Các chuỗi và chùm đô thị của Việt Nam đến năm 2030

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
26/08/2024 19:06 PM

Tại Quyết định 891/QĐ-TTg năm 2024, có quy hoạch hệ thống các chuỗi và chùm đô thị của Việt Nam đến năm 2030.

Các chuỗi và chùm đô thị của Việt Nam đến năm 2030 (Hình từ internet)

Ngày 22/8/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 891/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Các chuỗi và chùm đô thị của Việt Nam đến năm 2030

Cụ thể, theo Quyết định 891/QĐ-TTg năm 2024, đã công bố Quy hoạch hệ thống đô thị đến năm 2030 với các danh mục các đô thị loại đặc biệt, loại I, loại II và loại III của 06 vùng trên cả nước.

Trong đó, về định hướng tổ chức không gian hệ thống đô thị, đã định hướng quy hoạch các chuỗi và chùm đô thị của Việt Nam đến năm 2030 như sau:

Tùy thuộc vào đặc điểm của điều kiện tự nhiên, các mối quan hệ và nguồn lực phát triển, các chuỗi và chùm đô thị được bố trí hợp lý tại các vùng kinh tế xã hội, vùng đô thị lớn; dọc hành lang biên giới, ven biển, hải đảo và trên các tuyến hành lang kinh tế Bắc - Nam, Đông - Tây, tạo mối liên kết hợp lý trong mỗi vùng và trên toàn bộ lãnh thổ quốc gia, gắn phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm an ninh, quốc phòng:

Vùng đồng bằng sông Hồng: Chùm đô thị Hà Nội với Thủ đô Hà Nội là trung tâm (vùng đô thị lớn Hà Nội); chuỗi đô thị ven biển phía Bắc với thành phố Hạ Long, Hải Phòng là trung tâm (vùng duyên hải Bắc Bộ);

Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ : Chùm, chuỗi đô thị Bắc Giang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Đồng Đăng, Bắc Kạn, Cao Bằng, với thành phố Thái Nguyên, Bắc Giang và Lạng Sơn là trung tâm (Vùng núi Đông Bắc Bộ); chùm, chuỗi đô thị Lào Cai, Sa Pa, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, Việt Trì, với thành phố Việt Trì và Lào Cai là trung tâm (Vùng núi Bắc Bắc Bộ); chuỗi đô thị Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Hòa Bình, với thành phố Hòa Bình và Điện Biên là trung tâm (Vùng núi Tây Bắc Bộ);

Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung: Chuỗi đô thị Thanh Hóa, Sầm Sơn, Nghi Sơn, Vinh (và Cửa Lò), Hoàng Mai, Hồng Lĩnh và Hà Tĩnh, với thành phố Thanh hóa và thành phố Vinh là trung tâm (Vùng Bắc Trung Bộ); chuỗi đô thị Ba Đồn, Đồng Hới, Đông Hà, Quảng Trị, Huế và Chân Mây; Đà Nẵng, Hội An, Tam Kỳ, Quảng Ngãi và Quy Nhơn, với thành phố Thừa Thiên Huế, thành phố Đà Nẵng và thành phố Quy Nhơn là trung tâm (Vùng Trung Trung Bộ); chuỗi đô thị Tuy Hoà, Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh, Phan Rang Tháp Chàm và Phan Thiết, với cụm đô thị Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh (thành phố Khánh Hòa) là trung tâm (Vùng Nam Trung Bộ);

Vùng Tây Nguyên: Chuỗi đô thị Kon Tum, Plâyku, Buôn Ma Thuột, Gia Nghĩa gắn với hành lang quốc lộ 14 với thành phố Buôn Ma Thuột là trung tâm; chùm đô thị Đà Lạt, Bảo Lộc, Di Linh với thành phố Đà Lạt là trung tâm;

Vùng Đông Nam Bộ: Chùm đô thị Thành phố Hồ Chí Minh với Thành phố Hồ Chí Minh (vùng đô thị lớn Thành phố Hồ Chí Minh);

Vùng đồng bằng sông Cửu Long: Chuỗi đô thị từ Cần Thơ đến Long An, định hướng đẩy mạnh đô thị hóa, công nghiệp hóa dọc các tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Mỹ An (Đồng Tháp) - Đức Hòa (Long An), tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Cần Thơ - Bến Lức (Long An) và khu vực dọc hành lang vận tải thủy nội địa Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ; chuỗi đô thị dọc sông Tiền - sông Hậu thành vùng đô thị đối trọng với vùng Thành phố Hồ Chí Minh; phát triển các đô thị: Cần Thơ, Long Xuyên, Cao Lãnh, Vĩnh Long thành điểm hội tụ của các hành lang phát triển trên hành lang vận tải quan trọng của vùng;

Dọc hành lang kinh tế Bắc - Nam: Hình thành các chùm, chuỗi đô thị trên tuyến hành lang kinh tế (i) vùng phía Đông gắn với cao tốc Bắc - Nam và quốc lộ 1A từ Lạng Sơn đến Cà Mau và vùng phía Tây, gắn với đường Hồ Chí Minh và cao tốc Bắc - Nam phía Tây; (ii) các vùng động lực có cảng hàng không quốc tế và cảng biển quốc tế, có tiềm lực khoa học công nghệ, nhân lực chất lượng cao; tam giác Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, tứ giác Thành phố Hồ Chí Minh - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu, (iii) khu ven biển Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế - Quảng Nam; và (iv) tam giác Cần Thơ - An Giang - Kiên Giang;

Dọc các hành lang kinh tế Đông - Tây: Hình thành các chùm, chuỗi đô thị kết nối cửa khẩu và cửa biển, các vùng của Việt Nam với các quốc gia thuộc tiểu vùng sông Mê Kông gồm: (i) Hành lang Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; (ii) Hành lang Mộc Bài - Thành phố Hồ Chí Minh - Biên Hòa - Vũng Tàu; (iii) Hành lang Điện Biên - Sơn La - Hòa Bình - Hà Nội; (iv) Hành lang Cầu Treo - Vũng Áng; (v) Hành lang Lao Bảo - Đông Hà - Đà Nẵng; (vi) Hành lang Bờ Y - Pleiku - Quy Nhơn; hành lang Bờ Y - Quảng Nam - Đà Nẵng; hành lang Buôn Ma Thuột - Khánh Hòa... (vii) Hành lang Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; (viii) Hành lang Hà Tiên - Rạch Giá - Cà Mau.

Xem thêm nội dung tại Quyết định 891/QĐ-TTg ban hành ngày 22/8/2024.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 701

Bài viết về

lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]