07 chính sách mới với công chức và viên chức có hiệu lực từ tháng 08/2024

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
29/07/2024 08:51 AM

Sau đây là các chính sách mới với công chức và viên chức bắt đầu có hiệu lực từ tháng 08/2024.

07 chính sách mới với công chức và viên chức có hiệu lực từ tháng 08/2024

07 chính sách mới với công chức và viên chức có hiệu lực từ tháng 08/2024 (Hình từ Internet)

1. Bổ sung quy định về tỷ lệ ngạch công chức từ ngày 15/8/2024

Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Thông tư 04/2024/TT-BNV ngày 27/6/2024 sửa đổi Thông tư 13/2022/TT-BNV hướng dẫn việc xác định cơ cấu ngạch công chức, có hiệu lực từ ngày 15/8/2024.

Thông tư 04/2024/TT-BNV đã bổ sung các Điều 2a, Điều 2b, Điều 2c và Điều 2d vào sau Điều 2 Thông tư 13/2022/TT-BNV về tỷ lệ ngạch công chức như sau:

(1) Tỷ lệ ngạch công chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc, trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ

- Đối với tổ chức cấp vụ và tương đương thuộc, trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ:

+ Ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương: Tối đa 40%;

+ Ngạch chuyên viên chính và tương đương: Tối đa 40%;

+ Ngạch chuyên viên và tương đương, cán sự và tương đương, nhân viên và tương đương: Tỷ lệ phần trăm (%) các ngạch còn lại.

- Đối với tổ chức thuộc, trực thuộc tổng cục:

+ Đối với tổ chức cấp vụ và tương đương thuộc tổng cục

Ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương: Tối đa 30%;

Ngạch chuyên viên chính và tương đương: Tối đa 50%;

Ngạch chuyên viên và tương đương, cán sự và tương đương, nhân viên và tương đương: Tỷ lệ % các ngạch còn lại.

+ Đối với tổ chức trực thuộc tổng cục được tổ chức tại địa phương theo ngành dọc

Ngạch chuyên viên chính và tương đương: Tối đa 40%;

Ngạch chuyên viên và tương đương, cán sự và tương đương, nhân viên và tương đương: Tỷ lệ % các ngạch còn lại.

(2) Tỷ lệ ngạch công chức của cơ quan chuyên môn và cơ quan, tổ chức hành chính thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

- Đối với các cơ quan chuyên môn và cơ quan, tổ chức hành chính thuộc Ủy ban nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương:

+ Ngạch chuyên viên chính và tương đương: Tối đa 50%;

+ Ngạch chuyên viên và tương đương, cán sự và tương đương, nhân viên và tương đương: Tỷ lệ % các ngạch còn lại.

- Đối với các cơ quan chuyên môn và cơ quan, tổ chức hành chính thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh trực thuộc Trung ương:

+ Ngạch chuyên viên chính và tương đương: Tối đa 40%;

+ Ngạch chuyên viên và tương đương, cán sự và tương đương, nhân viên và tương đương: Tỷ lệ % các ngạch còn lại.

(3) Tỷ lệ ngạch công chức của cơ quan chuyên môn và cơ quan, tổ chức hành chính thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện

Công chức của các cơ quan chuyên môn và cơ quan, tổ chức hành chính thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện giữ các ngạch chuyên viên và tương đương, cán sự và tương đương, nhân viên và tương đương phù hợp với tiêu chuẩn, điều kiện của vị trí việc làm.

(4) Tỷ lệ ngạch công chức của cơ quan, tổ chức khác

Đối với các cơ quan, tổ chức được thành lập theo quy định của Đảng, của pháp luật, được cấp có thẩm quyền giao biên chế công chức nhưng không thuộc đối tượng tại (1), (2) và (3) mục này thì người đứng đầu cơ quan quản lý công chức quyết định áp dụng tỷ lệ % ngạch công chức quy định tại (1), (2) và (3) mục này phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và quy mô hoạt động của cơ quan sử dụng công chức.

2. Tiêu chuẩn xét thăng hạng lên hạng II và lên hạng I đối với viên chức hành chính

Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Thông tư 05/2024/TT-BNV ngày 27/6/2024 quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng lên hạng II và hạng I đối với viên chức hành chính, viên chức văn thư, viên chức lưu trữ; xếp lương đối với người được tuyển dụng, tiếp nhận vào viên chức, có hiệu lực từ ngày 15/8/2024.

Theo đó, tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng lên hạng II và lên hạng I đối với viên chức hành chính, viên chức văn thư, viên chức lưu trữ như sau:

- Viên chức hành chính xét thăng hạng lên hạng II khi đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau:

+ Các tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 32 Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức (sửa đổi tại khoản 16 Điều 1 Nghị định 85/2023/NĐ-CP);

+ Đề án vị trí việc làm của đơn vị sự nghiệp công lập được xây dựng, phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật có vị trí việc làm của chức danh viên chức dự xét thăng hạng;

+ Được cấp có thẩm quyền cử dự xét thăng hạng;

+ Có thời gian giữ chức danh chuyên viên và tương đương từ đủ 09 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc). Trường hợp có thời gian tương đương với chức danh chuyên viên thì thời gian giữ chức danh chuyên viên tối thiểu 01 năm (đủ 12 tháng) tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký xét thăng hạng (nếu có thời gian giữ chức danh chuyên viên không liên tục thì được cộng dồn);

+ Trong thời gian giữ chức danh chuyên viên và tương đương được cấp có thẩm quyền cử dự xét thăng hạng xác nhận bằng văn bản (kèm theo hồ sơ) có một trong các nhiệm vụ khoa học sau:

Tham gia xây dựng quy chế, quy định, quy trình kỹ thuật thuộc ngành, lĩnh vực, cơ quan, đơn vị nơi công tác đã được ban hành và được người đứng đầu cơ quan, đơn vị được giao thực hiện xác nhận;

Tham gia nhiệm vụ khoa học và công nghệ từ cấp cơ sở trở lên đã được nghiệm thu và đánh giá đạt yêu cầu;

Tham gia xây dựng đề án, văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành và được người đứng đầu cơ quan, đơn vị được giao thực hiện xác nhận;

+ Trong thời gian giữ chức danh chuyên viên và tương đương có một trong các thành tích công tác sau:

Có thành tích trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được tặng bằng khen của Bộ, ban, ngành, tỉnh trở lên;

Có ít nhất 02 năm công tác được đánh giá, xếp loại chất lượng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

- Viên chức hành chính xét thăng hạng lên hạng I khi đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau:

+ Có đủ các điều kiện quy định tại điểm a, điểm b và điểm c khoản 1 Điều 3 Thông tư 05/2024/TT-BNV;

+ Có thời gian giữ chức danh chuyên viên chính và tương đương từ đủ 06 năm trở lên. Trường hợp có thời gian tương đương với chức danh chuyên viên chính thì thời gian giữ chức danh chuyên viên chính tối thiểu 01 năm (đủ 12 tháng) tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký xét thăng hạng (nếu thời gian giữ chức danh chuyên viên chính không liên tục thì được cộng dồn);

+ Trong thời gian giữ chức danh chuyên viên chính và tương đương được cấp có thẩm quyền cử dự xét thăng hạng xác nhận bằng văn bản (kèm theo hồ sơ) có một trong các nhiệm vụ khoa học sau:

Chủ trì xây dựng quy chế, quy định, quy trình kỹ thuật thuộc ngành, lĩnh vực, cơ quan, đơn vị nơi công tác đã được ban hành và được người đứng đầu cơ quan, đơn vị được giao thực hiện xác nhận;

Chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ từ cấp cơ sở trở lên đã được nghiệm thu và đánh giá đạt yêu cầu;

Tham gia xây dựng đề án, văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành và được người đứng đầu cơ quan, đơn vị được giao thực hiện xác nhận;

+ Trong thời gian giữ chức danh chuyên viên chính và tương đương có một trong các thành tích sau:

Có thành tích trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ hoặc đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua Bộ, ban, ngành, tỉnh trở lên;

Có ít nhất 03 năm công tác được đánh giá, xếp loại chất lượng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

- Viên chức văn thư xét thăng hạng lên hạng II khi đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau:

+ Có đủ các điều kiện quy định tại điểm a, điểm b và điểm c khoản 1 Điều 3 Thông tư 05/2024/TT-BNV;

+ Có thời gian giữ chức danh văn thư viên và tương đương từ đủ 09 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc). Trường hợp có thời gian tương đương với chức danh văn thư viên thì thời gian giữ chức danh văn thư viên tối thiểu 01 năm (đủ 12 tháng) tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký xét thăng hạng (nếu thời gian giữ chức danh văn thư viên không liên tục thì được cộng dồn);

+ Trong thời gian giữ chức danh văn thư viên và tương đương có một trong các thành tích công tác sau:

Có thành tích trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được tặng bằng khen của Bộ, ban, ngành, tỉnh trở lên;

Có ít nhất 02 năm công tác được đánh giá, xếp loại chất lượng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

- Viên chức lưu trữ xét thăng hạng lên hạng II khi đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau:

+ Có đủ các điều kiện quy định tại điểm a, điểm b và điểm c khoản 1 Điều 3 Thông tư 05/2024/TT-BNV;

+ Có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp lưu trữ viên và tương đương từ đủ 09 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc). Trường hợp có thời gian tương đương với chức danh nghề nghiệp lưu trữ viên thì thời gian giữ chức danh nghề nghiệp lưu trữ viên tối thiểu 01 năm (đủ 12 tháng) tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký xét thăng hạng (nếu thời gian giữ chức danh nghề nghiệp lưu trữ viên không liên tục thì được cộng dồn);

+ Trong thời gian giữ chức danh lưu trữ viên và tương đương được cấp có thẩm quyền cử dự xét thăng hạng xác nhận bằng văn bản (kèm theo hồ sơ) có một trong các thành tích công tác sau:

Có ít nhất 01 công trình nghiên cứu về lĩnh vực lưu trữ hoặc các lĩnh vực có liên quan: Chủ trì xây dựng đề án chuyên môn, đề tài nghiên cứu khoa học từ cấp cơ sở trở lên được cấp có thẩm quyền nghiệm thu và đánh giá đạt yêu cầu; tác giả của bài báo khoa học về lưu trữ đã công bố trên tạp chí khoa học được tính điểm; tác giả của sáng kiến về lĩnh vực lưu trữ áp dụng có hiệu quả vào hoạt động của cơ quan, đơn vị được cấp có thẩm quyền công nhận; biên soạn sách về lĩnh vực lưu trữ và các lĩnh vực có liên quan đã được xuất bản;

Có thành tích trong hoạt động nghề nghiệp lưu trữ được tặng bằng khen của Bộ, ban, ngành, tỉnh trở lên.

- Trường hợp viên chức được cấp có thẩm quyền quyết định cử dự xét thăng hạng theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 3 Thông tư 05/2024/TT-BNV thì được xác định là đáp ứng yêu cầu về năng lực của hạng chức danh nghề nghiệp dự xét (bao gồm cả kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, sử dụng ngoại ngữ hoặc sử dụng tiếng dân tộc thiểu số).

3. Hướng dẫn xếp lương với người được tuyển dụng, tiếp nhận vào viên chức kể từ ngày 07/12/2023

Đây cũng là nội dung được quy định tại Thông tư 05/2024/TT-BNV ngày 27/6/2024 quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng lên hạng II và hạng I đối với viên chức hành chính, viên chức văn thư, viên chức lưu trữ; xếp lương đối với người được tuyển dụng, tiếp nhận vào viên chức, có hiệu lực từ ngày 15/8/2024.

Theo đó, việc xếp lương đối với người được tuyển dụng, tiếp nhận vào viên chức kể từ ngày 07/12/2023 như sau:

(1) Trường hợp đang xếp lương theo các bảng lương quy định của nhà nước thì việc xếp lương tương ứng với từng trường hợp được tuyển dụng, tiếp nhận vào viên chức thực hiện như sau:

- Trường hợp đang xếp lương theo bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ của công chức hoặc viên chức quy định tại Nghị định 204/2004/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 76/2009/NĐ-CP, Nghị định 14/2012/NĐ-CP, Nghị định 17/2013/NĐ-CPNghị định 117/2016/NĐ-CP) thì thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 2 Mục II Thông tư 02/2007/TT-BNV hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức;

- Trường hợp đang xếp lương theo bảng lương cấp bậc quân hàm sĩ quan quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan công an nhân dân và cơ yếu hoặc đang xếp lương theo bảng lương quân nhân chuyên nghiệp thuộc quân đội nhân dân và chuyên môn kỹ thuật thuộc công an nhân dân hoặc theo các bảng lương đối với người làm công tác cơ yếu thì thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 6, khoản 7 Mục III Thông tư 79/2005/TT-BNV hướng dẫn chuyển xếp lương đối với cán bộ, công chức, viên chức khi thay đổi công việc và các trường hợp được chuyển công tác từ lực lượng vũ trang, cơ yếu và công ty nhà nước vào làm việc trong các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước;

- Trường hợp là người giữ chức danh, chức vụ tại doanh nghiệp nhà nước được xếp lương theo hệ số mức lương của người quản lý công ty chuyên trách quy định tại Nghị định 52/2016/NĐ-CP quy định tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thì thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư 13/2018/TT-BNV sửa đổi khoản 8 Mục III Thông tư 79/2005/TT-BNV.

(2) Trường hợp đã xếp lương theo các bảng lương quy định của nhà nước, sau đó chuyển công tác ra khu vực tư (chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần) và có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì việc xếp lương tương ứng với từng trường hợp được tuyển dụng, tiếp nhận vào viên chức thực hiện như sau:

Căn cứ vào hệ số lương tại thời điểm chuyển công tác ra khu vực tư thực hiện việc chuyển xếp theo quy định tại (1) và thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc sau khi chuyển ra công tác ở khu vực tư được tính sau mỗi khoảng thời gian 03 năm (đủ 36 tháng) đối với trường hợp được bổ nhiệm vào chức danh viên chức xếp lương từ loại A0 trở lên hoặc sau mỗi khoảng thời gian 02 năm (đủ 24 tháng) đối với trường hợp được bổ nhiệm vào chức danh viên chức xếp lương loại B được xếp lên 01 bậc lương hoặc hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); số tháng chưa đủ 36 tháng (đối với viên chức xếp lương từ loại A0 trở lên) hoặc chưa đủ 24 tháng (đối với viên chức xếp lương loại B) còn lại được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương lần sau hoặc xét hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

(3) Trường hợp có thời gian công tác thuộc đối tượng hưởng lương có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo đúng quy định của pháp luật và không thuộc đối tượng tại (1) (2) mục này thì thực hiện xếp lương và xác định thời gian tương đương giữ hạng viên chức được bổ nhiệm khi tuyển dụng, tiếp nhận như sau:

- Về xếp lương:

Căn cứ vào tổng thời gian hưởng lương có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (nếu có thời gian không liên tục mà chưa hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần thì được cộng dồn) trừ đi thời gian tập sự tính theo quy định của chức danh nghề nghiệp được bổ nhiệm khi tuyển dụng, tiếp nhận, thời gian còn lại làm căn cứ để xếp lương ở chức danh nghề nghiệp được tuyển dụng, tiếp nhận như sau: Tính từ bậc 1 của chức danh nghề nghiệp viên chức được bổ nhiệm khi tuyển dụng, tiếp nhận, sau mỗi khoảng thời gian 03 năm (đủ 36 tháng) đối với trường hợp được bổ nhiệm vào chức danh viên chức xếp lương loại A0, loại A1 hoặc sau mỗi khoảng thời gian 02 năm (đủ 24 tháng) đối với trường hợp được bổ nhiệm vào chức danh viên chức xếp lương loại B được xếp lên 1 bậc lương.

Sau khi quy đổi thời gian để xếp vào bậc lương trong chức danh nghề nghiệp được bổ nhiệm khi tuyển dụng, tiếp nhận nêu trên, nếu có số tháng chưa đủ 36 tháng (đối với viên chức xếp lương loại A0, loại A1) hoặc chưa đủ 24 tháng (đối với viên chức xếp lương loại B) thì số tháng này được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương lần sau hoặc xét hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) trong chức danh được bổ nhiệm khi tuyển dụng, tiếp nhận.

- Về xác định thời gian tương đương giữ hạng viên chức được bổ nhiệm khi tuyển dụng, tiếp nhận:

Trường hợp có thời gian công tác thuộc đối tượng hưởng lương có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo đúng quy định của pháp luật được tính để xếp lương vào hạng viên chức được bổ nhiệm khi tuyển dụng, tiếp nhận quy định tại (3) thì thời gian tương đương giữ hạng viên chức được bổ nhiệm được tính kể từ ngày có cùng trình độ đào tạo hoặc có trình độ đào tạo cao hơn so với trình độ đào tạo theo yêu cầu của vị trí việc làm được tuyển dụng, tiếp nhận.

(4) Các trường hợp được tuyển dụng, tiếp nhận vào viên chức và được xếp lương theo quy định tại (1) (2) mục này nếu trong thời gian công tác trước đó có năm công tác được đánh giá, xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ hoặc bị kỷ luật mà chưa bị kéo dài thời gian nâng bậc lương theo quy định thì thời gian không được tính để xếp lương thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Thông tư 08/2013/TT-BNV (sửa đổi tại khoản 5 Điều 1 Thông tư 03/2021/TT-BNV).

4. Tiêu chuẩn xét thăng hạng lên hạng II với viên chức giữ chức danh nghề nghiệp các chuyên ngành tài nguyên và môi trường

Đây là nội dung tại Thông tư 06/2024/TT-BTNMT ngày 28/6/2024 quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức các chuyên ngành tài nguyên và môi trường do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành, có hiệu lực từ ngày 15/8/2024.

Cụ thể, viên chức giữ chức danh nghề nghiệp các chuyên ngành tài nguyên và môi trường được đăng ký dự xét thăng hạng lên hạng II khi đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau:

- Các tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 32 Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức (sửa đổi tại khoản 16 Điều 1 Nghị định 85/2023/NĐ-CP).

- Đề án vị trí việc làm của đơn vị sự nghiệp công lập được xây dựng, phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật có vị trí việc làm ứng với chức danh viên chức dự xét thăng hạng.

- Được cấp có thẩm quyền cử dự xét thăng hạng.

- Có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp hạng III ở chuyên ngành đăng ký dự xét hoặc tương đương từ đủ 09 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc). Trường hợp có thời gian tương đương với chức danh nghề nghiệp hạng III thì phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp hạng III ở chuyên ngành đăng ký dự xét tối thiểu 01 năm (12 tháng) tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký xét thăng hạng (nếu thời gian giữ chức danh nghề nghiệp hạng III ở chuyên ngành đăng ký dự xét không liên tục thì được cộng dồn).

- Trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp hạng III và tương đương được cấp có thẩm quyền cử dự xét thăng hạng xác nhận bằng văn bản (kèm theo hồ sơ) có một trong các thành tích công tác sau:

+ Chủ trì hoặc tham gia nhiệm vụ khoa học và công nghệ từ cấp cơ sở trở lên đã được cấp có thẩm quyền nghiệm thu và đánh giá đạt yêu cầu;

+ Chủ trì hoặc tham gia thực hiện đề án, dự án, chương trình, quy hoạch, kế hoạch, chiến lược thuộc ngành, lĩnh vực, cơ quan, đơn vị nơi công tác đã được cấp có thẩm quyền ban hành, thông qua, nghiệm thu ở mức đạt trở lên hoặc đưa vào sử dụng, được người đứng đầu cơ quan, đơn vị được giao chủ trì thực hiện xác nhận;

+ Chủ trì hoặc tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đã được cấp có thẩm quyền ban hành và được người đứng đầu cơ quan, đơn vị được giao chủ trì thực hiện xác nhận;

+ Chủ trì hoặc tham gia xây dựng quy chế, quy định, quy trình kỹ thuật hoặc văn bản hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ thuộc ngành, lĩnh vực, cơ quan, đơn vị nơi công tác đã được cấp có thẩm quyền ban hành và được người đứng đầu cơ quan, đơn vị được giao thực hiện xác nhận;

+ Có thành tích trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được tặng bằng khen của Bộ, ban, ngành, tỉnh trở lên hoặc có thành tích trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở trở lên.

5. Danh mục các lĩnh vực người có chức vụ không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ thuộc Bộ KH&ĐT

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư 12/2024/TT-BKHĐT ngày 28/6/2024 quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có hiệu lực từ ngày 16/8/2024.

Danh mục các lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thuộc lĩnh vực trước đây mình có trách nhiệm quản lý sau khi thôi giữ chức vụ, bao gồm:

(1) Quản lý nhà nước về đầu tư ra nước ngoài.

(2) Quản lý nhà nước về xúc tiến đầu tư.

(3) Quản lý nhà nước về thẩm định dự án.

(4) Quản lý nhà nước về đấu thầu.

(5) Quản lý nhà nước về lập, phân bổ, quản lý kế hoạch vốn.

(6) Quản lý nhà nước về quy hoạch.

(7) Quản lý nhà nước về khu công nghiệp - khu chế xuất - khu kinh tế.

(8) Quản lý nhà nước về phát triển doanh nghiệp và đăng ký kinh doanh.

(9) Quản lý nhà nước về ODA, vốn vay ưu đãi, viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức, viện trợ của Việt Nam cho các nước.

(10) Quản lý nhà nước về hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác.

(11) Quản lý nhà nước về thống kê.

(12) Chương trình, dự án, đề án do người thôi giữ chức vụ khi đang là cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp nghiên cứu, xây dựng hoặc thẩm định, phê duyệt thuộc các lĩnh vực được quy định tại (1), (2), (3), (4), (5), (6), (7), (8), (9), (10), (11) mục này.

6. Tiêu chuẩn, điều kiện chung xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp lên hạng II và lên hạng I viên chức chuyên ngành thư viện

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch ban hành Thông tư 02/2024/TT-BVHTTDL ngày 17/6/2024 quy định về tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thư viện, di sản văn hóa, văn hóa cơ sở, tuyên truyền viên văn hóa, mỹ thuật, nghệ thuật biểu diễn và điện ảnh, có hiệu lực từ ngày 01/8/2024.

Tiêu chuẩn, điều kiện chung xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp lên hạng II và lên hạng I viên chức chuyên ngành thư viện, di sản văn hóa, văn hóa cơ sở, tuyên truyền viên văn hóa, mỹ thuật, nghệ thuật biểu diễn và điện ảnh như sau:

- Tiêu chuẩn, điều kiện chung được đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thư viện, di sản văn hóa, văn hóa cơ sở, tuyên truyền viên văn hóa, mỹ thuật, nghệ thuật biểu diễn và điện ảnh:

+ Đơn vị sự nghiệp công lập có nhu cầu và có số lượng viên chức ứng với hạng chức danh nghề nghiệp dự xét thăng hạng còn thiếu theo yêu cầu của vị trí việc làm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

+ Viên chức đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại điểm a và b khoản 1 Điều 32 Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức (đã được sửa đổi theo quy định tại khoản 16 Điều 1 Nghị định 85/2023/NĐ-CP) và yêu cầu của vị trí việc làm tương ứng với hạng chức danh nghề dự xét quy định tại Thông tư 10/2023/TT-BVHTTDL hướng dẫn về vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch; được cấp có thẩm quyền cử tham dự kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

- Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp chuyên ngành mỹ thuật, nghệ thuật biểu diễn và điện ảnh được tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” hoặc được tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật được sử dụng một lần danh hiệu hoặc giải thưởng đó để dự xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề.

7. Tiêu chuẩn xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp lên hạng II và lên hạng I viên chức chuyên ngành thể dục thể thao

Đây là nội dung tại Thông tư 03/2024/TT-BVHTTDL quy định về tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thể dục thể thao do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành, có hiệu lực từ ngày 01/8/2024.

Theo đó, tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp lên hạng II và lên hạng I viên chức chuyên ngành thể dục thể thao như sau:

* Tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp huấn luyện viên chính (hạng II), mã số V.10.01.02

Viên chức được xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp huấn luyện viên chính (hạng II), mã số V.10.01.02 khi đáp ứng quy định tại Điều 2 Thông tư 03/2024/TT-BVHTTDL và các tiêu chuẩn, điều kiện sau:

- Đang giữ chức danh nghề nghiệp huấn luyện viên (hạng III), mã số V.10.01.03.

- Đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng và yêu cầu đối với viên chức dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp huấn luyện viên chính (hạng II), mã số V.10.01.02 quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 5 Thông tư 07/2022/TT-BVHTTDL quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành thể dục thể thao.

* Tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp huấn luyện viên cao cấp (hạng I), mã số V.10.01.01

Viên chức được xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp huấn luyện viên cao cấp (hạng I), mã số V.10.01.01 khi đáp ứng quy định tại Điều 2 Thông tư 03/2024/TT-BVHTTDL và các tiêu chuẩn, điều kiện sau:

- Đang giữ chức danh nghề nghiệp huấn luyện viên chính (hạng II), mã số V.10.01.02.

- Đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng và yêu cầu đối với viên chức dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp huấn luyện viên cao cấp (hạng I), mã số V.10.01.01 quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 4 Thông tư 07/2022/TT-BVHTTDL.


 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 27,372

Bài viết về

Cán bộ, công chức, viên chức

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]