Đã có dự thảo Thông tư quy định về quy trình xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai mới nhất
Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố dự thảo Thông tư quy định về quy trình xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, dự kiến sẽ thay thế Thông tư 05/2017/TT-BTNMT về quy trình xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, nhằm phù hợp với quy định của Luật Đất đai 2024 sắp có hiệu lực từ ngày 01/8/2024.
Cụ thể, dự thảo Thông tư đã quy định về quy trình kỹ thuật xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai gồm: Cơ sở dữ liệu địa chính; cơ sở dữ liệu điều tra, đánh giá, bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất; cơ sở dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; cơ sở dữ liệu giá đất; cơ sở dữ liệu thống kê, kiểm kê đất đai; cơ sở dữ liệu khác liên quan đến đất đai.
* Về các thành phần của cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai
(1) Cơ sở dữ liệu đất đai do cơ quan Trung ương tổ chức xây dựng gồm:
- Cơ sở dữ liệu điều tra, đánh giá, bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất cấp vùng và cả nước;
- Cơ sở dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia;
- Cơ sở dữ liệu giá đất;
- Cơ sở dữ liệu thống kê, kiểm kê đất đai cả nước, vùng;
- Cơ sở dữ liệu khác liên quan đến đất đai, bao gồm:
+ Dữ liệu về hồ sơ đất đai tại trung ương;
+ Dữ liệu địa chỉ số của thửa đất, tài sản gắn liền với đất;
+ Dữ liệu thông tin về kết quả đo đạc lập bản đồ địa chính;
+ Dữ liệu tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở và được giao, thuê đất tại Việt Nam;
+ Dữ liệu về Giấy chứng nhận bị thu hồi, huỷ, mất, sai, hỏng và phôi Giấy chứng nhận;
+ Dữ liệu về các tổ chức vi phạm pháp luật về đất đai.
(2) Cơ sở dữ liệu đất đai do tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức xây dựng gồm:
- Cơ sở dữ liệu địa chính: Dữ liệu về lập, chỉnh lý bản đồ địa chính, đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (sau đây gọi là Giấy chứng nhận), sổ địa chính và các tài liệu liên quan khác;
- Cơ sở dữ liệu điều tra, đánh giá, bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất: Dữ liệu về điều tra, đánh giá, bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất cấp tỉnh; dữ liệu theo chuyên đề;
- Cơ sở dữ liệu giá đất: Dữ liệu về vùng giá trị; dữ liệu về thửa đất chuẩn; dữ liệu về bảng giá đất; dữ liệu về quyết định giá đất; dữ liệu về giá thửa đất;
- Cơ sở dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất: Dữ liệu về bản đồ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bản đồ điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, báo cáo thuyết minh tổng hợp, bản đồ hiện trạng sử dụng đất của cấp tỉnh, cấp huyện;
- Cơ sở dữ liệu thống kê, kiểm kê đất đai: Dữ liệu báo cáo, biểu, bảng số liệu thống kê, kiểm kê đất đai, bản đồ hiện trạng sử dụng đất cấp xã, huyện, tỉnh; dữ liệu về quản lý sử dụng đất theo chuyên đề.
* Về quy trình thu thập tài liệu, dữ liệu để xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai
- Tài liệu, dữ liệu thu thập cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính gồm:
+ Bản đồ địa chính mới nhất dạng số (hoặc dạng giấy đối với những khu vực không có bản đồ địa chính dạng số) và các loại tài liệu đo đạc khác đã sử dụng để cấp Giấy chứng nhận (bản đồ giải thửa, sơ đồ, trích đo địa chính).
+ Sổ mục kê, sổ địa chính, sổ cấp Giấy chứng nhận, sổ đăng ký biến động, bản lưu Giấy chứng nhận.
+ Hồ sơ đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất.
+ Hồ sơ giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất.
+ Bản đồ hiện trạng sử dụng đất cấp xã (dạng số) của kỳ kiểm kê gần nhất.
+ Đơn đăng ký đã được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận đối với trường hợp cơ quan có thẩm quyền tổ chức việc đăng ký đất đai trong thời gian xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính nhưng đã hết thời gian xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính mà chưa hoàn thành việc đăng ký đất đai.
- Tài liệu, dữ liệu sau khi được thu thập phải được lập thành Biểu tổng hợp tài liệu thu thập để triển khai các bước tiếp theo, được lập theo Phụ lục số 01 kèm theo dự thảo Thông tư.
Xem thêm nội dung tại dự thảo Thông tư.
Lê Nguyễn Anh Hào