Hướng dẫn giải quyết tình huống đột xuất gây mất trật tự, an toàn giao thông trên đường bộ từ 01/01/2025 (Hình từ Internet)
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 được Quốc hội thông qua vào ngày 27/6/2024.
Theo Điều 76 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 thì việc giải quyết tình huống đột xuất gây mất trật tự, an toàn giao thông trên đường bộ được quy định như sau:
- Tình huống đột xuất gây mất trật tự, an toàn giao thông trên đường bộ bao gồm: ùn tắc giao thông; tai nạn giao thông đường bộ; hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; thiên tai, cháy, nổ gây mất an toàn giao thông đường bộ; tình huống phức tạp về an ninh, trật tự trên đường bộ.
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi phát hiện tình huống quy định tại khoản 1 Điều 76 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 kịp thời báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc cơ quan quản lý đường bộ; trường hợp phát hiện vụ tai nạn giao thông đường bộ phải báo ngay cho cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 1 Điều 81 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024; trường hợp tình huống đột xuất có thể gây mất an toàn cho người, phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải thực hiện biện pháp cảnh báo an toàn ngay cho người tham gia giao thông đường bộ biết.
- Cơ quan Công an, cơ quan quản lý đường bộ khi phát hiện hoặc tiếp nhận thông tin về tình huống quy định tại khoản 1 Điều 76 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024, theo chức năng, nhiệm vụ của mình, có trách nhiệm sau đây:
+ Tổ chức ngay lực lượng đến nơi xảy ra tình huống đột xuất để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ tại nơi xảy ra tình huống;
+ Thực hiện các biện pháp quy định tại khoản 2 Điều 74 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024;
+ Khắc phục kịp thời các hư hỏng về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ gây mất trật tự, an toàn giao thông đường bộ;
+ Trường hợp vượt quá khả năng, thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ phải kịp thời thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để giải quyết;
+ Thực hiện các biện pháp khác theo quy định của pháp luật.
Việc giải quyết, khắc phục ùn tắc giao thông trên đường bộ được quy định tại Điều 78 Trật Tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 như sau:
- Khi xảy ra tình huống đột xuất ùn tắc giao thông, Cảnh sát giao thông phải tiến hành các biện pháp giải quyết theo quy định tại khoản 3 Điều 76 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024.
- Khi xuất hiện ùn tắc giao thông, phải tiến hành các biện pháp sau đây:
+ Cơ quan Cảnh sát giao thông có phương án chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ; xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết, phòng ngừa ùn tắc giao thông;
+ Cơ quan quản lý đường bộ chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan xác định nguyên nhân của ùn tắc giao thông; có biện pháp giải quyết theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết;
+ Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm phối hợp với cơ quan Cảnh sát giao thông, cơ quan quản lý đường bộ thực hiện các biện pháp phòng ngừa, giải quyết, khắc phục ùn tắc giao thông.
Xem thêm Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025, trừ khoản 3 Điều 10 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2026.
Luật Giao thông đường bộ 2008 (đã được sửa đổi, bổ sung) hết hiệu lực kể từ ngày Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 5 và 6 Điều 89 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024.
Nghị quyết 73/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô hết hiệu lực kể từ ngày Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 89 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024.
Võ Tấn Đại