Xe điện sẽ được đăng ký cấp biển số, xử phạt như ôtô

11/04/2014 14:17 PM

Báo cáo kết quả thực hiện dự án thí điểm sử dụng xe điện phục vụ khách du lịch được triển khai ở 4 tỉnh thành trên cả nước, Bộ Giao thông Vận tải vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về lâu dài nên bổ sung loại hình xe điện là một phương tiện vận chuyển khách du lịch trong phạm vi hẹp và đưa vào quy định trong Luật Giao thông đường bộ.


Xe điện góp phần cải thiện môi trường du lịch và sẽ được nhân rộng ra các tỉnh thành. (Ảnh: TTXVN)

Để quản lý chặt chẽ và đáp ứng các yêu cầu pháp luật, Bộ Giao thông vận tải đề nghị Chính phủ giao Bộ Công an cấp đăng ký, biển số cho loại xe điện 4 bánh đồng thời xử phạt vi phạm hành chính đối với phương tiện này theo điều luật áp dụng như đối với xe ôtô chở người có chỗ ngồi tương ứng.

"Kéo” ngành du lịch phát triển

Theo báo cáo kết quả của 4 tỉnh, thành được thực hiện thí điểm xe điện 4 bánh (xe điện) chở khách thăm quan du lịch, gồm Thủ đô Hà Nội, thị xã Sầm Sơn (Thanh Hóa), thị xã Cửa Lò (Nghệ An) và Thành phố Đồng Hới (Quảng Bình), Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ nhìn nhận, xe điện đã tạo điều kiện cho du lịch phát triển đồng thời hạn chế và điều tiết xe máy, xích lô hoạt động tại những địa điểm du lịch, góp phần giải quyết bài toán đặc thù về trật tự giao thông và môi trường đô thị.

“Việc thí điểm loại hình phương tiện này không những tạo việc làm cho người lao động mà còn đóng góp vào ngân sách Nhà nước và làm phong phú thêm các tour du lịch, đẩy mạnh hoạt động kinh doanh dịch vụ thương mại trên địa bàn,” Thứ trưởng Lê Đình Thọ đánh giá.

Dẫn chứng, Hà Nội là địa phương đầu tiên thực hiện thí điểm xe điện ở khu phố cổ và Hồ Tây. Sau ba năm triển khai, xe điện được đông đảo nhân dân Thủ đô và du khách hoan nghênh đón nhận. Xe điện đã phục vụ hơn 1,2 triệu lượt khách, đạt doanh thu trên 20,4 tỷ đồng, đóng góp 8,8 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước.

Về mặt môi trường và trật tự giao thông đô thị, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho rằng, xe điện là loại phương tiện giao thông sử dụng công nghệ cao giúp tiết kiệm năng lượng và không gây tiếng ồn, khói, bụi khí thải gây ô nhiễm môi trường, từng bước xây dựng thói quen đi bộ và sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Đặc biệt, với kích thước nhỏ, tốc độ phù hợp trong đô thị (tối đa không quá 40km/giờ), loại hình xe ôtô điện rất phù hợp với kết cấu, kiến trúc giao thông đô thị, góp phần bảo tồn không gian kiến trúc văn hóa khu phố cổ Hà Nội, di sản văn hóa quốc gia.

Cụ thể, xe điện mỗi lượt hoạt động chuyên chở tối đa là 7 hành khách, do vậy đáp ứng được nhu cầu đi lại của các đoàn khách du lịch, hạn chế lượng xe máy, xích lô tham gia giao thông và khắc phục được tình trạng tắc nghẽn giao thông, tạo thêm một loại hình du lịch mang màu sắc riêng, góp phần bảo tồn, tôn vinh và quảng bá rất hiệu quả về giá trị văn hóa khu phố cổ…

Tương tự, tại thị xã Sầm Sơn (Thanh Hóa), Cửa Lò (Nghệ An), Đồng Hới (Quảng Bình), sau một thời gian hoạt động thí điểm cho thấy, xe điện đáp ứng được công tác bảo vệ môi trường, an toàn giao thông và tạo điều kiện việc làm cho người lao động, hạn chế được tình trạng xe máy tranh giành, chèn ép khách du lịch gây mất an toàn giao thông, góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch của tỉnh.

Đề cập đến việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhấn mạnh, xe điện góp phần giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách, từng bước xây dựng thói quen đi bộ và sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Đăng ký, cấp biển số và xử phạt như ôtô

Ngoài việc mang lại nhiều lợi ích kinh tế, văn hóa, xã hội, báo cáo của Bộ Giao thông vận tải cũng nhìn nhận, trong việc thí điểm xe điện, chưa quy định số lượng phương tiện tối đa được phép hoạt động tại một địa phương nên đã có địa phương cho đầu tư số lượng xe quá nhiều so với nhu cầu thực tế, dẫn đến việc kiểm soát và quản lý có nhiều bất cập (tỉnh Nghệ An, tỉnh Thanh Hóa).

“Thậm chí, một số địa phương như Đà Nẵng, Lào Cai... dù chưa được đồng ý cho phép thí điểm nhưng đã tự động đưa xe điện vào hoạt động, gây ra sự không đồng bộ trong thực hiện quy định của pháp luật,” Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định.

Do xe điện là loại hình mới, vì vậy, Bộ Giao thông vận tải cũng nêu ra một số phát sinh sau khi đưa loại hình xe điện này vào vận hành như cần phải được sửa đổi trong Luật Giao thông đường bộ vì loại xe này được coi là xe ôtô; quy định chi tiết phạm vi hoạt động cụ thể tuyến đường, lộ trình di chuyển và cần quy định về đối tượng được phép kinh doanh đối với xe điện chở khách du lịch....

Nhằm đảm bảo quản lý phương tiện chặt chẽ, đáp ứng các quy định của pháp luật, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về lâu dài cần cho phép bổ sung loại hình xe điện là một phương tiện vận chuyển khách du lịch trong phạm vi hẹp là các khu phố cổ, khu du lịch của nội thành, thị xã của các tỉnh, thành phố và đưa vào quy định trong Luật Giao thông đường bộ.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải cũng đề nghị Chính phủ giao Bộ Công an cấp đăng ký, biển số cho loại xe điện 4 bánh, xử lý vi phạm hành chính đối với loại xe này áp dụng theo quy định đối với xe ôtô chở số chỗ ngồi tương ứng.

Để đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch, góp phần điều tiết hợp lý phương tiện tại khu vực phố cổ thuộc trung tâm thành phố, thị xã, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có nhu cầu phục vụ khách du lịch bằng xe điện 4 bánh phải lập Dự án trình Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, số lượng tối đa không quá 150 xe.

Theo thống kê của Bộ Giao thông vận tải, 4 tỉnh thành Hà Nội, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Bình có tổng số 621 xe thí điểm hoạt động, trong đó tại Hà Nội có 50 xe, tỉnh Thanh Hóa 431 xe, Nghệ An có 110 xe và tỉnh Quảng Bình hiện đang chỉ đạo đơn vị thực hiện và đưa vào hoạt động từ quý II/2014 với số lượng 30 xe.

Thanh Ngoan

Theo VietnamPlus

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,672

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]