Bảo đảm tỷ lệ nữ phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới trong Hội đồng Thẩm phán TANDTC

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
02/08/2024 17:15 PM

Bảo đảm tỷ lệ nữ phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới trong Hội đồng Thẩm phán TANDTC là nội dung được đề cập tại Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024.

Bảo đảm tỷ lệ nữ phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới trong Hội đồng Thẩm phán TANDTC (Hình từ internet)

Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 được Quốc hội thông qua vào ngày 24/6/2024.

Bảo đảm tỷ lệ nữ phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới trong Hội đồng Thẩm phán TANDTC

Theo đó, khoản 1, 2 Điều 48 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 thì số lượng thành viên Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao không ít hơn 13 người và không quá 17 người; gồm Chánh án, các Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao là Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và các Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Ngoài ra, phải bảo đảm tỷ lệ nữ phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới trong Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Theo đó, đây là nội dung mới được đề cập tại Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Thẩm phán TANDTC

Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

- Giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo quy định của luật;

- Tổng kết thực tiễn xét xử của các Tòa án, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử; ban hành nghị quyết hướng dẫn các Tòa án áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử;

- Phát hiện, kiến nghị về tính hợp hiến, hợp pháp của các văn bản quy phạm pháp luật trong xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc theo quy định của luật;

- Lựa chọn quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các Tòa án, tổng kết phát triển thành án lệ;

- Thảo luận, góp ý kiến đối với báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về công tác của Tòa án nhân dân để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước;

- Tham gia ý kiến đối với dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Tòa án nhân dân tối cao xây dựng;

- Thảo luận, góp ý kiến đối với dự thảo thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, dự thảo thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ theo quy định của luật.

(Khoản 3 Điều 48 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024)

Quy định về phiên họp của Hội đồng Thẩm phán TANDTC

Phiên họp toàn thể của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phải có ít nhất là hai phần ba tổng số thành viên tham gia; quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phải được quá nửa tổng số thành viên Hội đồng biểu quyết tán thành.

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Tư pháp có trách nhiệm tham dự phiên họp của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao khi thảo luận, thông qua nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Trong đó, quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là quyết định cao nhất, có hiệu lực pháp luật và không bị kháng nghị.

(Khoản 4 Điều 48 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024)

Quy định về việc tổ chức xét xử của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao

Việc tổ chức xét xử của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao được quy định tại Điều 49 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 như sau: 

- Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm bằng Hội đồng xét xử gồm 05 Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hoặc toàn thể Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

- Việc xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm bằng Hội đồng xét xử gồm 05 Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hoặc toàn thể Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao được thực hiện theo quy định của luật.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 425

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]