Quy hoạch về phát triển sản xuất lâm nghiệp đến năm 2030 (Hình từ internet)
Ngày 24/8/2024, Thủ tướng ban hành Quyết định 895/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch về phát triển sản xuất lâm nghiệp đến năm 2030
Cụ thể, tại Quyết định 895/QĐ-TTg năm 2024, Thủ tướng đã phê duyệt Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với nhiều nội dung chủ yếu.
Trong đó, đã có nội dung định hướng quy hoạch toàn quốc về phát triển sản xuất lâm nghiệp đến năm 2030 như sau:
- Bảo vệ rừng: Tổng diện tích rừng được bảo vệ thời kỳ 2021 - 2030 là 138.812 nghìn lượt ha (không gồm: diện tích rừng trồng đang trong giai đoạn đầu tư và diện tích khoanh nuôi tái sinh), bình quân 13.881 nghìn ha/năm.
- Phát triển rừng:
+ Phát triển giống cây trồng lâm nghiệp: Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, chọn tạo giống mới có năng suất, chất lượng cao, giống cây bản địa mọc nhanh có năng suất, chất lượng phục vụ phát triển rừng sản xuất, rừng gỗ lớn. Đảm bảo cung cấp bình quân 575 triệu cây/năm. Quản lý chặt chẽ nguồn cung giống, đảm bảo tỷ lệ nguồn cây giống cho trồng rừng được kiểm soát đạt tối thiểu 95% vào năm 2030. Hỗ trợ xây dựng các khu rừng giống, trung tâm giống công nghệ cao dựa trên nhu cầu giống cây lâm nghiệp của từng vùng, với các sản phẩm giống cây trồng chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng từ 5 đến 7 khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao; trong mỗi khu có phân khu sản xuất giống công nghệ cao, công suất khoảng 200 triệu cây/năm;
+ Trồng rừng: 2.467,2 nghìn ha, trong đó: giai đoạn 2021 - 2025, trồng 1.178,4 nghìn ha, bình quân 235,7 nghìn ha/năm (trồng mới 178,4 nghìn ha, bình quân 35,7 nghìn ha/năm); giai đoạn 2026 - 2030, trồng 1.288,8 nghìn ha, bình quân 257,8 nghìn ha/năm (trồng mới là 88,8 nghìn ha, bình quân 17,8 nghìn ha/năm). Diện tích trồng rừng gỗ lớn đến năm 2030 dự kiến đạt 1,0 triệu ha, trong đó trồng khoảng 700 nghìn ha, chuyển hoá rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn khoảng 300 nghìn ha;
+ Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng: 934,4 nghìn lượt ha, bình quân 93,4 nghìn ha/năm; chia ra: Giai đoạn 2021 - 2025 là 687,2 nghìn lượt ha và giai đoạn 2026 - 2030 là 247,2 nghìn lượt ha. Diện tích khoanh nuôi thành rừng thời kỳ 2021 - 2030 là 280,9 nghìn ha;
+ Phát triển cây trồng phân tán: giai đoạn 2021 - 2025 là 690.000 nghìn cây, bình quân 138.000 nghìn cây/năm. Giai đoạn 2026 - 2030, phấn đấu đạt 80% mức trồng cây phân tán của giai đoạn 2021 - 2025.
- Phát triển lâm sản ngoài gỗ: Tăng cường các biện pháp bảo vệ, phát triển các loài lâm sản ngoài gỗ có giá trị, các loài có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng; khai thác hợp lý và bền vững các loại lâm sản ngoài gỗ; hình thành các vùng nguyên liệu lâm sản ngoài gỗ, tạo ra những sản phẩm đặc trưng cho từng vùng và phù hợp với nhu cầu của thị trường; tập trung ưu tiên phát triển nhóm sản phẩm dược liệu, mỹ phẩm, thực phẩm.
- Quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ quản lý rừng: Đến năm 2025, diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt khoảng 500 nghìn ha và sẽ đạt khoảng 1 triệu ha vào năm 2030.
- Khai thác gỗ từ rừng trồng, cây lâm nghiệp trồng phân tán, vườn nhà, vườn cây cao su thanh lý: đến năm 2025 đạt 35 triệu m3 gỗ và 50 triệu m3 gỗ vào năm 2030.
- Chế biến, thương mại gỗ và lâm sản: Ưu tiên sử dụng trang thiết bị hiện đại, tự động hoá, chuyên môn hoá. Khuyến khích phát triển công nghệ tạo ra các sản phẩm chất lượng, có giá trị gia tăng cao. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua đổi mới nội dung chương trình đào tạo, gắn đào tạo với thực tiễn; đào tạo trên cơ sở đặt hàng và nhu cầu của doanh nghiệp. Ưu tiên ngân sách nhà nước cho đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất cho các đơn vị đào tạo. Ưu tiên phát triển trung tâm giao dịch gỗ tại các khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xây dựng 01 trung tâm giao dịch sản phẩm gỗ quốc tế; xây dựng các chương trình, kế hoạch xúc tiến thương mại, phát triển thị trường.
- Phát triển kết cấu hạ tầng lâm nghiệp:
+ Bảo trì hệ thống đường lâm nghiệp hiện có và mở mới đường lâm nghiệp khoảng 6.000 km, trong đó: Vùng trung du và miền núi phía Bắc khoảng 3.000 km; vùng đồng bằng sông Hồng khoảng 100 km; vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung khoảng 1.100 km; vùng Tây Nguyên khoảng 1.000 km; vùng Đông Nam Bộ khoảng 500 km; vùng đồng bằng sông Cửu Long khoảng 300 km;
+ Phát triển các công trình, cơ sở hạ tầng: Xây dựng, đảm bảo vận hành ổn định trụ sở văn phòng làm việc của khoảng 400 ban quản lý rừng đặc dụng và ban quản lý rừng phòng hộ; xây dựng mới khoảng 350 trạm bảo vệ rừng và trạm Kiểm lâm, khoảng 5.400 km đường băng cản lửa tại các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và các công trình cơ sở hạ tầng khác phục vụ công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng.
- Phát triển dịch vụ môi trường rừng:
Tiếp tục thực hiện các loại dịch vụ môi trường rừng hiện có; nghiên cứu, mở rộng thêm các loại hình, đối tượng chi trả dịch vụ môi trường rừng, như:
+ Duy trì nguồn thu dịch vụ môi trường rừng đối với dịch vụ điều tiết cung cấp nước cho các công trình thuỷ điện, nước sinh hoạt, nước công nghiệp;
+ Nghiên cứu, mở rộng các loại dịch vụ, đối tượng chi trả dịch vụ môi trường rừng như: dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng, dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí và nuôi trồng thủy sản...
- Phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo vệ và phát triển rừng:
Rà soát, nghiên cứu hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách hiện hành, tạo điều kiện để phát triển du lịch sinh thái tại các khu rừng gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng địa phương; huy động nguồn lực xã hội trong phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo vệ và phát triển rừng.
- Tổ chức thực hiện việc giao đất, giao rừng cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư. Diện tích 3.744,6 nghìn ha, gồm: đất có rừng là 2.890,1 nghìn ha và đất chưa có rừng là 854,5 nghìn ha.
(Chi tiết tại Phụ lục IV kèm theo Quyết định 895/QĐ-TTg năm 2024).