Đề xuất quy định hướng dẫn về Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực giáo dục đào tạo
Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang dự thảo Thông tư (dự thảo 2) Hướng dẫn về Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Cụ thể, dự thảo Thông tư (dự thảo 2) đã đề xuất các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập, mối quan hệ giữa Hội đồng quản lý với người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập và cơ quan quản lý cấp trên.
Cùng với đó là tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, miễn nhiệm các thành viên Hội đồng quản lý, Chủ tịch Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo (sau đây gọi là Hội đồng quản lý).
Sau đây là đơn cử nội dung một số quy định đang được đề xuất như sau:
(1) Đối tượng áp dụng
- Các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo (trừ các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Công an và Bộ Quốc phòng) được cấp có thẩm quyền thành lập theo quy định tại Điều 2 Nghị định 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thành lập và hoạt động của Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
- Đối với các cơ sở giáo dục thì hội đồng trường được thành lập theo quy định của pháp luật chuyên ngành và thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng quản lý theo quy định tại Nghị định 120/2020/NĐ-CP.
(Điều 2 dự thảo Thông tư)
(2) Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quản lý và nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng quản lý, thành viên Hội đồng quản lý, thư ký Hội đồng quản lý
- Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quản lý thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định 120/2020/NĐ-CP.
- Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng quản lý
+ Điều hành Hội đồng quản lý thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại dự thảo Thông tư này;
+ Tổ chức việc giám sát và đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu chiến lược, kết quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập; kết quả quản lý điều hành của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập;
+ Chỉ đạo xây dựng kế hoạch hoạt động theo nhiệm kỳ và hàng năm,
hàng quý của Hội đồng quản lý; lãnh đạo thực hiện các nghị quyết của Hội đồng quản lý;
+ Triệu tập, chủ trì các cuộc họp Hội đồng quản lý; chỉ đạo chuẩn bị các chương trình, tài liệu cuộc họp hoặc lấy ý kiến thành viên Hội đồng quản lý;
+ Ký văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Hội đồng quản lý;
+ Phân công nhiệm vụ và giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của các thành viên Hội đồng quản lý;
+ Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên Hội đồng quản lý quy định tại khoản 3 Điều 4 dự thảo Thông tư.
- Nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên Hội đồng quản lý
+ Thực hiện các nhiệm vụ do Hội đồng quản lý phân công; các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật, quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý và quy chế tổ chức và hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập;
+ Tham gia xây dựng kế hoạch hoạt động theo nhiệm kỳ và hàng năm;
đề xuất nội dung và các vấn đề cần thảo luận tại cuộc họp Hội đồng quản lý;
+ Dự các cuộc họp của Hội đồng quản lý, góp ý kiến, biểu quyết về
những vấn đề đưa ra thảo luận trong các cuộc họp của Hội đồng quản lý.
+ Chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của mình.
- Nhiệm vụ, quyền hạn của Thư ký Hội đồng quản lý
Thư ký Hội đồng quản lý thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên Hội đồng quản lý theo quy định tại khoản 3 Điều 4 dự thảo Thông tư và các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
+ Tổng hợp thông tin về hoạt động của đơn vị báo cáo Chủ tịch Hội đồng quản lý; chuẩn bị chương trình nghị sự, tài liệu, giấy mời họp và làm thư ký các cuộc họp của Hội đồng quản lý; xây dựng, hoàn chỉnh, lưu trữ các văn bản của Hội đồng quản lý;
+ Chuẩn bị các báo cáo, văn bản giải trình với cơ quan nhà nước và các cơ quan có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng quản lý;
+ Các nhiệm vụ khác do Chủ tịch Hội đồng quản lý giao.
(Điều 4 dự thảo Thông tư)
(3) Tiêu chuẩn, điều kiện và quy trình bổ nhiệm thành viên Hội đồng quản lý
- Đối với thành viên Hội đồng quản lý
+ Là công chức hoặc viên chức. Trong trường hợp thành viên Hội đồng quản lý là đại diện của cá nhân, tổ chức có lợi ích liên quan thì không bắt buộc phải là công chức hoặc viên chức;
+ Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; có đủ sức khỏe để đảm nhận công việc;
+ Không trong thời gian chấp hành quyết định kỷ luật hoặc trong thời gian bị xem xét xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật;
+ Có trình độ từ đại học trở lên;
+ Đủ tuổi công tác ít nhất 01 nhiệm kỳ đối với công chức, viên chức;
+ Không phải là vợ hoặc chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu, kế toán trưởng của đơn vị sự nghiệp công lập.
- Đối với Chủ tịch Hội đồng quản lý
+ Đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 9 dự thảo Thông tư;
+ Có uy tín, năng lực và kinh nghiệm quản lý đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
+ Chủ tịch Hội đồng quản lý là một đại diện của cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp của đơn vị sự nghiệp công lập có Hội đồng quản lý, thực hiện chức trách theo chế độ kiêm nhiệm.
- Quy trình bổ nhiệm thành viên Hội đồng quản lý, thư ký Hội đồng quản lý và Chủ tịch Hội đồng quản lý thực hiện theo quy định của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức được quy định cụ thể trong quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý.