh hưởng đến chất lượng, tải trọng, khổ giới hạn đường bộ; không gây ùn tắc giao thông; không thu hẹp phạm vi mặt đường dành cho giao thông; không phải điều chỉnh, phân luồng, phân làn giao thông;

+ Thi công trên đường bộ đang khai thác mà cơ quan cấp phép tự thực hiện hoặc là chủ đầu tư dự án thi công trên đường bộ đang khai thác; cơ quan cấp phép trực thuộc chủ đầu tư dự án;

+ Thi công ở nơi đường bộ giao nhau đồng mức với đường sắt hoặc thi công trên mặt cầu đường bộ đi chung với đường sắt đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép theo quy định của pháp luật về đường sắt;

+ Xây dựng công trình trong hành lang an toàn đường bộ đáp ứng đồng thời các quy định: không làm ảnh hưởng tầm nhìn xe chạy, an toàn giao thông, không sử dụng đất của đường bộ và công trình đường bộ làm mặt bằng thi công và đã được chấp thuận xây dựng theo quy định tại khoản 3 Điều 19 của Luật Đường bộ 2024;

+ Xử lý cấp bách bảo đảm an toàn đê điều, công trình phòng, chống thiên tai;

+ Trường hợp đã được cấp phép xây dựng và đã có phương án bảo đảm giao thông trên đường đang khai thác được cơ quan quản lý đường bộ chấp thuận.

- Đối với trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 32 Luật Đường bộ 2024, trong quá trình thi công, tổ chức, cá nhân thi công trên đường bộ đang khai thác thực hiện đầy đủ quy định trong giấy phép thi công; phải bố trí người cảnh báo, hướng dẫn giao thông, bố trí báo hiệu, rào chắn tạm thời tại nơi thi công và thực hiện các biện pháp bảo đảm giao thông, bảo vệ môi trường và các nội dung khác; người tham gia các hoạt động thi công, bảo trì trên đường bộ đang khai thác phải mặc trang phục bảo hộ lao động có báo hiệu an toàn; máy móc thi công phải lắp thiết bị cảnh báo trên phương tiện.

- Đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 32 Luật Đường bộ 2024, tổ chức, cá nhân thi công trên đường bộ đang khai thác có trách nhiệm bảo đảm an toàn giao thông, an toàn công trình đường bộ, đồng thời gửi biện pháp bảo đảm an toàn giao thông, an toàn công trình trước khi thi công trên đường bộ đang khai thác đến cơ quan quản lý đường bộ để kiểm tra, giám sát. Cơ quan quản lý đường bộ có trách nhiệm xử lý hoặc kiến nghị xử lý theo thẩm quyền nếu việc thi công gây mất an toàn giao thông, an toàn công trình.

- Tổ chức, cá nhân thi công trên đường bộ đang khai thác vi phạm giấy phép thi công, gây ùn tắc giao thông, mất an toàn giao thông, ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng, tài sản của người tham gia giao thông đường bộ, gây hư hỏng, hủy hoại công trình đang khai thác, vi phạm quy định về bảo vệ môi trường và các hành vi vi phạm pháp luật khác phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

- Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục, nội dung cấp giấy phép thi công công trình trên đường bộ đang khai thác; trách nhiệm cung cấp thông tin và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, an toàn khi thi công.

Xem thêm tại Luật Đường bộ 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025, trừ điểm a và điểm b khoản 2 Điều 42, Điều 43, Điều 50, khoản 1 Điều 84 Luật Đường bộ 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/10/2024.

Luật Giao thông đường bộ 2008 hết hiệu lực kể từ ngày Luật Đường bộ 2024 có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp quy định tại Điều 86 Luật Đường bộ 2024.

Lê Nguyễn Anh Hào

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,843

Bài viết về

lĩnh vực Giao thông - Vận tải

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]